22/11/2024 | 13:07 GMT+7, Hà Nội

Mâm cơm ngày 23 tháng Chạp thể hiện lòng thành kính và yếu tố tâm linh trọn vẹn

Cập nhật lúc: 23/01/2019, 02:10

Hàng năm, cứ đến 23 tháng Chạp Âm lịch, Táo quân lại cưỡi cá chép bay về trời để trình báo mọi việc xảy ra trong gia đình với Ngọc Hoàng. Vì vậy, khoảng Rằm tháng Chạp trở ra, mọi gia đình bắt đầu chuẩn bị bày biện, lau dọn bàn thờ và chuẩn bị mâm cơm cúng ông Công ông Táo về chầu trời

Quan niệm hàng ngàn đời nay của người Việt cho rằng, gia đình nào cũng cần có vị thần bếp (hay còn gọi là thần Táo quân) trông nom cuộc sống. Thần Táo quân gồm ba vị định đoạt phước cho gia đình: một bà Táo và hai ông Táo (gồm Thổ Địa Long Mạch Tôn Thần, Ngũ Phương Ngũ Thổ Phúc Đức Chánh Thần và Đông Trù Tư Mệnh Táo Phủ Thần Quân). Thế nên mỗi năm tới ngày 23 tháng Chạp, các gia đình đều phải chuẩn bị nhiều lễ vật sao cho thật chu đáo, để vừa hợp lòng các vị thần lại vừa thể hiện được lòng thành kính cùng yếu tố tâm linh trọn vẹn nhất. Và mỗi vùng miền cũng đều có cách trưng bày mâm cỗ cúng khác nhau. 

23 tháng Chạp Âm lịch, Táo Quân lại cưỡi cá chép bay về trời để trình báo mọi việc xảy ra trong một năm qua với Ngọc Hoàng.

23 tháng Chạp Âm lịch, Táo Quân lại cưỡi cá chép bay về trời để trình báo mọi việc xảy ra trong một năm qua với Ngọc Hoàng.

Nhưng để nói về mâm cơm cúng ngày 23 Tháng Chạp thì phải học cách bày trí, chuẩn bị của người Hà Nội xưa. Mâm cơm tiễn ông Công, ông Táo của người Hà Nội luôn có nét thanh tao, tinh tế rất đặc biệt. Các món ăn thường được các bà các mẹ tự tay soạn sửa từ sáng sớm. Theo phong tục, trên mâm thế nào cũng phải có món cá chép rán vàng ruộm. Gà luộc không được chặt, phải để nguyên con, da mượt căng, mỏ ngậm bông hồng đỏ tươi trông thật đẹp mắt.

Cũng có gia đình thay món gà luộc bằng miếng thịt nạc vai để nguyên miếng. Các bà, các mẹ thường làm xôi gấc vào dịp này. Đĩa xôi đỏ, hạt xôi căng mọng, dẻo mềm thơm hương nếp cái hoa vàng. Ngoài ra, mâm cỗ thường có thêm đĩa xào, đĩa nộm, giò lụa, nem rán, bát canh bóng thả hoặc canh măng khô, cơm trắng…

Bày trí mâm cơm ông Công ông Táo

Bày trí mâm cơm ông Công ông Táo

Dịp này các mẹ thường làm một ít chè kho hoặc chè con ong cúng ông Công ông Táo ngưỡng mong các ngài ngọt miệng tấu lên Ngọc Hoàng những điều dễ nghe về gia chủ. Trên mâm cơm cúng ông Công ông Táo, người Hà Nội xưa thường đặt 1 đĩa muối tinh để cầu mong mọi điều may mắn đến với gia đình trong năm mới.

Tùy theo điều kiện từng gia đình, gia chủ sẽ sắm sanh mâm cơm, vàng mã khác nhau. Tuy nhiên, mâm cơm cúng ông Táo thường cơ bản có những thứ sau: 1 đĩa gạo, 1 đĩa muối, 5 lạng thịt vai luộc, 1 bát canh mọc, 1 đĩa xào thập cẩm, 1 đĩa giò, 1 đĩa xôi gấc, 1 đĩa chè kho, 1 đĩa hoa quả, 1 ấm trà sen, 3 chén rượu, 1 quả bưởi, 1 quả cau, lá trầu.

Mâm cơm ngày 23 tháng Chạp

Mâm cơm ngày 23 tháng Chạp

Mâm cỗ mặn được sắp cúng cùng hương hoa, đèn, nến, đĩa ngũ quả tương và lễ vàng mã gồm ba bộ mũ áo, hia hài Táo quân, Tiền vàng. Một thứ không thể thiếu trong lễ cúng tiễn ông Công ông Táo là cá chép (sống hoặc chín hoặc mã) vì cá chép được coi là phương tiện để ông Táo về trời. Vào ngày này, ông lên thiên đình để tấu với Ngọc Hoàng mọi việc diễn ra trong gia đình ông ngự. Đến đêm giao thừa, Táo quân trở lại trần gian, tiếp tục công việc trông coi bếp lửa của mình. Để “vua bếp” phù hộ cho mình nhiều điều may mắn trong năm mới, người ta thường làm lễ tiễn đưa ông Táo về chầu Ngọc Hoàng rất trang trọng. 

Tỉa hoa, tạo hình cho các món ăn thêm đẹp mắt trên mâm cơm.

Tỉa hoa, tạo hình cho các món ăn thêm đẹp mắt trên mâm cơm.

Sau khi bày biện lễ vật xong xuôi, sắp xong mâm cơm cúng, gia chủ sẽ bật bếp, thắp hương trước 12h trưa ngày 23 tháng Chạp. Hương tàn, gia chủ hóa vàng mã, phóng sinh cá chép. Mâm cỗ mặn cúng ông Táo để gia đình và con cháu cùng thụ hưởng.