19/01/2025 | 02:21 GMT+7, Hà Nội

Làm gì để tránh hít phải không khí có thủy ngân?

Cập nhật lúc: 26/04/2016, 14:51

Để tránh ngộ độc do ô nhiễm môi trường hay nói cụ thể là tránh hít phải thủy ngân trong không khí, ngoài việc ăn uống để tăng sức đề kháng, người đi đường nên đeo khẩu trang đạt tiêu chuẩn cao, tốt nhất là khẩu trang y tế hoặc khẩu trang có hoạt tính.

 

Phát hiện thủy ngân trong không khí.

Làm gì để tránh hít phải không khí có thủy ngân? Ảnh minh họa.

Theo BS.Nguyễn Đức Thắng (Khoa Phục hồi chức năng, Bệnh viện Y học cổ truyền): Để tránh ngộ độc do ô nhiễm môi trường hay nói cụ thể là tránh hít phải thủy ngân trong không khí, ngoài việc ăn uống để tăng sức đề kháng, người đi đường nên đeo khẩu trang đầy đủ. Nhưng bác sỹ Thắng nhấn mạnh: Khẩu trang phải đạt tiêu chuẩn cao, tốt nhất là khẩu trang y tế hoặc khẩu trang có hoạt tính, chứ nếu chỉ đeo khẩu trang thông thường bán ngoài thị trường với mức giá rẻ từ 5.000 – 10.000 đồng thì không ngăn được thủy ngân mà chỉ ngăn được vi khuẩn trong khói bụi.

Theo Phó giáo sư, Tiến sĩ Trần Hồng Côn, con người không thể can thiệp nếu thủy ngân có trong không khí, song có thể ngăn chặn tình trạng này nếu phát hiện ra nguồn sinh ra nó.

Ông Côn khuyến cáo, thủy ngân cần được tiếp xúc một cách cực kỳ cẩn thận. Các đồ chứa thủy ngân phải đậy nắp chặt chẽ để tránh rò rỉ và bay hơi.

Việc đốt nóng thủy ngân hay các hợp chất của nó phải tiến hành trong điều kiện thông gió tốt và người thực hiện phải đội mũ có bộ lọc khí.

Ngoài ra, người dân nên cẩn trọng với các vật dụng trong gia đình chứa thủy ngân như nhiệt kế. Khi bị ngộ độc thủy ngân, tốt nhất nên đưa bệnh nhân đến nơi thông thoáng và khẩn cấp đưa tới bệnh viện để được xử lý kịp thời./.

Theo Phó giáo sư, Tiến sĩ Trần Hồng Côn, thủy ngân nguyên tố lỏng ít độc, nếu ở dạng hơi hay hợp chất, muối thì rất độc và là nguyên nhân gây ra các tổn thương não, gan khi con người tiếp xúc, hít thở, ăn phải. Không khí ở nhiệt độ phòng có thể bão hòa hơi thủy ngân cao hơn nhiều lần so với mức cho phép. Nếu hít phải khí có chứa thủy ngân, thủy ngân sẽ hấp thu nhanh qua đường hô hấp, qua màng phế nang vào máu đến thận, gan lách và hệ thần kinh trung ương.

Phó giáo sư Côn cho rằng hít phải thủy ngân có thể gây bệnh phổi nặng cấp tính, khiến nạn nhân bị ho, khó thở, đau tức ngực và có cảm giác đau rát ở phổi. Ngoài ra, nó gây mất trí nhớ, viêm miệng, lơ mơ, co giật, nôn ói và viêm ruột. Trong một số trường hợp có thể gây ra ngộ độc cấp tính, suy hô hấp, thậm chí tử vong nếu tiếp xúc lượng thủy ngân nhiều.

Ngoài ra, thủy ngân là chất độc tích lũy sinh học rất dễ dàng hấp thụ qua da, các cơ quan hô hấp và tiêu hóa. Các hợp chất vô cơ ít độc hơn so với hợp chất hữu cơ của thủy ngân. Cho dù ít độc hơn so với các hợp chất của nó nhưng thủy ngân vẫn tạo ra sự ô nhiễm đáng kể đối với môi trường vì hình thành các hợp chất hữu cơ trong cơ thể sinh vật. Một trong những hợp chất độc nhất của nó là dimetyl thủy ngân, độc đến mức chỉ vài micrôlít rơi vào da có thể gây tử vong. 

Chứng bệnh minamata là một dạng ngộ độc thủy ngân. Thủy ngân tấn công hệ thần kinh trung ương và hệ nội tiết, ảnh hưởng tới miệng, các cơ quai hàm và răng. Sự phơi nhiễm kéo dài gây ra các tổn thương não và gây tử vong. Nó có thể gây ra các rủi ro hay khuyết tật đối với các thai nhi.