Lợi nhuận doanh nghiệp bị “bào mòn” do chi phí tăng cao
Cập nhật lúc: 29/07/2021, 06:30
Cập nhật lúc: 29/07/2021, 06:30
Trong 6 tháng đầu năm nay, loạt doanh nghiệp ghi nhận chi phí tăng cao đều khiến lợi nhuận bị "bào mòn".
Lợi nhuận bị "bào mòn" do chi phí tăng
Kết thúc quý 2/2021, một số doanh nghiệp ở các lĩnh vực như thủy sản, thực phẩm,... đều ghi nhận chi phí tăng cao khiến lợi nhuận bị thâm hụt.
Chẳng hạn, Công ty CP Tập đoàn Dabaco (mã DBC, sàn HOSE) ghi nhận doanh thu thuần quý 2/2021 đạt 2.596 tỷ đồng, tăng 17% so với cùng kỳ năm trước. Giá vốn hàng bán tăng nhanh hơn doanh thu thuần khiến cho lợi nhuận gộp bị sụt giảm mạnh.
Đồng thời, một số khoản chi phí cơ bản như chi phí bán hàng và chi phí quản lý doanh nghiệp của Dabaco cũng tăng trong quý 2/2021 khiến lãi ròng chỉ đạt 215 tỷ đồng, trong khi quý 2/2020 đạt 401 tỷ đồng.
Cùng hoàn cảnh, quý 2/2021, doanh thu thuần tại Tổng CTCP Phát triển Khu Công nghiệp (UPCoM: SNZ) đạt hơn 1.266 tỷ đồng, tăng 7% so với cùng kỳ.
Về chi phí trong kỳ, trong khi chi phí tài chính giảm 10% và chi phí bán hàng gần như đi ngang so với cùng kỳ thì chi phí quản lý của SNZ tăng 32%, lên hơn 112 tỷ đồng. Lợi nhuận gộp giảm kết hợp với sự gia tăng đáng kể ở cả giá vốn và chi phí quản lý, lãi ròng quý 2/2021 của SNZ giảm 26% so với cùng kỳ, còn hơn 179 tỷ đồng.
Một doanh nghiệp ô tô là CTCP City Auto (HOSE: CTF) cũng ghi nhận quý 2/2021 lợi nhuận trước thuế giảm 54% so với cùng kỳ, còn gần 3 tỷ đồng. Lợi nhuận ròng chỉ còn vỏn vẹn hơn 547 triệu đồng, giảm 3% so với cùng kỳ. Nguyên nhân chính là do chi phí bán hàng ở mức cao. Đồng thời, không còn ghi doanh thu tài chính lớn như cùng kỳ.
Tương tự, quý 2/2021 CTCP Camimex Group (HOSE: CMX) đạt 718 tỷ đồng doanh thu thuần, tăng 68% so với cùng kỳ. Trong kỳ, chi phí tài chính giảm 18%, xuống còn 14,6 tỷ đồng. Tuy nhiên, chi phí bán hàng tăng 88% lên mức 22 tỷ đồng và quản lý doanh nghiệp tăng 49% lên mức 13 tỷ đồng. Kết quả, CMX báo lãi ròng giảm 7%, xuống còn 17 tỷ đồng.
Một doanh nghiệp ở lĩnh vực thực phẩm là CTCP Thực phẩm Bích Chi (HNX: BCF) cũng rơi vào hoàn cảnh tương tự.
Trong quý 2/2021, doanh thu thuần của BCF đạt hơn 166 tỷ đồng, tăng 26% so với cùng kỳ. Bên cạnh đó, chi phí lãi vay tăng mạnh 62% so với cùng kỳ. Chi phí bán hàng tăng 31%, lên gần 13 tỷ đồng khiến lợi nhuận ròng của BCF giảm 18% so với cùng kỳ năm trước, còn hơn 17 tỷ đồng.
Lợi nhuận doanh nghiệp thủy sản sụt giảm mạnh
6 tháng qua, các doanh nghiệp cá tra ghi nhận hoạt động xuất khẩu tích cực nhưng lợi nhuận lại có phần tăng nhẹ hoặc sụt giảm. Sự trái ngược này chủ yếu do giá thành sản xuất và các chi phí vận chuyển, chi phí hoạt động tăng cao trong giai đoạn dịch Covid-19 diễn biến phức tạp.
Đơn cử, Tổng công ty Thủy sản Việt Nam - Công ty cổ phẩn (CTCP) (Seaprodex, mck: SEA) đã công bố báo cáo tài chính (BCTC) hợp nhất quý 2/2021 với doanh thu thuần vọt tăng 131% so với cùng kỳ lên gần 60,7 tỷ đồng. Tuy nhiên, theo đà tăng của doanh thu, chi phí giá vốn đã tăng mạnh 163%, do đó lợi nhuận gộp đạt hơn 10,7 tỷ đồng, tăng 49% so với cùng kỳ 2020. Biên lợi nhuận gộp giảm từ 27,3% xuống còn 17,6%.
Trong kỳ, các loại chi phí bán hàng, chi phí quản lý doanh nghiệp cùng đồng loạt tăng 106% và 53% so với cùng kỳ. Kết quả, SEA báo lãi ròng quý 2 đạt 22,7 tỷ đồng, tăng nhẹ 4% so với cùng kỳ 2020.
Lũy kế 6 tháng đầu năm, Tổng Công ty đạt doanh thu 108 tỷ đồng, tăng 51% so với nửa đầu năm 2020. Do vẫn chịu áp lực tăng chi phí khiến lãi bị "bào mòn", lợi nhuận trước thuế chỉ tăng thêm gần 4%, lên hơn 36 tỷ đồng.
Tương tự, do chi phí vận chuyển, lưu kho và loạt chi phí khác đồng loạt tăng đột biến trong nửa đầu năm 2021 khiến lãi ròng của CTCP Vĩnh Hoàn (HOSE: VHC) chỉ nhích nhẹ không đáng kể so với cùng kỳ, đạt 392 tỷ đồng.
Một công ty lớn trong ngành là Thủy sản Nam Việt (Navico) cũng ghi nhận khó khăn tương tự. Mặc dù lợi nhuận gộp bán niên tăng 32% lên 280 tỷ đồng, chi phí lớn khiến lợi nhuận sau thuế chỉ còn tăng 16% lên 88 tỷ đồng. Thậm chí, lợi nhuận riêng quý II còn giảm hơn 26%.
Navico cho biết lợi nhuận giảm chủ yếu do các chi phí tăng mạnh, chủ yếu là các chi phí cước tàu và vận chuyển gia tăng. Số liệu trên báo cao cho thấy chi phí vận chuyển và kiểm hàng đã lên gần 93 tỷ đồng trong nửa đầu năm, gấp 2,2 lần cùng kỳ năm ngoái.
Một công ty lớn trong ngành là CTCP Thủy sản MeKong (HOSE: AAM) cũng ghi nhận khó khăn tương tự.
Trong quý 2/2021, doanh thu thuần ghi nhận tăng 22% so với cùng kỳ năm trước, đạt hơn 29 tỷ đồng. Tuy nhiên, chi phí bán hàng tăng mạnh lên hơn 2,7 tỷ đồng, gấp đôi cùng kỳ. Kết quả, AAM báo lỗ hơn 3 tỷ đồng, đây cũng là quý thứ 5 lỗ liên tiếp của đơn vị thủy sản. Lũy kế nửa đầu năm 2021, AAM ghi nhận doanh thu thuần giảm 9%, xuống còn 59 tỷ đồng và lỗ ròng hơn 4 tỷ đồng. Tính đến ngày 30/06/2021, lỗ lũy kế của AAM cán mốc hơn 6.2 tỷ đồng.
Giải trình cho việc này, AAM cho biết nguyên nhân do chi phí bán hàng tăng (chủ yếu là cước tàu) và giá bán thấp.
CTCP Thủy sản và Thương mại Thuận Phước (UPCoM: THP) cũng ghi nhận chi phí vận chuyển đường biển đột biến hơn 45 tỷ đồng, gấp 2,9 lần cùng kỳ năm ngoái. Điều này khiến lợi nhuận sau thuế bán niên của công ty giảm gần 20%, chỉ còn đạt 20 tỷ đồng.
Nguồn: https://congluan.vn/loi-nhuan-doanh-nghiep-bi-bao-mon-do-chi-phi-tang-cao-post147059.html