19/01/2025 | 06:14 GMT+7, Hà Nội

Lạm phát gia tăng sẽ trở thành \"quả bom hẹn giờ\" của nền kinh tế thế giới

Cập nhật lúc: 12/06/2021, 10:45

Trong một dự báo kinh tế không đồng thuận, Deutsche Bank - tập đoàn ngân hàng tư nhân lớn nhất nước Đức đang cảnh báo về một cuộc khủng hoảng tiềm ẩn do lạm phát gia tăng.

Theo cảnh báo từ các nhà kinh tế của Deutsche Bank, lạm phát có thể là một vấn đề mới, nhiều khả năng sẽ kéo dài dai dẳng và dẫn đến khủng hoảng trong những năm tới.

Trong một dự báo nằm ngoài sự đồng thuận từ các nhà hoạch định chính sách và Phố Wall, Deutsche Bank đã đưa ra một cảnh báo nghiêm khắc rằng việc tập trung vào kích cầu trong khi gạt bỏ những lo ngại lạm phát sẽ là một sai lầm đối với nền kinh tế thế giới trong tương lai.

Phân tích đặc biệt chỉ ra các dấu hiệu của Cục Dự trữ Liên bang Fed và khuôn khổ mới của Cục, trong đó chính sách tiền tệ của Fed sẽ khiến lạm phát cao hơn vì mục tiêu phục hồi toàn diện nước Mỹ. Ngân hàng cho rằng ý định không thắt chặt chính sách của Fed cho đến khi lạm phát tạo ra mức tăng trưởng kinh tế liên tục sẽ có tác động nghiêm trọng đến nền kinh tế toàn cầu trong tương lai.

Nhà kinh tế trưởng của Deutsche, David Folkerts-Landau và những người khác viết rằng: “Hậu quả của việc này sẽ là sự gián đoạn hoạt động kinh tế và tài chính nhiều hơn. Điều này có thể tạo ra một cuộc suy thoái đáng kể và gây ra một chuỗi khó khăn tài chính trên toàn thế giới, đặc biệt là ở các thị trường mới nổi”.

Deutsche Bank là một trong những biểu tượng của nền tài chính Đức. Ảnh: Getty Images.
Deutsche Bank là một trong những biểu tượng của nền tài chính Đức. Ảnh: Getty Images.

Là một phần của cách tiếp cận mới đối với lạm phát, Fed sẽ không tăng lãi suất hoặc cắt giảm chương trình mua tài sản của mình cho đến khi thấy “tiến bộ đáng kể hơn nữa” đối với các mục tiêu bao trùm của mình.

Hiện nay, các chỉ số như giá tiêu dùng và chỉ số giá chi tiêu cá nhân đều cao hơn mục tiêu lạm phát 2% của Fed. Mặc dù vậy, các nhà hoạch định chính sách cho biết sự gia tăng lạm phát hiện tại chỉ là tạm thời và sẽ giảm bớt một khi sự gián đoạn nguồn cung và các tác động cơ bản từ những tháng đầu của cuộc khủng hoảng đại dịch coronavirus giảm bớt.

Nhóm Deutsche Bank không đồng ý với quan điểm trên và cho rằng các kích thích tích cực và những thay đổi kinh tế cơ bản sẽ dẫn đến lạm phát trong tương lai - điều mà Fed sẽ không chuẩn bị sẵn sàng để giải quyết.

Theo các chuyên gia: “Có thể mất một năm nữa cho đến năm 2023 để lạm phát sẽ bùng phát trở lại. Và trong khi các ưu tiên của Fed đang chuyển sang các mục tiêu xã hội, việc bỏ qua lạm phát khiến các nền kinh tế toàn cầu đang ngồi trên một quả bom hẹn giờ. Các tác động có thể tàn phá nhiều mặt, đặc biệt là đối với những người dễ bị tổn thương nhất trong xã hội”.

Tuy nhiên, nhiều nhà hoạch định chính sách khác lại không đồng tình với quan điểm trên của Deutsche Bank.

Hầu hết các nhà đầu tư ở Phố Wall đều đồng ý với quan điểm của Fed rằng áp lực lạm phát hiện tại chỉ là tạm thời.

Quốc hội đã thông qua hơn 5 nghìn tỷ USD kích thích liên quan đến đại dịch cho đến nay và Fed đã tăng gần gấp đôi tài sản trong bảng cân đối kế toán của mình, thông qua việc mua tài sản hàng tháng, với 8 nghìn tỷ USD. Các biện pháp kích thích tiếp tục được đưa ra ngay cả khi nền kinh tế dự kiến sẽ tăng trưởng với tốc độ cao trong quý II và bức tranh việc làm đã tăng thêm trung bình 478.000 việc làm mỗi tháng vào năm 2021.

Folkers-Landau của Deutsche Bank chia sẻ: “Chưa bao giờ chúng ta thấy chính sách tài khóa và tiền tệ có sự phối hợp rộng rãi như vậy. Điều này sẽ tiếp tục khi sản lượng vượt quá tiềm năng. Đây là lý do tại sao lần này khác với lạm phát”.

Nhóm Deutsche cho biết lạm phát sắp tới có thể giống với kinh nghiệm của những năm 1970, một thập kỷ mà lạm phát trung bình gần 7% và ở mức hai con số vào nhiều thời điểm. Giá thực phẩm và năng lượng tăng vọt cùng với việc chấm dứt kiểm soát giá đã đẩy lạm phát tăng vọt trong thời đại đó.

Chủ tịch Fed lúc đó là Paul Volcker đã dẫn đầu nỗ lực kiềm chế lạm phát, nhưng đã cần phải sử dụng các đợt giamr lãi suất gây ra suy thoái. Đội Deutsche lo lắng rằng một kịch bản như vậy có thể xảy ra một lần nữa.

“Đã có nhiều nguồn tăng giá đang thâm nhập vào nền kinh tế Mỹ. Ngay cả khi chúng chỉ là tạm thời nhưng chúng có thể đưa vào một viễn cảnh xấu giống như những năm 1970”.

Ngân hàng cho biết việc tăng lãi suất có thể gây ra sự tàn phá trong một thế giới nợ nần chồng chất, với các cuộc khủng hoảng tài chính có thể xảy ra đặc biệt ở các nền kinh tế mới nổi, nơi mà tăng trưởng kinh tế sẽ không thể vượt qua được chi phí tài chính cao hơn bởi lạm phát.

Nguồn: https://congluan.vn/lam-phat-gia-tang-se-tro-thanh-qua-bom-hen-gio-cua-nen-kinh-te-the-gioi-post138403.html