19/01/2025 | 18:27 GMT+7, Hà Nội

Làm đẹp bằng hỏa trị liệu: Kỳ diệu hay liều lĩnh?

Cập nhật lúc: 13/11/2018, 11:00

Theo Bộ Y tế, phương pháp hỏa trị liệu chưa cấp phép cho các spa và tiềm ẩn nguy cơ kém an toàn nếu các cơ sở spa làm trái phép phương pháp này.

Mới đây, trên mạng xã hội xôn xao hình ảnh một phụ nữ bị bỏng toàn mặt, mất hết lông mày, lông mi do làm đẹp bằng phương pháp có tên là Cồn nhân sâm (đốt cồn trên mặt).

Tài khoản facebook này cho biết đây là "tác phẩm của 1 spa tại Phan Rang" (Ninh Thuận). Vị khách này sau khi được chính chủ spa tư vấn làm phương pháp Cồn Nhân Sâm cho nở lỗ chân lông đẹp da. Theo đó, nhân viên spa đã rưới cồn lên mặt rồi bật lửa xông hơ khiến lửa cháy bùng lên (như nướng mực). 

Chỉ trong vài phút clip, nhân viên spa liên tục thực hiện hành động này. Khi thì châm lửa cồn trên khu vực lưng trên, rồi lưng dưới... Thỉnh thoảng, nhân viên này có xoa bóp phần cổ gáy cho vị khách này. Khi lửa châm không cháy, nhân viên spa tiếp tục rưới cồn lên khăn phủ trên người khách.

Trong phần đối thoại của người quay clip với nhân viên spa, bất ngờ nhân viên này còn nói, phương pháp này đã được Bộ Y tế cấp phép (??!!) và khẳng định đã có nghiên cứu khoa học chứng minh, hợp pháp vì làm như thế không hề ảnh hưởng tới các huyệt, làm nóng cơ thể như "giác hơi".

Làm đẹp bằng hỏa trị liệu: Kỳ diệu hay liều lĩnh?

Một phụ nữ bị bỏng mặt, được cho là làm đẹp bằng phương pháp cồn nhân sâm

Trao đổi về vấn đề này PGS.TS. Phạm Vũ Khánh - Cục trưởng Cục Quản lý Y Dược cổ truyền (Bộ Y tế) cho biết, hỏa trị liệu là một phương pháp trị liệu đã có từ lâu đời, quy chung lại đó là phương pháp trị bệnh không dùng thuốc mà dùng sức nóng của lửa, đa phần nó thích hợp với những xứ lạnh.

Hiện phương pháp hỏa trị liệu mới chỉ được áp dụng trong điều trị một số bệnh lý như: bệnh đau lưng, đau vai gáy, viêm mũi dị ứng, viêm đại tràng mạn tính, viêm khớp gối nguyên nhân do hàn.

Bộ Y tế giao cho Bệnh viện Châm cứu Trung ương tổ chức triển khai áp dụng 6 quy trình kỹ thuật hỏa trị liệu chuyên ngành y học cổ truyền tại Bệnh viện Châm cứu Trung ương và các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh y học cổ truyền khi các cơ sở này đáp ứng đủ điều kiện thực hiện quy trình kỹ thuật hỏa trị liệu theo quy định của pháp luật.

Trong quá trình thực hiện tiếp tục đánh giá an toàn, hiệu quả của quá trình hỏa trị liệu và báo cáo định kỳ 6 tháng/lần về Cục Quản lý Y Dược cổ truyền (Bộ Y tế).

Tuy nhiên, lợi dụng phương pháp này có trong Đông y nên nhiều cơ sở làm đẹp thổi phồng công dụng của phương pháp này để trục lợi mà không lường đến hậu quả của nó. Về lý thuyết, những người âm hư, người sốt xuất huyết tiêu chảy, người tăng huyết áp hoặc nói nôm na là người bị “nóng trong” thì không nên dùng.

Bên cạnh đó, việc không làm đúng thao tác, đúng quy trình sẽ dẫn đến bệnh nặng thêm. Đặc biệt, khi đốt xong thì các huyệt khai mở hết mà không kiêng lại đi tắm lạnh ngay hoặc nhập phòng… thì rất dễ gây tổn hại đến sức khỏe. Việc sử dụng cồn đốt cũng có thể gây bỏng tại chỗ.

Trước đây, từng có người gặp nạn bởi cách chữa bệnh này khiến chúng ta không thể xem thường. Như trường hợp chị Nguyễn Thị Minh P. (SN 1986) là nhân viên của một cơ sở thẩm mỹ trên đường Điện Biên Phủ, TP Hải Phòng đã bị bỏng nặng khi thực hiện hỏa liệu pháp cho khách hàng. Nguyên nhân được xác định là do thời gian để lửa cháy lâu, cộng thêm dập lửa sai cách nên khi vào viện cấp cứu thì vết bỏng đã chiếm hơn 40% diện tích cơ thể chị P.

Đây là một dẫn chứng thực tế cho thấy mọi người cần hết sức cẩn thận khi sử dụng cách chữa bệnh, làm đẹp này. Được sử dụng trong phương pháp "hỏa trị liệu", cồn có tính chất để gần lửa là bùng cháy. Nếu không có kiến thức dập lửa cồn, dập sai cách thì sẽ gây nguy hiểm cho cả người thực hiện lẫn khách hàng.

Các bác sĩ y học cổ truyền khuyến cáo, người dân lựa chọn phương pháp hỏa trị liệu để trị bệnh cần tham vấn ý kiến bác sĩ có chuyên môn về y học cổ truyền và cần đến các cơ sở y tế được cấp phép để thực hiện. Tránh tiền mất tật mang tại những cơ sở hoạt động trái phép.