22/11/2024 | 09:07 GMT+7, Hà Nội

“Lãi suất cho vay chưa giảm tương ứng với lãi suất huy động”

Cập nhật lúc: 13/12/2020, 15:19

Kết thúc quý III/2020, NIM của 21 NH niêm yết đạt 0,89%. Đây là mức NIM cao nhất tính theo quý và cũng là mức tăng lớn nhất kể từ quý I/2018. Điều này cho thấy lãi suất cho vay chưa giảm tương ứng với lãi suất huy động.


Theo dữ liệu của Fiin Group, trong quý III/2020, tổng thu nhập hoạt động của 21 ngân hàng niêm yết tăng 12,6% so với quý II/2020 và 10,8% so với cùng kỳ. Tuy nhiên, lợi nhuận sau thuế của các ngân hàng niêm yết giảm nhẹ 1% so với quý II/2020 và tăng 6,5% so với cùng kỳ.

Nguyên nhân chính là chi phí dự phòng rủi ro tín dụng tăng mạnh 29,5% so với quý II/2020 và tăng 19,8% so với cùng kỳ.

Việc này cho thấy các ngân hàng đã mạnh tay hơn trong việc trích lập dự phòng trong quý III/2020, sau khi chi phí dự phòng rủi ro tín dụng giảm 15,9% trong quý II/2020 so với quý I/2020.

Tuy nhiên, do Thông tư 01/2020/TT-NHNN, dự phòng rủi ro vẫn chưa phản ánh đầy đủ tác động của Covid-19 lên lợi nhuận do các ngân hàng được giữ nguyên nhóm nợ cho các khoản vay bị ảnh hưởng bởi Covid-19 và chỉ phải trích lập tương ứng.

Tính cho cả giai đoạn 9 tháng đầu năm 2020, lợi nhuận sau thuế của khối ngân hàng vẫn tăng trưởng mạnh ở mức 10,2% và mức tăng trưởng của tổng thu nhập hoạt động tăng 9,7% so với cùng kỳ năm trước.

NIM tăng mạnh - lãi suất cho vay chưa giảm tương ứng với lãi suất huy động

Theo dữ liệu của Fiin Group, lãi cận biên (NIM) của 21 ngân hàng niêm yết tăng 9,7 điểm cơ bản so với quý II/2020 lên 0,89%. Đây là mức NIM cao nhất tính theo quý và cũng là mức tăng lớn nhất kể từ quý I/2018 - giai đoạn tăng trưởng mạnh của ngành ngân hàng.

Để có được mức NIM cao này, các ngân hàng vẫn duy trì mức lãi suất cho vay bình quân ở mức cao. Cụ thể, lãi suất cho vay trung bình của 20 ngân hàng (trừ BVB) cũng tăng lên 9,2% từ mức 9% trong quý II/2020, cho thấy tác động của việc giảm lãi suất cho khách hàng bị ảnh hưởng bởi Covid-19 lên thu nhập lãi của ngân hàng đã giảm trong quý III/2020.

Ảnh minh họa.

Duy trì được lãi suất cho vay, thu nhập lãi cho vay khách hàng của 20 ngân hàng (trừ BVB) đã tăng 5,2% trong khi thu nhập lãi từ chứng khoán nợ chỉ tăng 0,8% so với quý trước. Điều này cho thấy tăng trưởng NIM và thu nhập lãi thuần phần lớn đến từ cho vay khách hàng.

Một số ngân hàng có tỷ trọng lãi từ đầu tư chứng khoán nợ cao (trên dưới 20%), bao gồm TCB, VBB (Vietbank), TPB và MBB.

Trong bối cảnh lãi suất huy động giảm, thu nhập lãi và các khoản tương tự tăng 4,5% so với quý 2/2020 trong khi chi phí lãi và các khoản tương tự giảm 2,6%.

Theo Fiin Group, điều này cho thấy lãi suất cho vay chưa giảm tương ứng với mức giảm lãi suất huy động trong thời gian vừa qua.

Đến cuối quý III/2020, cho vay khách hàng tăng trưởng 5,8%, thấp hơn tăng trưởng tiền gửi của khách hàng (7,3%) và đây là xu hướng tiếp diễn từ quý I/2020. Điều này khác với xu hướng các năm trước, cho thấy ảnh hưởng của Covid-19 đến cầu tín dụng đến với các ngành kinh tế ở mức khá lớn.

Tỷ lệ nợ xấu tiếp tục tăng

Cuối quý III/2020, tỷ lệ nợ xấu (NPL) của 21 ngân hàng niêm yết tiếp tục xu hướng tăng từ 1,74% cuối quý 2 lên 1,82%.

So với cuối quý trước, nợ Nhóm 3, Nhóm 4 tăng lần lượt 30,5% và 2,7% trong khi Nợ Nhóm 5 giảm 3,4%. Tỷ trọng nợ Nhóm 3, Nhóm 4, Nhóm 5 cuối quý 3/2020 lần lượt ở mức 31,8%, 19,6% và 48,6% so với tổng nợ xấu.

Tỷ lệ tạo mới nợ xấu (NPL formation rate - được định nghĩa là Thay đổi tổng nợ nhóm 3 - 5 trong quý chia cho Dư nợ trung bình quý) sau khi đã tăng lên 0,23% trong quý I/2020, tỷ lệ này vẫn tiếp tục ở mức 0,1% trong quý II/2020 và 0,12% trong quý III/2020.

Theo Thông tư 01, các ngân hàng có thể quyết định cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ cho các khách hàng ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Nếu không có việc cơ cấu lại này, tỷ lệ nợ xấu và tỷ lệ tạo mới nợ xấu trong năm 2020 sẽ ở mức cao hơn.

Việc xác định mức cụ thể cao hơn ra sao sẽ tùy thuộc vào danh mục tín dụng của từng ngân hàng.

Lợi nhuận sau thuế năm 2020 của các ngân hàng chịu ảnh hưởng từ sức khỏe của nền kinh tế trong bối cảnh Covid-19 và chính sách liên quan như Thông tư 01. Với việc kiểm soát được dịch bệnh và kinh tế hồi phục, kết quả kinh doanh của các ngân hàng đã có những dấu hiệu khả quan trong quý III/2020 và dự đoán sẽ tiếp tục trong quý IV/2020.

Theo dự đoán của Fiin Group, trong quý IV/2020, NIM của các ngân hàng vẫn sẽ ở mức cao do lãi suất huy động tiếp tục giảm. Ngoài ra, lãi thuần từ hoạt động dịch vụ và các hoạt động còn lãi vẫn tăng trưởng so với quý III/2020, trong khi CIR cũng tăng trong quý cuối cùng như những năm trước.

Ngoài ra, các ngân hàng sẽ cân đối kết quả kinh doanh với việc trích lập dự phòng trong quý IV/2020 để phần nào dự trù cho tương lai khi Thông tư 01 hết hiệu lực.

Vì vậy, với điều kiện dịch Covid-19 được kiểm soát tốt, Fiin Group dự đoán lợi nhuận sau thuế của 21 ngân hàng niêm yết sẽ tăng 10,2% so với năm 2019, giảm đáng kể so với mức tăng trưởng các năm trước nhưng vẫn là mức khả quan trong bối cảnh dịch bệnh vẫn chưa chấm dứt và kết quả kinh doanh của doanh nghiệp theo dự đoán là suy giảm so với năm trước.