19/01/2025 | 01:35 GMT+7, Hà Nội

Luật sư phân tích dấu hiệu vi phạm pháp luật của Thẩm mỹ viện Đông Nam Á

Cập nhật lúc: 07/11/2018, 06:30

Theo luật sư, việc thẩm mỹ viện Đông Nam Á thực hiện các dịch vụ tiêm filler, nhấn mí, thu nhỏ cánh mũi… trực tiếp lên cơ thể con người tại một cơ sở chưa được cấp phép, cũng như không đủ năng lực y tế là trái với quy định của pháp luật.

Mới đây, PV đã đưa tin về việc thẩm mỹ viện Đông Nam Á tại địa chỉ số 36 Phạm Hùng (tầng 11A, phòng 11A10) hoạt động rầm rộ trong khi chưa được Sở Y tế cấp giấy phép. 

PV đã liên lạc tới ông Đức Anh, người được cho là chủ cơ sở thẩm mỹ viện này để xác minh thông tin nhằm tìm ra câu trả lời chính xác cho độc giả.

Chủ cơ sở vô trách nhiệm?

Tuy nhiên, trước những câu hỏi của PV, ông Đức Anh có thái độ khước từ, trốn tránh cũng như rũ bỏ toàn bộ trách nhiệm.

“Mình không làm, mình chỉ là cộng tác viên quảng cáo và chỗ đấy là mô hình dựng lên ở chung cư để sắp tới bọn mình tiến tới mục tiêu làm ở mặt đất. Bọn mình không có biển hiệu. Nếu như có khách đến thì làm việc ở chỗ khác”, ông Đức Anh nói.

Trang cá nhân Facebook của ông Đức Anh.

Tuy nhiên, theo tìm hiểu của PV, mọi hoạt động như tiêm filler, cắt mí mắt… đều được cơ sở này thực hiện tại địa chỉ trên. Và hiện nay, chủ cơ sở đã có động thái dở bỏ tên của thẩm mĩ viện. Câu hỏi đặt ra ở đây là nếu cơ sở này hoạt động một cách “tử tế” thì sao lại có những hành động thiếu công khai như vậy?

Khi PV hỏi về việc thẩm mĩ viện Đông Nam Á đã được cấp phép hay chưa, câu trả lời đến từ ông Đức Anh chỉ là: “Em không cung cấp được. Anh chẳng có quyền gì gọi cho em cả”.

Tiếp tục, PV đề nghị ông Đức Anh công khai mối quan hệ với thẩm mỹ viện bởi người này chỉ nhận mình là “cộng tác viên” trong khi trên mạng xã hội, số điện thoại cũng như chức danh đều thể hiện rõ ông Đức Anh là chủ cơ sở. Tuy nhiên, câu trả lời mà PV nhận được lại đầy sự vô trách nhiệm: “Đấy là việc của các anh. Anh không có quyền, em ko có nghĩa vụ trả lời”.

Có thể đe dọa đến tính mạng của khách hàng

Trước việc thẩm mỹ viện Đông Nam Á có dấu hiệu hoạt động chui, không phép nhưng lại quảng cáo trên mạng xã hội rầm rộ. Để làm rõ những sai phạm cũng như sự nguy hiểm của một thẩm mỹ viện không được cấp phép có thể ảnh hưởng đến sức khỏe, thậm chí tính mạng của khách hàng như thế nào, PV đã có cuộc trao đổi với luật sư.

Trao đổi với PV, Luật sư Phạm Danh Tín (Giám đốc Văn phòng luật sư Danh Tín) cho biết, hiện nay, nhu cầu làm đẹp là nhu cầu chính đáng của mỗi con người. Lợi dụng điều đó, nhiều cơ sở tự xưng danh là thẩm mỹ viện trong khi chưa được cấp phép lần lượt ra đời và hoạt động một cách mờ ám.

Thẩm mỹ viện Đông Nam Á hoạt động không phép.

Thẩm mỹ viện Đông Nam Á hoạt động không phép.

Theo quy định tại Điều 29 - Nghị định 176/2013/NĐ-CP ngày 14-11-2013 về xử phạt vi phạm hành chính với các cơ sở hành nghề y dược tư nhân, việc thực hiện các dịch vụ y tế ngoài giấy phép sẽ bị phạt hành chính từ 50.000.000 đồng đến 70.000.000 đồng

Bên cạnh đó, tại Khoản 2 Điều 37 Nghị định 109/2016/NĐ-CP quy định: “Các dịch vụ thẩm mỹ có sử dụng thuốc, các chất, thiết bị để can thiệp vào cơ thể người (phẫu thuật, thủ thuật, các can thiệp có tiêm, chích, bơm, chiếu tia, sóng, đốt hoặc các can thiệp xâm lấn khác) làm thay đổi màu sắc da, hình dạng, cân nặng, khiếm khuyết của các bộ phận trên cơ thể (da, mũi, mắt, môi, khuôn mặt, ngực, bụng, mông và các bộ phận khác trên cơ thể người), xăm, phun, thêu trên da có sử dụng thuốc gây tê dạng tiêm chỉ được thực hiện tại bệnh viện có chuyên khoa thẩm mỹ hoặc phòng khám chuyên khoa thẩm mỹ hoặc cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có phạm vi hoạt động chuyên môn về chuyên khoa thẩm mỹ tùy theo phạm vi hoạt động chuyên môn được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt”.

Nhưng thẩm mỹ viện Đông Nam Á đã thực hiện các dịch vụ tiêm filler, nhấn mí, thu nhỏ cánh mũi… trực tiếp lên cơ thể con người tại một cơ sở chưa được cấp phép, cũng như không đủ năng lực y tế - điều này là trái với quy định, đồng thời không đảm bảo sức khỏe và an toàn tính mạng cho khách hàng.

Bên cạnh đó, các cơ sở thẩm mỹ viện tập trung quảng cáo quá đà rầm rộ các loại dịch vụ trong khi chưa được cơ quan nhà nước có thầm quyền cấp phép theo quy định tại khoản 6, Điều 29, Nghị định 176/2013/NĐ-CP ngày 14/11/2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế mà điển hình là thẩm mỹ viện Đông Nam Á đang gặp phải là cung cấp dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh mà không có giấy phép hoạt động sẽ bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 70.000.000 đồng.

Cũng theo luật sư Tín, trong trường hợp xấu nhất, một cơ sở thẩm mỹ thiếu uy tín làm chết người, mặc dù hành vi này không được khép vào tội Giết người nhưng bệnh nhân tử vong do xuất phát từ hành vi nghiệp vụ thì những người trực tiếp tham gia vào công tác hành nghề sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự do vi phạm quy tắc nghề nghiệp hoặc quy tắc hành chính được quy định Điều 128 Bộ luật hình sự 2015.  Tội Vô ý làm chết người có khung hình phạt gồm cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 1-5 năm. Nếu phạm tội làm chết 2 người trở lên, mức án tù cao nhất là 10 năm.

Để kịp thời ngăn chặn việc các trung tâm phẫu thuật thẩm mỹ “chui” mọc lên như nấm, Nhà nước cần siết chặt hơn nữa về điều kiện cấp phép hoạt động, cũng như cần tăng nặng chế tài xử phạt đối với cá nhân, tổ chức vi phạm các quy định của pháp luật trong lĩnh vực này.

Và để tránh trường hợp “tiền mất tật mang”, người dân nên tìm đến những cơ sở thẩm mỹ uy tín, được công nhận và cấp phép rõ ràng, với đội ngũ y bác sĩ đảm bảo, có tay nghề cao.