21/11/2024 | 22:56 GMT+7, Hà Nội

Lãi lớn năm 2021, triển vọng nào cho ngành ngân hàng năm 2022?

Cập nhật lúc: 04/01/2022, 15:08

Bức tranh tổng quan của ngành ngân hàng trong năm 2021 khi dịch Covid-19 hoành hành dù phải chịu nhiều tác động tiêu cực nhưng nhiều ngân hàng vẫn… lãi lớn.

Lợi nhuận vượt rào cản dịch bệnh

Dù chịu nhiều thách thức khi vừa phải hỗ trợ doanh nghiệp, người dân bằng việc giảm lãi suất cho vay thực chất, vừa phải đối mặt với nợ xấu tiềm ẩn nhưng hoạt động của hệ thống ngân hàng nói chung vẫn đạt kết quả khả quan.

Theo thống kê của Công ty chứng khoán Maybank Kim Eng Việt Nam (MBKE VN), 9 tháng đầu 2021, tăng trưởng lợi nhuận trước thuế toàn ngành ngân hàng vẫn được duy trì ở mức cao, đạt 132.000 tỷ đồng, bằng 42,6% so với năm 2020.

Báo cáo tài chính mới đây của các ngân hàng cũng cho thấy, lợi nhuận trước thuế 9 tháng đầu năm hầu hết các ngân hàng đều được tăng trưởng so với cùng kỳ. Chẳng hạn ACB tăng trưởng 40%, Techcombank tăng 60%, Viettinbank tăng trên 34%, Sacombank tăng 40%, MBB tăng 46%…

MBKE nhận định, trong kịch bản lạc quan, ước tính lợi nhuận ngân hàng năm nay có thể tăng 37%, tăng 33% trong kịch bản cơ sở và 25% trong kịch bản bi quan, tùy theo mức độ kéo dài của đợt dịch Covid 19. Còn theo báo cáo của Công ty chứng khoán BSC, hệ thống ngân hàng hoạt động tương đối ổn định trong năm 2021, với lợi nhuận của hệ thống dự kiến tăng khoảng 25%.

Theo chuyên gia kinh tế TS Cấn Văn Lực, các chỉ số hoạt động của các ngân hàng trong năm 2021 không hề “u ám,” mà thậm chí còn tăng trưởng tốt nhờ vào 3 yếu tố. Thứ nhất, tín dụng ở nhiều ngân hàng đã tăng trở lại từ tháng 10 và và tăng mạnh hơn trong 2 tháng cuối năm, từ đó tác động tích cực hơn nữa lên lợi nhuận quý IV cũng như cả năm. Thứ hai, không chỉ trông chờ vào tín dụng, nhiều ngân hàng đã gia tăng tỷ trọng trái phiếu doanh nghiệp như MB, Techcombank, TPBank, VPBank, MSB, nhờ đó cải thiện được khả năng sinh lời do lãi suất cao hơn so với cho vay trực tiếp.

Ngoài ra, năm 2020 và 2021 chứng kiến sự nóng lên của các thị trường tài sản như bất động sản, chứng khoán và là một phần lý do thúc đẩy tín dụng bán lẻ tăng cao. Thứ ba, các ngân hàng còn tập trung huy động tiền gửi không kỳ hạn giúp giảm chi phí vốn và đây là xu hướng chung kéo dài nhiều năm trước và kể cả trong thời gian tới. Một số ngân hàng có lợi thế về tỷ lệ huy động tiền gửi không kỳ hạn cao hơn 30% (Techcombank, MB, Vietcombank, MSB), giúp các ngân hàng này có chi phí vốn thấp, từ đó giúp gia tăng hiệu quả về cho vay.

Lãi lớn năm 2021, triển vọng nào cho ngành ngân hàng năm 2022?
Lãi lớn năm 2021, triển vọng nào cho ngành ngân hàng năm 2022?

Với chiến lược kinh doanh linh hoạt, điều chỉnh tập trung ở 2 phân khúc khách hàng cá nhân và các doanh nghiệp vừa và nhỏ, VP Bank đã hỗ trợ giảm lãi suất cho hơn 238.000 khách hàng chịu ảnh hưởng dịch, đồng thời tạo điều kiện để khách hàng thuận lợi tiếp cận nguồn vốn, chuẩn bị cho sự phục hồi sau giãn cách. Dù vậy, nhờ đa dạng hóa nguồn thu nhập, giảm thiểu các tác động từ thị trường, lợi nhuận hợp nhất trước thuế 3 quý năm 2021 của VPBank đạt hơn 11.700 tỷ đồng, tăng gần 25% so với cùng kỳ 2020 và vượt hơn 70% kế hoạch cả năm, riêng lợi nhuận Ngân hàng mẹ chiếm gần 93%. Trong 9 tháng, VPBank thu hút hơn 2,6 triệu khách hàng mới, tổng số giao dịch qua nền tảng Ngân hàng số VPBank Neo đạt hơn 95 triệu giao dịch, tăng 2,24 lần so với cùng kỳ năm trước.

Tính đến hết quý III/2021, tăng trưởng tín dụng của Vietcombank đạt 11,5% so với cuối năm 2020 và hoàn thành 98% kế hoạch cả năm, cơ cấu tín dụng bán lẻ tăng trưởng cao so với tín dụng bán buôn với tỷ trọng đạt 53,66%.

Còn ngân hàng Hàng hải MSB dự kiến sẽ cán mốc trên 5.000 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế trong năm nay. “Nhờ tập trung phát triển mạnh dịch vụ ngân hàng điện tử, tiền gửi không kỳ hạn (CASA) của MSB đạt hơn 29.000 tỷ đồng tính đến hết quý III/2021 và dự kiến đạt 32.000 tỷ đồng vào cuối năm 2021. MSB đặt mục tiêu từ nay đến năm 2023, CASA sẽ cán mốc 40.000 tỷ đồng” - lãnh đạo MSB thông tin thêm.

Tại VietinBank, tính đến cuối tháng 10/2021, tổng tài sản và tổng nguồn vốn của ngân hàng này tăng khoảng 8%, trong đó nguồn vốn thị trường 1 (khu vực dân cư và tổ chức) tăng 10%; tín dụng tăng 8%; ROA đạt 1,3% và ROE đạt 16,1%. Hệ số an toàn vốn (CAR) đạt hơn 9%, NIM đạt khoảng 3%.

Nợ xấu vẫn đè nặng

Trong báo cáo cập nhật ngành mới công bố, Chứng khoán VNDirect dự báo, năm 2022, kỳ vọng nền kinh tế sẽ tăng tốc nhờ xuất khẩu tăng trưởng mạnh mẽ, nhu cầu phục hồi và các chính sách tài khóa hỗ trợ. Đồng thời, ngân hàng sẽ là đại diện tiêu biểu cho sự hồi sinh kinh tế Việt Nam. Nhóm nghiên cứu của BSC kỳ vọng 2022 tốc độ tăng trưởng của ngành ngân hàng sẽ tốt hơn so với dự báo trước, cụ thể lên mức 22,2% (so với mức 18,4% trước đó) nhờ kinh tế phục hồi sau dịch và mức nền lợi nhuận thấp hơn trong năm 2021.

Hoạt động kinh tế sôi động trở lại cũng dẫn đến tốc độ lưu thông tốt hơn nhờ nhu cầu thanh toán và đầu tư, qua đó, hỗ trợ tăng trưởng huy động tiền gửi. Tiền gửi doanh nghiệp có thể tăng chậm hơn so với năm 2021 trong khi tiền gửi bán lẻ tăng tốc, hỗ trợ tăng trưởng huy động ở các ngân hàng định hướng bán lẻ. Theo các công ty chứng khoán, trong nhiều kịch bản về tốc độ phục hồi, điều kiện kinh doanh nhìn chung vẫn sẽ cải thiện năm 2022, giúp giảm bớt rủi ro tín dụng chung của nền kinh tế và qua đó, thúc đẩy cung và cầu tín dụng. Kết hợp với vị thế thanh khoản dồi dào hiện tại, kỳ vọng tăng trưởng tín dụng sẽ mạnh mẽ trong nửa đầu năm 2022.

Ngoài ra, điểm sáng về triển vọng ngành ngân hàng trong năm tới chính là các khoản thu nhập từ phí (phí dịch vụ, phí bán chéo bancassurance...), đây là một trong những động lực tăng trưởng của ngành thời gian qua và sẽ tiếp tục sẽ được phát huy trong thời gian tới.

Bên cạnh đó, với tốc độ chuyển đổi số trong ngành đang diễn ra vô cùng mạnh mẽ, các ngân hàng có cơ hội kiểm soát chi phí hoạt động tốt hơn. Cùng với đó là việc nỗ lực nâng cao tỷ lệ tiền gửi không kỳ hạn (CASA) cũng như tiếp cận các nguồn vốn bán buôn với chi phí rẻ hơn sẽ giúp ngân hàng giảm chi phí vốn. Những yếu tố này sẽ tạo điều kiện cho ngân hàng có được thu nhập tốt hơn.

Tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam- TS Nguyễn Quốc Hùng thừa nhận, trong quá trình tái cơ cấu, các tổ chức tín dụng đã đầu tư nhiều vào ứng dụng công nghệ và chuyển đổi số, đến nay đã thu về “quả ngọt” khi tiến trình chuyển đổi sốcủa hệ thống ngân hàng diễn ra mạnh mẽ. Thanh toán không dùng tiền mặt tăng mạnh, nhất là trong bối cảnh dịch bệnh người dân hạn chế đi lại, tiếp xúc trực tiếp… Có ngân hàng riêng khoản thu từ dịch vụ chiếm đến 40% lợi nhuận cho thấy công sức của các tổ chức tín dụng nhiều năm qua đã thu về kết quả xứng đáng.

“Trong năm 2022, tình hình lợi nhuận ngân hàng vẫn tương đối khả quan” - TS Nguyễn Quốc Hùng đánh giá. Dù vậy, ông Hùng cho rằng lợi nhuận tại thời điểm này của các ngân hàng là không bền vững. Hiện nay các tổ chức tín dụng chưa phải trích dự phòng rủi ro đối với các khoản nợ cơ cấu theo Thông tư 01, 03, 14 đồng thời còn những khoản dự thu của dư nợ nhóm 1 đã hạch toán vào thu nhập nên nhất thời cũng góp phần làm cho lợi nhuận ngân hàng ghi nhận dương. Khoảng 10% lợi nhuận của ngân hàng đang tính trên lãi dự thu và hiện nay ngân hàng cũng chưa phải trích lập dự phòng rủi ro cho nợ cơ cấu lại", ông Hùng nhấn mạnh.

Lo ngại của ông Hùng không phải là không có cơ sở khi mà những khoản nợ xấu sau thời gian hoãn, giãn sẽ có thể đổ ập tới bất cứ khi nào. Theo ước tính của NHNN, nếu tính đầy đủ cả con số nợ có thể cũng trở thành nợ xấu nếu không thực hiện giãn, hoãn nợ để tháo gỡ khó khăn cho khách hàng ảnh hưởng bởi Covid-19 (theo các thông tư 01, 03, 14) thì tỷ lệ nợ xấu vào thời điểm cuối năm 2021 thậm chí có thể lên đến 8,2%.

Theo Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú, dịch bệnh gây khó khăn cho doanh nghiệp, nền kinh tế, đẩy tỷ lệ nợ xấu tăng, và thậm chí tỷ lệ này có thể cao hơn trong thời gian tới nếu dịch bệnh vẫn còn phức tạp. Đây cũng là bài toán mà các ngân hàng phải tính tới trong kế hoạch kinh doanh của năm tới.

Nguồn: https://kinhtedothi.vn/lai-lon-nam-2021-trien-vong-nao-cho-nganh-ngan-hang-nam-2022.html