Lật tẩy mánh khóe trục lợi gói vay ưu đãi 30.000 tỷ đồng
Cập nhật lúc: 15/07/2015, 05:28
Cập nhật lúc: 15/07/2015, 05:28
Gần đây, trên một số trang mạng bất động sản (BĐS) xuất hiện nhiều tin quảng bá bán căn hộ cao cấp Park View Residence (Khu đô thị Dương Nội, Hà Đông, Hà Nội) được hỗ trợ vay gói 30.000 tỷ đồng. Trước lời quảng bá hấp dẫn, phóng viên (PV) Tiền Phong hẹn gặp đơn vị phân phối để mục sở thị dự án.
Sáng 7/7, nhóm PV có mặt tại dự án dưới sự chỉ dẫn của N.N - nhân viên Sàn giao dịch BĐS Cengroup (đơn vị phân phối độc quyền dự án). Nhân viên này cho xem bảng thiết kế và mặt bằng 3 tòa H, J, K với đa dạng diện tích từ 55 đến hơn 100m2. Tại công trường, 3 tòa nhà xây đến tầng 11. Theo lời nhân viên bán hàng, dự án có tốc độ thi công nhanh, 1 tháng xây thô 3 sàn và đến tháng 7/2016, chủ đầu tư sẽ bàn giao nhà cho khách hàng. Nhìn bảng giá căn hộ tòa J, tổng trị giá căn hộ thấp nhất 1,08 tỷ đồng và cao nhất lên đến hơn 1,8 tỷ đồng (trong khi điều kiện vay gói 30.000 tỷ đồng là tổng trị giá căn hộ dưới 1,05 tỷ đồng).
Thấy khách tỏ vẻ lo lắng nhìn bảng giá căn hộ, nhân viên môi giới trấn an: “Anh chị yên tâm, khi ký hợp đồng mua bán, chủ đầu tư tách riêng phần nội thất nên hợp đồng đủ điều kiện vay gói 30.000 tỷ đồng để khớp với ngân hàng. Tuy nhiên, hợp đồng nội thất phải thanh toán cùng đợt đóng thứ nhất nên tổng số tiền đóng lần đầu cao. Nếu như anh chị chứng minh được thu nhập với ngân hàng, số tiền giải ngân có thể lên đến 80% tổng trị giá căn hộ”.
Để minh chứng cho lời nói của mình, N.N đưa cho chúng tôi xem giấy thông báo cấp tín dụng của một khách hàng tại một chi nhánh ngân hàng. “Đây là khách hàng mua căn hộ có giá 1,2 tỷ đồng. Chủ đầu tư tách phần nội thất 200 triệu đồng để khách hàng ký dưới trị giá căn hộ để đủ điều kiện vay ưu đãi. Nếu anh, chị có nhu cầu mua theo gói hỗ trợ này nên đặt trước giữ chỗ để được ngân hàng tư vấn ngay”, nhân viên N.N nói.
Còn chủ đầu dự án CT12 Văn Phú (Hà Đông, Hà Nội) cũng “dụ” khách hàng bằng lãi suất ưu đãi từ gói vay 30.000 tỷ đồng để đẩy nhanh hàng “tồn”. Chị Nguyễn Thu (Thanh Xuân, Hà Nội) ký hợp đồng mua bán với Cty Xây dựng Hạ Đình cuối tháng 3 vừa qua. Dù tổng trị giá căn hộ 1,188 tỷ đồng, nhưng chủ đầu tư ghi trên hợp đồng còn 589,99 triệu đồng. “600 triệu đồng còn lại tôi nộp qua Sàn giao dịch BĐS VIC Land và không có phiếu thu. Sàn giao dịch cho biết, số tiền đó được nộp về cho chủ đầu tư. Vì gia đình tôi không có tiền thanh toán toàn bộ nên khi nghe nói dự án cao cấp được vay ưu đãi, có thu ngoài vẫn quyết mua. Tôi được giải ngân hơn 400 triệu đồng”, chị Thu nói.
Theo khảo sát của chúng tôi, không ít dự án lâu nay “ế” vì xa trung tâm, bỗng nhiên nhiều sàn giao dịch thông báo mở bán kèm gói 30.000 tỷ đồng, như: Thăng Long Central (Nam An Khánh, Hoài Đức, Hà Nội), Westa (Mỗ Lao, Hà Đông), The Pride HP Landmark (Hà Đông, Hà Nội), chung cư BMM Xa La (Hà Đông, Hà Nội)...
Dự án CT12 Văn Phú (Hà Đông) được chủ đầu tư ký hợp đồng mua bán dưới giá trị thực để khách hàng đủ điều kiện vay gói 30.000 tỷ đồng. Vì tin tưởng sàn giao dịch bất động sản (BĐS) VIC Land (đơn vị phân phối dự án) nên nhiều khách hàng phải trả tiền ngoài hàng trăm triệu đồng. Tuy nhiên, đến thời điểm bàn giao nhà tháng 6/2015, chủ đầu tư tìm mọi lý do khiến khách hàng có nhà nhưng không vào ở được.
Tại thông báo gửi khách hàng ngày 11/7/2015 do bà Thanh Huyền, Phó Tổng Giám đốc Cty CP Xây dựng Hạ Đình ký ghi rõ: “Công ty đã hoàn thành thủ tục pháp lý và nộp cho Cty điện lực Hà Đông để nghiệm thu, đấu nối. Tuy nhiên, Cty điện lực Hà Đông chưa có câu trả lời. Vì vậy, khách hàng phải lắp công tơ điện qua công ty”.
Trong khi đó, theo phản ánh, với hơn 20 khách hàng mua nhà tại dự án CT12 Văn Phú, chủ đầu tư tự đưa ra mức phí lắp công tơ 750.000 đồng (ban đầu mức phí đưa ra là 1 triệu đồng, sau đó giảm xuống). “Chúng tôi liên hệ Cty điện lực Hà Đông và họ khẳng định việc ký hợp đồng và lắp công tơ điện là hoàn toàn miễn phí. Chủ đầu tư còn dọa cắt điện nếu không lắp công tơ”, chị Ánh Nguyệt, khách hàng mua nhà dự án nói.
Việc bắt các hộ dân đóng thêm khoản công tơ điện từng được chủ đầu tư này áp dụng tại dự án Hạ Đình Tower (Thanh Xuân, Hà Nội). Năm 2014, 50 khách hàng mua nhà tại dự án “ngã ngửa” khi chủ đầu tư bắt đóng hàng loạt loại phí mới cho nhận nhà. Ông Bùi Văn Phú lúc này là Phó Giám đốc Cty CP đầu tư 135 - chủ đầu tư dự án Hạ Đình Tower (nay là Chủ tịch HĐQT Cty CP Xây dựng Hạ Đình).
Anh Thanh Tùng, khách hàng mua nhà dự án Hạ Đình Tower cho biết: “Để được cấp điện, chủ đầu tư yêu cầu mỗi hộ nộp 5 triệu đồng phí treo đồng hồ, hơn 1,2 triệu đồng mua công tơ và át-tô-mát. Các loại phí đưa ra phải được bàn bạc, đồng thuận giữa khách hàng và chủ đầu tư, nhưng Cty 135 đã tự ý áp đặt. Khi khách hàng phản ứng, chủ đầu tư tìm cách gây khó dễ, như cắt điện, nước, dừng vận hành thang máy...”.
Ngoài ra, theo anh Tùng, để được sửa nhà, khách hàng phải đặt cọc cho chủ đầu tư 20 triệu đồng, để nếu có làm hư hỏng phần sở hữu chung, chủ đầu tư sẽ trừ vào khoản tiền này. Chưa kể nhiều phí khác, như phí dọn vệ sinh tường phá dỡ 1 triệu đồng/m2; phí thi công 10.000 đồng/m2/tháng; tiền điện nước trung bình 840.000 đồng/tháng...
Trao đổi trên tờ Tiền Phong, ông Phạm Gia Yên, Chánh Thanh tra Bộ Xây dựng cho rằng, giao dịch mua bán của chủ đầu tư nhằm trục lợi gói 30.000 tỷ đồng vi phạm quy định của gói hỗ trợ này. “Ở đây, chủ đầu tư phải chịu trách nhiệm. Chúng tôi sẽ thanh tra dựa trên căn cứ hồ sơ. Nếu vi phạm hình sự, công an sẽ vào cuộc. Đoàn thanh tra có trách nhiệm vào cuộc và tìm hiểu chiêu “lách” của chủ đầu tư”, ông Yên nói.
Trong khi đó, chủ đầu tư dự án bán xong tìm đủ mọi cách thoái thác trách nhiệm. Điển hình như ông Nguyễn Văn Phú, Chủ tịch HĐQT Cty Xây dựng Hạ Đình nói: “Chủ đầu tư bán hết cho sàn bằng hình thức chuyển đổi hợp đồng nên sàn giao dịch phải chịu trách nhiệm”. Đại diện Sàn giao dịch BĐS VIC Land phân bua: “Chủ đầu tư ký, họ phải chịu trách nhiệm, chứ sàn chỉ là đơn vị phân phối”.
Ông Nguyễn Thọ Tuyển, Tổng Giám đốc hệ thống Siêu thị dự án BĐS (chủ đầu tư dự án Park View Residence) nói: “70% căn hộ tại dự án đủ điều kiện vay gói 30.000 tỷ đồng. Có ít căn hộ còn lại diện tích to vượt quá điều kiện vay gói tín dụng này. Chúng tôi không có chủ trương bán nhà dựa hơi gói tín dụng và khách hàng có nhu cầu vay”.
Giám đốc một sàn giao dịch BĐS ở miền Bắc phân tích, hiện nhiều dự án BĐS xa trung tâm đô thị, giá cao không bán được hàng nên chủ đầu tư tìm đủ mọi cách thu hút khách hàng bằng gói 30.000 tỷ đồng. Bản thân ngân hàng thích cho vay khách hàng mua nhà thương mại bởi khả năng trả nợ cao hơn nhà ở xã hội.
Báo cáo của những Ngân hàng thương mại tham gia gói tín dụng hỗ trợ nhà ở cho thấy, so với thời điểm 31/8/2014, số vốn vay đã cam kết cho khách hàng tại thời điểm 31/5/2015 tăng 200,4% (tương đương 14.161 tỷ đồng so với 7.232 tỷ đồng), số cá nhân, hộ gia đình được cho vay vốn hỗ trợ tăng 249,7% (tương đương 18.062 cá nhân so với 7.232 cá nhân).
Bên cạnh các kết quả cụ thể đã đạt được, tình hình thực hiện cho vay gói tín dụng 30 nghìn tỷ đồng trong thời gian qua cho thấy, trong thực tế vẫn còn gặp một số vướng mắc, khó khăn. Kết quả giải ngân vẫn chưa đạt được kỳ vọng của những đối tượng vay vốn.
Ông Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia kinh tế đánh giá: “Hiện, một số ngân hàng xin tham gia cho vay gói 30.000 tỷ đồng chủ yếu nhằm làm tăng hình ảnh thương hiệu chứ không phải hướng tới việc làm sao để giải ngân hiệu quả cho người dân. Việc này dẫn đến tình trạng một số ngân hàng chỉ tiếp nhận hồ sơ chiếu lệ và chủ yếu muốn hướng khách hàng sang vay gói thương mại”./.