18/04/2024 | 22:09 GMT+7, Hà Nội

Lập 6 Tổ công tác kiểm tra, đôn đốc giải ngân vốn đầu tư công

Cập nhật lúc: 23/11/2021, 13:42

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa ký Quyết định số 1962/QĐ-TTg ngày 22/11/2021 thành lập 6 Tổ công tác nhằm kiểm tra, đôn đốc, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công năm 2021.

Thành phần tham gia các Tổ công tác của lãnh đạo Chính phủ gồm lãnh đạo các Bộ, cơ quan: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Tư pháp, Xây dựng, Giao thông vận tải, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công Thương, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Thanh tra Chính phủ và một số cơ quan liên quan. Thành phần cụ thể từng Tổ công tác do Tổ trưởng quyết định. Cụ thể:

Tổ công tác số 1 do Phó Thủ tướng Trường trực Chính phủ Phạm Bình Minh làm Tổ trưởng, kiểm tra các Bộ, cơ quan: Nội vụ, Ngoại giao, Quốc phòng, Tư pháp, Công an, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Tòa án nhân dân Tối cao, Văn phòng Chính phủ, Ủy ban Dân tộc; các địa phương: Cao Bằng, Điện Biên, Hà Giang, Sơn La, Phú Thọ.

Tổ công tác số 2 do Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái làm Tổ trưởng, kiểm tra các Bộ, cơ quan: Kế hoạch và Đầu tư, Đài Truyền hình Việt Nam, Thanh tra Chính phủ, Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao, Văn phòng Trung ương Đảng, Kiểm toán Nhà nước, Đài Tiếng nói Việt Nam, Thông tấn xã Việt Nam; các địa phương: Cần Thơ, Kiên Giang, Hậu Giang, Sóc Trăng, Trà Vinh, Long An.

Tổ công tác số 3 do Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành làm Tổ trưởng, kiểm tra các Bộ, cơ quan: Công Thương, Xây dựng, Tài nguyên và Môi trường, Ủy ban toàn quốc Liên hiệp các Hội văn học nghệ thuật Việt Nam, Liên hiệp các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam, Hội Nông dân Việt Nam, Liên minh Hợp tác xã Việt Nam, Tập đoàn Điện lực Việt Nam; các địa phương: Thành phố Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bình Dương, Khánh Hòa.

Thành phần tham gia các Tổ công tác của lãnh đạo Chính phủ gồm lãnh đạo các Bộ, cơ quan có liên quan
Thành phần tham gia các Tổ công tác của lãnh đạo Chính phủ gồm lãnh đạo các Bộ, cơ quan có liên quan (Ảnh: Internet)

Tổ công tác số 4 do Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam làm Tổ trưởng, kiểm tra các Bộ, cơ quan: Thông tin và Truyền thông, Khoa học và Công nghệ, Y tế, Lao động-Thương binh và Xã hội, Giáo dục và Đào tạo, Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Đại học quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam, Ban quản lý Khu công nghệ cao Hòa Lạc, Đại học quốc gia Hà Nội, Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam, Trung ương Hội liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, Viên Hàn Lâm Khoa học xã hội Việt Nam, Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Ban quản lý Làng văn hóa các dân tộc Việt Nam, Hội Nhà báo Việt Nam; các địa phương: Hà Nội, Hưng Yên, Vĩnh Phúc.

Tổ công tác số 5 do Bộ trưởng Bộ Tài chính làm Tổ trưởng, kiểm tra các địa phương: Quảng Trị, Quảng Bình, An Giang, Bạc Liêu, Đồng Tháp, Cà Mau.

Tổ công tác số 6 do Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư làm Tổ trưởng, kiểm tra các địa phương: Kon Tum, Gia Lai, Đắk Lắk, Bình Định, Đà Nẵng, Quảng Nam.

Đối tượng và phạm vi, thời gian kiểm tra, đôn đốc: Các bộ, cơ quan Trung ương và địa phương có tỷ lệ giải ngân đến ngày 31/10/2021 dưới 60% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao; các dự án đang triển khai thực hiện trong năm 2021 và một số dự án dự kiến bố trí kế hoạch đầu tư vốn ngân sách năm năm 2022. Thời gian kiểm tra: Từ ngày 22/11/2021 đến hết ngày 10/12/2021. Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư hướng dẫn các bộ, cơ quan Trung ương và địa phương thuộc đối tượng kiểm tra báo cáo bằng văn bản trước khi Tổ công tác làm việc.

Nhiệm vụ, quyền hạn của Tổ công tác là tổ chức rà soát, tổng hợp khó khăn, vướng mắc; phân tích nguyên nhân của những khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện dự án đầu tư công; giải thích, hướng dẫn thực hiện thống nhất quy định của pháp luật về đầu tư công và các quy định có liên quan; đánh giá việc chấp hành quy định về lập, phân bổ, giao kế hoạch đầu tư công vốn ngân sách Nhà nước năm 2021 của các bộ, cơ quan Trung ương và địa phương.

Đánh giá việc triển khai các giải pháp thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; Xem xét trách nhiệm trong lãnh đạo, chỉ đạo, đôn đốc, kiểm tra, rà soát, xử lý các khó khăn, vướng mắc, điểm nghẽn trong giải ngân đầu tư công; báo cáo tổng hợp tình hình, kết quả kiểm tra và đề xuất, kiến nghị cụ thể (nếu có), gửi Thủ tướng Chính phủ trong vòng 5 ngày làm việc kể từ ngày kết thúc kiểm tra đối với bộ, cơ quan Trung ương và địa phương...

Việc giải ngân chậm được lý giải do nhiều nguyên nhân, trong đó có nguyên nhân khách quan do dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp phải thực hiện giãn cách xã hội tại một số địa phương, tuy nhiên nguyên nhân chủ quan vẫn là chủ yếu, nhất là các tồn tại, hạn chế trong công tác quản lý, điều hành, tổ chức thực hiện.

Một số bộ, cơ quan, địa phương, nhất là những nơi không thực hiện giãn cách xã hội thiếu quyết tâm chính trị, vai trò người đứng đầu chưa được phát huy đầy đủ, công tác lập kế hoạch vốn chưa với sát thực tế và khả năng giải ngân; công tác thiết kế thi công, đấu thầu lựa chọn nhà thầu chậm, giải phóng mặt bằng chưa được giải quyết dứt điểm; quy trình, thủ tục thanh quyết toán vốn đầu tư công còn bất cập;...

Trước đó, nhằm góp phần quan trọng vào việc phục hồi và phát triển nền kinh tế trong bối cảnh đại dịch Covid-19; Thủ tướng yêu cầu xử lý nghiêm các chủ đầu tư (CĐT) cố ý làm chậm tiến độ giải ngân đầu tư công. 

Theo đó, Thủ tướng yêu cầu các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan trung ương, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương nêu cao tinh thần trách nhiệm, phát huy vai trò của người đứng đầu trong lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện; thường xuyên rà soát, đôn đốc, kịp thời phát hiện và tháo gỡ các khó khăn vướng mắc phát sinh của từng dự án, nhất là các dự án trọng điểm; cá thể hóa trách nhiệm đến từng cá nhân; coi kết quả giải ngân là một trong những căn cứ quan trọng để đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ hàng năm của tổ chức, cá nhân liên quan.

Tạo thuận lợi cho lưu thông, vận chuyển hàng hóa, nguyên vật liệu, không để xảy ra ách tắc nhưng vẫn phải bảo đảm an toàn phòng, chống dịch bệnh; các địa phương đang phải thực hiện giãn cách xã hội thì cần tập trung hoàn thiện thủ tục đầu tư dự án, bảo đảm triển khai ngay sau khi nới lỏng giãn cách xã hội.

Thủ tướng yêu cầu xử lý nghiêm CĐT cố ý làm chậm tiến độ giải ngân đầu tư công
Thủ tướng yêu cầu xử lý nghiêm CĐT cố ý làm chậm tiến độ giải ngân đầu tư công (Ảnh: Internet)

Đề cao kỷ luật, kỷ cương, tăng cường kiểm tra, giám sát; xử lý nghiêm các chủ đầu tư, ban quản lý dự án, nhà thầu cố tình gây khó khăn, cản trở làm chậm tiến độ giao vốn, giải ngân vốn; kiểm điểm, xử lý kịp thời các cán bộ yếu kém, tiêu cực, không hoàn thành nhiệm vụ được giao. Tiến hành rà soát kỹ ngay từ khâu chuẩn bị dự án, lựa chọn dự án giao vốn đến công tác thiết kế, đấu thầu, thi công, thủ tục thanh, quyết toán… đối với từng dự án. Tập trung đẩy mạnh tiến độ giải phóng mặt bằng, tháo gỡ vướng mắc phát sinh, lập hồ sơ thanh toán ngay khi có khối lượng.

Đối với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, yêu cầu rà soát, cắt giảm tối đa các thủ tục hành chính, tăng cường làm việc trực tuyến để tiết kiệm thời gian, chi phí và không gây phiền hà cho các Bộ, cơ quan, địa phương; tổng hợp báo cáo Thủ tướng Chính phủ, Chính phủ để báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội cắt giảm, điều chuyển kế hoạch vốn năm 2021 từ các Bộ, cơ quan, địa phương giải ngân chậm sang các Bộ, cơ quan, địa phương giải ngân tốt và có nhu cầu bổ sung vốn theo quy định.

Bộ Tài chính tiếp tục chỉ đạo các đơn vị chức năng bảo đảm nguồn thanh toán cho các dự án; đơn giản hoá thủ tục, rút ngắn thời gian kiểm soát chi, thời gian kiểm soát thủ tục rút vốn từ nhà tài trợ, bảo đảm đúng quy định; phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan kịp thời xử lý các vướng mắc về thanh, quyết toán, đàm phán, ký kết hiệp định, rút vốn từ nhà tài trợ. Công khai tình hình thực hiện và tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công của các bộ, cơ quan, địa phương trên các phương tiện thông tin đại chúng.

Trước đó, các Bộ, cơ quan, địa phương có tỷ lệ giải ngân thấp như: Bộ Thông tin và Truyền thông (0,40%), Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh (0,56%), Ban Quản lý Làng văn hóa các dân tộc Việt Nam (0,95%), Đài Truyền hình Việt Nam (1,17%), Thông tấn xã Việt Nam (1,19%), Bộ Ngoại giao (2,57%), Viện Khoa học công nghệ Việt Nam (2,67%), Hội nông dân Việt Nam (2,7%), Bắc Kạn (8,37%), Quảng Bình (15,46%), Cao Bằng (15,84%), Đắk Lắk (15,86%)… Đặc biệt một số cơ quan chưa giải ngân (0%), như: Ủy ban Dân tộc, Liên minh hợp tác xã Việt Nam, Hội Nhà báo Việt Nam, Liên hiệp các hội văn học nghệ thuật Việt Nam, Liên hiệp các hiệp hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam, Ngân hàng Phát triển Việt Nam.

Tỷ lệ giải ngân thấp làm giảm hiệu quả sử dụng vốn đầu tư công, gây lãng phí nguồn lực, ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế, việc triển khai các chính sách tài khóa, tiền tệ, nhất là trong bối cảnh nền kinh tế nước ta đang chịu tác động của đại dịch Covid-19.

Nguồn: https://dothi.reatimes.vn/toancanh/lap-6-to-cong-tac-kiem-tradon-doc-giai-ngan-von-dau-tu-cong-20201231000004455.html