19/01/2025 | 10:28 GMT+7, Hà Nội

Lần đầu tiên tại Việt Nam ghép thành công xương đùi nhân tạo in 3D

Cập nhật lúc: 07/11/2019, 08:00

Lần đầu tiên công nghệ mới xương đùi nhân tạo in 3D được các bác sĩ Bệnh viện Đa Khoa Xanh Pôn, Hà Nội cấy ghép thành công cho hai bệnh nhân.

ThS. Phạm Trung Hiếu, trưởng đơn nguyên Phẫu thuật khớp háng và khung chậu, thuộc Khoa Chấn thương chỉnh hình và Y học thể thao, Bệnh viện đa khoa Xanh Pôn cho biết, 2 bệnh nhân ghép xương đùi đầu tiên ở Việt Nam được áp dụng bảo tồn chi bằng phương pháp này trong cùng một ngày.

Đó là trường hợp bệnh nhân Nguyễn Văn V (Bắc Ninh) và Khuất Hữu T (Hà Nội) được chẩn đoán là u xương sụn chuyển dạng vùng đầu trên xương đùi. Do được phát hiện muộn và không điều trị trong một thời gian dài trên 10 năm, nên kích thước của 2 khối u đều rất lớn và phát triển phì đại như một cây súp lơ, đã xâm lấn hết toàn bộ đầu trên xương đùi một đoạn dài gần 20cm, làm phá hủy mất chức năng hoàn toàn phần cấu trúc xương này. Điều này khiến 2 bệnh nhân rất khó khăn trong di chuyển và sinh hoạt hàng ngày.

Trong những năm gần đây, nhờ sự phát triển và ứng dụng của công nghệ in 3D trong tất cả các lĩnh vực khoa học, đời sống, cùng với những thành tựu của ngành công nghệ vật liệu thay thế y sinh học, đặc biệt là sự ra đời của công nghệ sử dụng vật liệu PEEK trong tạo hình xương nhân tạo đã mở ra một hướng đi mới để điều trị triệt để những bệnh nhân có bệnh lý u xương phức tạp như trên.

BS Hiếu cũng thông tin thêm, cả 2 bệnh nhân được tiến hành chụp cắt lớp vi tính vùng khớp háng và xương đùi 2 bên. Sau đó, dựa vào mẫu dựng hình 3D của xương đùi và khớp háng bên lành, các kỹ sư tạo ra mẫu thiết kế 3 chiều cho đoạn xương cần thay thế vào bên bị bệnh.

Đặc biệt, trong quá trình này, các bác sĩ lâm sàng và kỹ sư cùng làm việc với nhau để tạo ra bản thiết kế của đoạn xương nhân tạo chuyên biệt cho từng bệnh nhân, với các thiết kế phù hợp cho phẫu thuật thay thế. Khi đã có bản thiết kế, các kỹ sư sẽ sử dụng máy in 3D tạo ra khuôn đúc ngược bằng kim loại, quá trình này tốn nhiều thời gian nhất có thể kéo dài đến hàng tuần. Khi khuôn đúc hoàn thành, vật liệu PEEK ở dạng lỏng (đã được xử lý diệt khuẩn) sẽ được đổ vào khuôn và tạo mô hình xương thực tế để sử dụng trong phẫu thuật.

Hai ca mổ thay thế xương đùi bằng xương sinh học PEEK in 3D ở hai bệnh nhân đã thành công tốt đẹp. Hiện hai bệnh nhân đã hồi phục tốt, hai khối u xương khối lượng lần lượt 1,6 kg và 2 kg đã được lấy bỏ hoàn toàn, trả lại diện mạo bình thường cho người bệnh.

Công nghệ này có chi phí phù hợp với túi tiền của người bệnh Việt Nam cũng như có tính khả thi để thực hiện ở nhiều cơ sở y tế. Hi vọng trong thời gian tới, công nghệ này sẽ được ứng dụng rộng khắp mang lại niềm hạnh phúc cho các bệnh nhân tránh phải tàn tật suốt đời.