13/05/2024 | 11:57 GMT+7, Hà Nội

Lớp trưởng tiểu học làm chủ tịch hội đồng: Sính quyền lực hay trẻ sẽ mạnh dạn hơn?

Cập nhật lúc: 17/07/2015, 13:42

Lớp học tiểu học theo dự thảo thông tư mới sẽ có chức Chủ tịch, Phó Chủ tịch. Ngay lập tức, dự thảo này vừa đưa ra đã “dậy sóng” với các ý kiến trái chiều.

Lớp trưởng sẽ giữ chức chủ tịch hội đồng tự quản

Bộ GD&ĐT vừa công bố dự thảo Thông tư ban hành Điều lệ trường tiểu học, thay thế Thông tư số 41/2010/TT-BGDĐT cho phù hợp với các quy định mới về giáo dục tiểu học.

Đáng chú ý trong số đó là việc tổ chức lớp học, lớp học tiểu học sẽ có lớp trưởng, lớp phó hoặc chủ tịch, phó chủ tịch hội đồng tự quản học sinh do tập thể học sinh bầu hoặc do giáo viên chủ nhiệm lớp chỉ định luân phiên trong năm học. Mỗi lớp học có không quá 35 học sinh.

Mỗi lớp học có một giáo viên chủ nhiệm phụ trách giảng dạy một hoặc nhiều môn học. Biên chế giáo viên một lớp theo quy định hiện hành của Nhà nước.

Ở những địa bàn đặc biệt khó khăn có thể tổ chức lớp ghép học sinh nhiều trình độ nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho học sinh đi học. Số lượng học sinh và số lớp trình độ trong một lớp ghép phù hợp năng lực dạy học của giáo viên và điều kiện địa phương.

Mỗi lớp học chia thành các tổ hoặc ban hoặc nhóm học sinh. Mỗi tổ ban, nhóm có tổ trưởng, tổ phó hoặc trưởng ban, phó ban, nhóm trưởng, thư ký do học sinh trong tổ, ban, nhóm bầu hoặc do giáo viên chủ nhiệm lớp chỉ định luân phiên trong năm học.

Những lớp cùng trình độ lập thành khối lớp để phối hợp các hoạt động chung. Tuỳ theo điều kiện ở địa phương, trư­ờng tiểu học có thể có thêm điểm trường ở những địa bàn khác nhau để thuận lợi cho trẻ đến trường. Hiệu trưởng phân công một Phó Hiệu trưởng hoặc một giáo viên chủ nhiệm lớp phụ trách điểm trường.

Lớp học tiểu học theo dự thảo thông tư mới sẽ có chức Chủ tịch, Phó Chủ tịch.

Lớp học tiểu học theo dự thảo thông tư mới sẽ có chức Chủ tịch, Phó Chủ tịch.

Đừng để các cháu đóng vai cán bộ sớm quá

GS Nguyễn Minh Thuyết, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội, cho rằng thông tư này đưa trẻ con vào hệ thống quan chức sớm quá, cho trẻ con đóng vai cán bộ sớm quá. Không nên trao quyền khi các em còn ở độ tuổi quá non nớt.

“Trong lớp có chủ tịch, phó chủ tịch hội đồng tự quản học sinh, mỗi lớp học chia thành các ban có trưởng ban, phó ban, rồi thư ký... Cái này giống như… UBND chứ không phải là lớp học nữa. Chuyện này quá nặng nề đối với học sinh tiểu học. Các cháu tiểu học còn nhỏ lắm, đừng đưa các cháu vào hệ thống quan chức rối ren” - GS Thuyết nói.

GS Thuyết cho rằng vẫn nên giữ tên gọi lớp trưởng, lớp phó và chia thành các tổ, còn việc có tổ trưởng, tổ phó không thì để các trường tự giải quyết.

GS Thuyết đồng tình quan điểm cử các cháu là lớp trưởng, lớp phó, tổ trưởng, tổ phó thì nên luân phiên, không nên để các cháu làm mãi. Các cháu khác không có điều kiện để rèn luyện kỹ năng tổ chức, kỹ năng lãnh đạo, kỹ năng làm việc nhóm.

“Một cháu có khi làm lớp trưởng, lớp phó mãi thì có thể cháu đó chủ quan, dẫn đến nhiều cái không hay. Bởi trẻ nắm giữ chức vụ quá lâu sẽ quen với chức quyền, hình thành tâm lý ra oai” - GS Thuyết bình luận.

Tuy nhiên, GS Thuyết cho rằng giáo viên nên quán triệt rõ từ đầu mỗi chức danh nắm giữ trong bao lâu để tránh tình trạng trẻ sốc khi “mất chức”.

GS Nguyễn Minh Thuyết, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội.

GS Nguyễn Minh Thuyết, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội.

Đồng quan điểm này, một giáo viên tiểu học ở Hà Nội (đề nghị không nêu tên) chia sẻ tên gọi chủ tịch, phó chủ tịch hội đồng tự quản trong nhà trường là không gần gũi với học sinh. “Từ trước tới nay, từ lớp trưởng, lớp phó giản dị, dễ hiểu, gần gũi với học sinh, chỉ đúng chức năng vai trò của lớp trưởng, lớp phó trong một lớp học. Chủ tịch là từ chỉ những vị trí ở ngoài xã hội. Dùng những từ này có thể tạo cho học sinh tâm lý chức tước, quyền hành ngay từ nhỏ” - giáo viên này nói.

Một phụ huynh khác phản đối khá gay gắt: “Cứ phải làm mấy trò khác người, cải cách mang tính chất "đột phá" không đâu có thì mới để lại dấu ấn? Các em còn trẻ, đừng bắt chúng phải gánh chịu hậu quả của những cái đầu "vĩ mô”. Đừng làm hại thế hệ trẻ nữa. Hãy để chúng được học tập và phát triển trong "yên bình".

Thậm chí, có người còn dần ra một đề xuất khác: “Tôi đề nghị nên gọi Hiệu trưởng là chủ tịch Hội đồng Quản trị, các giáo viên là Giám đốc lớp, tổ trưởng Bảo vệ thì gọi là Chủ tịch Hội đồng An ninh, bà bán căn tin là chủ tịch Hội đồng Thương mại. Người quét dọn vệ sinh xung quanh trường gọi là Chủ tịch hội đồng Môi trường; Cán bộ y tế trường gọi là Chủ tịch hội đồng Chăm Sóc Sức Khỏe; Giám thị gọi là Chủ tịch hội đồng Thanh tra trường....Có như vậy mới xứng tầm với khái niệm "Chủ tịch Hội đồng tự quản".

Về tên gọi chủ tịch, phó chủ tịch hội đồng tự quản học sinh, Giáo sư, tiến sĩ, Nhà giáo Nhân dân Nguyễn Võ Kỳ Anh, Viện trưởng Viện Nghiên cứu giáo dục phát triển tiềm năng con người, cho rằng với tiêu chí tốt đẹp và hữu ích của việc thay đổi, đừng để những cách định danh cho các em như dự thảo đề ra làm mọi người có cái nhìn thiếu tích cực.

"Cách gọi tên một vài chức danh như lớp trưởng, lớp phó trở thành chủ tịch, phó chủ tịch hội đồng tự quản lại trở nên trịnh trọng quá và chưa phù hợp với lứa tuổi của các em. Điều đó có thể khiến cho các em tự nghĩ rằng đó là một chức danh gì ghê gớm và tạo ra sự thích chức danh, vị trí thì rất nguy hiểm" - GS Kỳ Anh nói.

Theo TS Ngô Thị Tuyên, phó giám đốc thứ nhất Trung tâm Công nghệ giáo dục (Nhà xuất bản Giáo Dục Việt Nam), việc đặt những chức danh “đao to búa lớn” là không cần thiết vì đó cũng chỉ là lớp vỏ. Theo TS Ngô Thị Tuyên, việc đổi mới nên đi vào thực chất chứ không phải đổi mới bằng những cái tên khác nhau.

“Đừng để các em nghĩ chức danh đó sẽ đi kèm đặc quyền, đặc lợi hay áp đặt người khác”, TS Tuyên nhấn mạnh.

Bên cạnh đó, việc đặt những chức danh nặng nề như vậy trong một môi trường tiểu học khiến cho lớp học giống như bộ máy chính quyền hay công ty, điều đó là chưa cần thiết với các em học sinh, GS Kỳ Anh nhấn mạnh.

“Thay vào đó, những chức danh nên được đặt sao cho nhẹ nhàng, gần gũi và thân thiện với môi trường giáo dục”, GS Nguyễn Võ Kỳ Anh nói.

Chức danh mới giúp trẻ mạnh dạn hơn?

Tuy nhiên, TS Vũ Thu Hương, khoa Giáo dục tiểu học Trường ĐH Sư phạm Hà Nội, lại đồng tình với cách gọi chủ tịch, phó chủ tịch hội đồng tự quản. Theo bà Hương, chức danh này giúp các cháu tự tin, mạnh dạn và làm được nhiều việc hơn. Nếu lớp trưởng, chỉ đơn thuần kiểm soát các bạn, mách cô thì chủ tịch giúp trẻ làm được nhiều việc hơn về ý thức tự quản, đánh giá các bạn.

“Mô hình trường học mới tập cho học sinh tự quản, tự học, biết làm việc nhóm, mạnh dạn nói lên ý kiến của bản thân”, bà Hương cho hay.

Theo bà Hương, nếu lớp trưởng, chỉ đơn thuần kiểm soát các bạn, mách cô thì chủ tịch giúp trẻ làm được nhiều việc hơn về ý thức tự quản, đánh giá các bạn.

Ngoài ra, tên gọi “chủ tịch hội đồng tự quản” gần gũi hơn tên gọi “lớp trưởng”. Nó gắn với thực tiễn hơn tên gọi lớp trưởng. Bởi nếu suy nghĩ trẻ luôn bé bỏng, trẻ sẽ không thể phát huy hết khả năng và cảm thấy không được coi trọng. Ngược lại, nếu được giao quyền, trẻ sẽ cố gắng hoàn thành trách nhiệm và sẽ trưởng thành dần sau mỗi thử thách.

Tuy nhiên, cũng theo bà Hương, trên thế giới, ở bậc tiểu học hầu như không có chức vụ trong lớp. Họ theo quan niệm công bằng tuyệt đối. Những nước này họ cho rằng, bậc tiểu học có mô hình ban cán sự được giao quyền hành là không nên. Họ lo ngại, trẻ sẽ hình thành tư tưởng lạm quyền, áp bức bạn.

TS. Nguyễn Tùng Lâm, Chủ tịch Hội Tâm lý giáo dục Hà Nội cũng đồng tình với nội dung mới trong dự thảo, trong đó, lớp trưởng bậc tiểu học sẽ là chủ tịch hội đồng tự quản.

“Tôi thấy chủ trương này của Bộ GD-ĐT rất tốt. Họ quy định luân phiên cho trẻ nhận chức danh này thì tốt quá. Bởi cháu nào cũng muốn trải nghiệm, đóng vai này, vai khác. Như thế, trẻ sẽ trưởng thành hơn”.

Tuy nhiên, ông Lâm cũng lo ngại: “Nếu trẻ làm lâu một chỗ, tôi cũng sợ biến trẻ thành quan chức trẻ con, bố mẹ đua nhau chạy chức cho con thì hỏng”.

Do đó, theo TS. Nguyễn Tùng Lâm, giáo viên cần phải khẳng định vai trò trong tình huống này bởi chính các thầy cô là người định hướng cho học sinh. Giáo viên có quyền phán xét và thay thế cán bộ lớp nếu trẻ làm sai./.