22/01/2025 | 11:32 GMT+7, Hà Nội

Liên Kết Việt và sự im lặng của án phạt 570 triệu đồng

Cập nhật lúc: 14/03/2016, 08:09

Với Liên Kết Việt, người dân rõ ràng ở trong tình cảnh không được bảo vệ và đó là điều mà các cơ quan quản lý cần phải xem lại mình.

Sáng 8/3, Thứ trưởng Bộ Công Thương, ông Trần Quốc Khánh, dẫn theo Cục trưởng Cục Quản lý cạnh tranh Bạch Văn Mừng và một Phó chánh văn phòng Bộ, đến dự một cuộc giao ban báo chí để giải trình về một số nội dung liên quan đến vụ Liên Kết Việt.

Ở đó, vị thứ trưởng từng hào sảng mấy tháng trước khi báo cáo về thành công của Hiệp định TPP, đối mặt với một cuộc điều trần thật sự của báo giới về những thiệt hại của người dân trong vụ Liên Kết Việt.

Vẫn hùng biện và lịch lãm như những gì ông từng thể hiện trong vai trò một “thủ lĩnh hội nhập”, song Liên Kết Việt đã là một câu chuyện với màu sắc hoàn toàn khác.

Tròn vai pháp lý...

Cục Quản lý cạnh tranh là một cơ quan được lập ra để thực hiện một loạt chức năng quản lý nhà nước trong bối cảnh mới, trong đó có lĩnh vực bán hàng đa cấp.

Tài liệu chính thức của Bộ Công thương, được công bố tại cuộc giao ban, cho hay ngày 15/7/2015, Cục Quản lý cạnh tranh đã “phối hợp với Sở Công thương Hà Nội kiểm tra hoạt động bán hàng đa cấp của Công ty Liên Kết Việt”.

Qua kiểm tra, đã phát hiện một số dấu hiệu ban đầu cho thấy Công ty này vi phạm quy định của Nghị định 42/2014/NĐ-CP. Vì vậy, ngày 6/8/2015, Cục trưởng Cục Quản lý cạnh tranh đã ban hành quyết định điều tra sơ bộ và đến ngày 02/10/2015, vụ việc được chuyển sang điều tra chính thức.

Hơn một tháng sau, ngày 20/11/2015, Cục trưởng Cục Quản lý Cạnh tranh đã ban hành Quyết định số 265/QĐ-QLCT xử phạt Công ty Liên Kết Việt với số tiền 570 triệu đồng đối với các hành vi vi phạm quy định của Luật cạnh tranh và Nghị định 42/2014/NĐ-CP. Có tới 5 nhóm vấn đề vi phạm được đề cập, và với các vi phạm này, Liên Kết Việt đã bị phạt tới 570 triệu đồng.

Như vậy, “Cục Quản lý cạnh tranh – Bộ Công Thương đã chủ động thực hiện việc kiểm tra hoạt động của Công ty Liên Kết Việt và đã xử lý nghiêm các hành vi vi phạm của Công ty này”, văn bản của Bộ Công thương nhấn mạnh.

Tuy nhiên, việc tự nhận đã “làm tròn trách nhiệm” của Bộ Công thương đã không nhận được sự đồng thuận của công luận. Vì sao một sự việc nghiêm trọng, tới mức có thể ra quyết định xử phạt tới 570 triệu đồng, lại không thể được công bố cho dân chúng biết?

Góc nhìn VNF: Liên Kết Việt và sự im lặng của án phạt 570 triệu đồng

Bộ Công thương lý giải: “theo quy định tại điều 71, điều 72 Nghị định 116/2005/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành Luật Cạnh tranh và điều 72 Luật Xử lý vi phạm hành chính, việc công bố công khai hay thông báo trên phương tiện thông tin đại chúng các quyết định xử lý được thực hiện trong một số trường hợp nhất định.

Đối chiếu với các quy định này thì quyết định xử phạt Công ty Liên Kết Việt không thuộc các trường hợp phải công bố công khai”.

Trước ngùn ngụt chất vấn của báo giới, Thứ trưởng Trần Quốc Khánh nói thêm: “Công chức chỉ được làm những gì pháp luật cho phép”, và việc công bố khi luật không quy định là không phù hợp. Nhưng nếu một cơ quan quản lý nhà nước đã phát hiện ra sai phạm mà lặng lẽ xử phạt mà không cần thông báo cho nhân dân và báo chí biết thì vấn đề đạo đức chức nghiệp ở đây là gì?

Có phải là vô cảm?

Vụ Liên Kết Việt đang được cơ quan công an tiếp tục điều tra làm rõ. Tuy nhiên, câu hỏi đặt ra là, nếu cơ quan công an không vào cuộc, án phạt 570 triệu đồng được cất vào tủ và “đại tá Lê Xuân Giang” tiếp tục cuộc chơi đa cấp, hệ quả tiếp theo sẽ là gì?

Câu trả lời là rất rõ ràng. Nếu như từ thời điểm tháng 7/2015, khi Cục Quản lý Cạnh tranh tiến hành kiểm tra và từ tháng 8/2015 tiến hành điều tra, các thông tin được công bố thì vụ việc có thể đã không nghiêm trọng như ở thời điểm cơ quan công an khởi tố vụ án. Ngược lại, nếu việc khởi tố chậm lại ít tháng, con số người tham gia hệ thống này đã không chỉ là 60 ngàn.

Bằng việc đặt người dân trước các cảnh báo chính thức từ cơ quan nhà nước, ngay cả khi chưa có kết luận chính thức, câu chuyện Liên Kết Việt lẽ ra đã đi theo hướng khác.

Chính Cục Quản lý cạnh tranh thừa nhận, quá trình kiểm tra, điều tra đã phát hiện Liên Kết Việt “đưa thông tin gian dối và gây nhầm lẫn cho khách hàng về chất lượng, công dụng của sản phẩm, người sản xuất, người gia công, hướng dẫn sử dụng và các thông tin gây nhầm lẫn khác”. Chỉ bấy nhiêu thông tin thôi được công bố, hàng vạn con người đã có thể dừng tay.

Đó chính là khoảng trống pháp lý và đạo đức. Trong khi nhiều ý kiến chỉ trích người dân tham lam để rồi sập bẫy, điều rất rõ là cơ quan quản lý nhà nước, ở đây là Cục Quản lý cạnh tranh và Bộ Công thương, đã “vận dụng” các quy định pháp lý để không đưa ra các cảnh báo cần thiết. Sự vô cảm của cơ quan quản lý nhà nước đã góp phần giúp cho bộ quân phục của “đại tá Lê Xuân Giang” thêm màu thuyết phục.

Tiếc thay, cho đến nay, vấn đề minh bạch thông tin liên quan đến các hoạt động thanh kiểm tra vẫn rất hạn chế, không chỉ riêng ngành công thương.

Thanh tra ngành thuế mỗi năm công bố tiến hành hàng ngàn cuộc thanh kiểm tra thuế, trong đó có những vụ như thanh tra Công ty Metro Cash&Carry năm 2015, hay vụ thanh tra Keangnam trước đó. Nhưng phần lớn các kết quả thanh kiểm tra này vẫn chỉ là chuyện “nội bộ” giữa ngành thuế và doanh nghiệp.

Với Liên Kết Việt, người dân rõ ràng ở trong tình cảnh không được bảo vệ và đó là điều mà các cơ quan quản lý cần phải xem lại mình. Như chính thứ trưởng Trần Quốc Khánh đã thừa nhận, vì văn bản hướng dẫn thi hành Luật Cạnh tranh là do chính Bộ Công thương ban hành, bộ sẽ phải chịu trách nhiệm về điều đó. Trước mắt ông Khánh và đồng sự, vẫn đang có những Liên Kết Việt phiên bản khác!

Thứ trưởng Trần Quốc Khánh thừa nhận ông cảm thấy rất “đau xót” trước vụ việc này. Bất giác nhớ ca từ trong một bài nhạc sến: “Tình ơi cuộc đời có bao lâu, vài lần đắng cay thôi, coi như mình đã già”. Với người dân thì, một lần đắng cay thôi, coi như cũng đã là tay trắng!