22/11/2024 | 02:36 GMT+7, Hà Nội

Lãi suất ngân hàng tăng, hút nhiều tiền nhàn rỗi?

Cập nhật lúc: 13/07/2022, 06:15

Theo số liệu của Tổng cục thống kê, tính đến cuối tháng 6, và so với cuối năm 2021, tín dụng tăng 8,51% (so với mức 5,47% vào 2021), cung tiền M2 tăng 3,3% (so với 3,48% vào 2021) và huy động vốn tăng 3,97%.

Mức lãi suất tăng nhưng chưa hấp dẫn với các nhà đầu tư?

Theo dự đoán, thời gian tới, lãi suất tiết kiệm sẽ tăng lên, dự đoán cả năm cũng thực dương (trên dưới 1%). Mức lãi suất này làm yên lòng và được coi là phù hợp với những người có ít tiền, không dám đầu tư, nhưng không hấp dẫn đối với các nhà đầu tư.

CPI vừa là kênh đầu tư vào thị trường hàng hóa, dịch vụ tiêu dùng, vừa được dùng làm thước đo để biết các kênh khác có đạt lãi suất thực dương hay thực âm. CPI cho đến tháng 6/2022 của Việt Nam tuy còn thấp (tháng 6/2022 so với cùng kỳ tăng 3,37%, so với cuối năm trước tăng 3,18%, bình quân 6 tháng so với cùng kỳ tăng 2,44%) khi so với thế giới, so với mục tiêu cả năm…, nhưng đó là CPI chung, còn giá của một số hàng hóa, dịch vụ tiêu dùng cụ thể tăng cao.

Đại diện Ngân hàng Nhà nước cho biết, nếu nới room tín dụng, áp lực với lạm phát là rất lớn
Đại diện Ngân hàng Nhà nước cho biết, nếu nới room tín dụng, áp lực với lạm phát là rất lớn

Đáng quan tâm là, CPI sẽ tăng rất cao trong các tháng còn lại do nhiều yếu tố. Giá nhập khẩu tiếp tục tăng cao, nhất là giá xăng dầu, giá nhiều loại nguyên, nhiên, vật liệu khác. Giá nguyên, nhiên, vật liệu đã tăng rất cao, mới chuyển một phần vào giá sản phẩm sản xuất, chưa chuyển sang giá hàng hóa, dịch vụ tiêu dùng, tới đây tiếp tục chuyển sang hàng hóa, dịch vụ tiêu dùng, làm tăng CPI.

Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng có xu hướng cao lên sau hơn 2 năm bị bào mòn bởi đại dịch, trong đó những khoản về dịch vụ tăng cao nhất, khoản hàng hóa cũng tăng cao hơn trước do tỷ trọng hàng hóa, tiêu dùng thông qua mua bán trên thị trường tăng lên, tỷ trọng tiêu dùng thông qua tự cấp, tự túc giảm. Gói hỗ trợ tài khóa - tiền tệ tới đây được đẩy nhanh tiến độ thực hiện sẽ kéo hàng triệu tỷ đồng tín dụng ra thị trường, làm cho CPI cả năm sẽ vượt mục tiêu, được dự đoán có thể vượt mốc 5,5%.

Như vậy, chưa đầy 6 tháng đầu năm, lượng tín dụng bơm mới vào thị trường đạt hơn 888 nghìn tỷ đồng, trong khi đó chỉ có 434 nghìn tỷ được huy động thêm từ dân cư và các tổ chức kinh tế. Điều này rõ ràng tạo áp lực đáng kể lên mặt bằng lãi suất huy động trong thời gian qua.

Trên thực tế, các ngân hàng thương mại cổ phần cũng đã lần lượt điều chỉnh biểu lãi suất huy động với mức trung bình tăng từ 0,3-1,0 điểm điểm phần trăm, chủ yếu vào giai đoạn cuối quý 1 và đầu quý 2.

Trong 6 tháng cuối năm 2022, Cty Chứng khoán SSI cho rằng, Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ linh hoạt. Trong điều kiện phù hợp sẽ thông qua việc nới trần tín dụng cho các ngân hàng thương mại. Tăng trưởng tín dụng trong năm 2022 ước tính đạt 15-16%, và mức tăng trưởng này là tăng trưởng danh nghĩa, thường có xu hướng cao hơn bình thường trong bối cảnh lạm phát. Áp lực tăng lãi suất huy động sẽ rơi về cuối năm, đặc biệt là khi tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn sẽ giảm từ 37% về 34% sẽ có hiệu lực từ ngày 1/10.

Cty Chứng khoán VnDirect đánh giá, đà tăng lãi suất huy động sẽ chậm lại trong quý 3/2022 vì nhu cầu huy động vốn thấp do nhiều ngân hàng đã tạm hết dư địa để tăng trưởng tín dụng.

Tuy nhiên, đà tăng này có thể tăng tốc trở lại trong quý 4/2022 sau khi Ngân hàng Nhà nước nâng hạn mức tăng trưởng tín dụng cho các ngân hàng thương mại. Lãi suất huy động dự báo có thể tiếp tục tăng thêm 0,3 - 0,5 điểm % trong 6 tháng cuối năm 2022. Lãi suất huy động kỳ hạn 12 tháng của các ngân hàng thương mại có thể tăng lên mức khoảng 5,9-6,1%/năm (bình quân) vào cuối năm 2022, mức này vẫn thấp hơn so với mặt bằng trước đại dịch là khoảng 7%/năm.

Nếu nới room tín dụng, áp lực với lạm phát là rất lớn

VnDirect đánh giá, trong ngắn hạn, ngành ngân hàng sẽ được hưởng lợi từ việc Chính phủ triển khai gói bù lãi suất với tổng giá trị 43.000 tỷ đồng (tương đương khoảng 1.000 tỷ đồng nợ) trong hai năm 2022-2023. Điều này giúp các ngân hàng duy trì tốc độ tăng trưởng tín dụng cao và giảm bớt việc phải cắt giảm một phần lợi nhuận để hỗ trợ lãi suất cho doanh nghiệp như giai đoạn 2020-2021 vừa qua.

Một số ngân hàng như BacABank, BaoVietBank, Nam A Bank, CBBank, PvcomBank, SHB, KienLongBank đều niêm yết trên mức 7,0% cho kỳ hạn dài 12 tháng trở lên. Chênh lệch lãi suất giữa các ngân hàng lên tới gần 3% tùy vào từng kỳ hạn gửi tiền.

Kể từ đầu năm đến nay, ACB cũng đã có một vài đợt điều chỉnh tăng lãi suất. Theo đó, trong tháng 5 ngân hàng điều chỉnh tăng 0,1%/năm tại nhiều kỳ hạn dưới 12 tháng. Không chỉ ACB, bước sang tháng 7 cũng có nhiều ngân hàng thương mại đã điều chỉnh tăng lãi suất như Techcombank, TPBank, Sacombank, MBBank… Một ngân hàng khác là VPBank cũng có sự điều chỉnh mạnh lãi suất thêm 0,8%/năm cho các kỳ hạn từ 13-36 tháng kể từ ngày 6/5. Sau đó, ngân hàng này cũng đã tiếp tục chỉnh lãi suất tăng thêm 0,3%/năm vào giữa tháng 5.

Theo các chuyên gia kinh tế, lãi suất huy động tăng cũng giúp hút bớt lượng tiền đang lưu thông trong nền kinh tế để điều hướng nhiều hơn vào sản xuất kinh doanh. Hiện, thanh khoản hệ thống ngân hàng tương đối ổn, dù không được dồi dào như những năm vừa qua. Lãi suất trên thị trường liên ngân hàng ở mức tương đối ổn.

Theo Phó Thống đốc Thường trực Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú, trong nước, lạm phát không còn là nguy cơ mà đang hiện hữu. Tình hình tài chính tiền tệ toàn cầu nói chung có nhiều biến động sẽ tác động tới nước ta vì nền kinh tế Việt Nam có độ mở khá lớn. Giá cả hàng hóa, xăng, dầu đang nóng lên thời gian gần đây. Những vấn đề này sẽ tác động trực tiếp đến việc điều hành tỷ giá, lãi suất…

Nguồn: https://phapluatxahoi.kinhtedothi.vn/lai-suat-ngan-hang-tang-hut-nhieu-tien-nhan-roi-297056.html