22/11/2024 | 20:24 GMT+7, Hà Nội

Kỳ thi THPT Quốc gia 2019: Nỗi lo chất lượng “đầu vào” của các trường đại học

Cập nhật lúc: 22/10/2018, 11:05

Thông tin Bộ GD&ĐT không coi kỳ thi THPT Quốc gia 2019 là kỳ thi “2 trong 1” (xét tốt nghiệp THPT và vào đại học) khiến một số chuyên gia, nhà quản lý giáo dục băn khoăn, lo lắng. Nhất là chất lượng nguồn tuyển đại học sẽ ra sao khi kỳ thi giảm bớt khâu có tính phân loại…

 Theo Bộ GD&ĐT, kỳ thi THPT Quốc gia 2019 vẫn tiếp tục được làm cơ sở xét tuyển vào đại học. Ảnh minh họa: Q.Anh

Theo Bộ GD&ĐT, kỳ thi THPT Quốc gia 2019 vẫn tiếp tục được làm cơ sở xét tuyển vào đại học. Ảnh minh họa: Q.Anh

Việc xét tuyển là… tùy trường đại học!

Mới đây, khi giải trình về việc tổ chức kỳ thi THPT Quốc gia 2019, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ cho biết, vẫn duy trì kỳ thi THPT Quốc gia nhưng chỉ phục vụ mục đích tốt nghiệp phổ thông, chứ không phải là kỳ thi “2 trong 1” (xét tốt nghiệp và tuyển sinh ĐH). Từ năm 2019, đề thi sẽ điều chỉnh theo hướng tốt nghiệp phổ thông, bám sát yêu cầu của chương trình THPT, kiến thức chủ yếu và căn bản là nội dung nằm trong chương trình lớp 12. Trường ĐH có sử dụng kết quả thi THPT Quốc gia làm căn cứ để xét tuyển hay không là quyết định của các trường.

Bên cạnh đó, Bộ GD&ĐT cũng có một số điều chỉnh, bổ sung về mặt kỹ thuật cho kỳ thi năm tới. Cụ thể, nâng cao chất lượng tập huấn nghiệp vụ tổ chức thi cho các thí sinh tham gia kỳ thi; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý thi; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát chặt chẽ các khâu, đặc biệt là khâu chấm thi của quy trình tổ chức thi. Kỳ thi THPT Quốc gia năm 2019 dự kiến sẽ tổ chức chấm chéo hoặc chấm theo cụm bài thi các địa phương.

Dù lãnh đạo Bộ GD&ĐT khẳng định, vẫn giữ kỳ thi để làm căn cứ xét tuyển vào đại học, nhưng lại “tùy trường”. Nhiều chuyên gia, nhà quản lý giáo dục băn khoăn trước việc kỳ thi năm sau có giữ được độ phân loại cao, hay là “thả cửa”, thí sinh “lạm phát” điểm cao như năm 2017. Phương án tổ chức thi của Bộ GD&ĐT cũng ảnh hưởng nhiều đến công tác tuyển sinh của các trường đại học, nhất là các trường đại học trong nhóm “tốp trên”.

Chia sẻ ý kiến về kỳ thi năm sau, PGS.TS Trần Văn Tớp - Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Bách Khoa Hà Nội cho rằng: “Kỳ thi THPT Quốc gia 2019 ngoài khắc phục những hạn chế, kẽ hở nảy sinh tiêu cực như kỳ thi 2018, còn cần phải công khai, minh bạch, rõ ràng và trung thực. Nếu kỳ thi chỉ để làm căn cứ xét tốt nghiệp, chưa có sự phân hóa cao trong đề thi, các trường khó có thể sử dụng kết quả, tuyển sinh có năng lực phù hợp với chương trình đào tạo của nhà trường đề ra. Phần lớn các trường vẫn muốn dùng kết quả kỳ thi làm căn cứ tuyển sinh, vì tổ chức thi riêng sẽ rất tốn kém”.

Các trường được quyền tự chủ

Cùng chung mối lo như lãnh đạo trường đại học Bách Khoa Hà Nội đã nêu, không ít chuyên gia lo ngại về nhiều khâu của kỳ thi sắp tới và đặt ra câu hỏi, liệu Bộ GD&ĐT có “buông” kỳ thi cốt để giảm bớt tiêu cực trong chấm, chỉnh sửa điểm thi như kỳ thi vừa qua?

Thực tế, trong những năm gần đây, kể từ khi kỳ thi “2 trong 1” vẫn được các trường đại học làm căn cứ tuyển sinh chính, bên cạnh phương án tuyển sinh khác như xét tuyển học bạ, xét tuyển kết hợp điểm thi và học bạ. Tới thời điểm hiện tại, nhiều trường đại hoc cho biết, nhà trường vẫn tiếp tục xây dựng sử dụng kết quả kỳ thi THPT Quốc gia để xét tuyển, giảm chi phí tuyển sinh và hạn chế tình trạng đi lại của thí sinh.

TS Lê Viết Khuyến, Trưởng ban Hỗ trợ chất lượng giáo dục đại học (Hiệp hội các trường ĐH, CĐ Việt Nam) cho biết, các trường đại học hiện nay hoàn toàn được tự chủ trong tuyển sinh. Một trong những phương án phổ biến là sử dụng kết quả kỳ thi THPT kết hợp với một số tiêu chí để tuyển sinh. Nên cách gọi về kỳ thi THPT Quốc gia về bản chất vẫn là kỳ thi tốt nghiệp cho học sinh THPT. “Các trường khó lựa chọn hình thức thi tuyển riêng, nhưng có thể sử dụng kết quả thi THPT Quốc gia và tổ chức cho thí sinh làm bài kiểm tra hoặc phỏng vấn để tuyển sinh theo tiêu chí của trường”.

Chia sẻ thêm về công tác tuyển sinh đại học năm 2019, lãnh đạo một số trường đại học cho hay, mặc dù chủ yếu vẫn là sử dụng kết quả của kỳ thi THPT Quốc gia, song cũng dần chủ động “thoát” khỏi lệ thuộc vào kỳ thi này, bằng cách bổ sung, xây dựng phương án riêng để tuyển sinh như: Tăng chỉ tiêu tuyển thẳng đối với học sinh trường chuyên; tuyển thẳng thí sinh đoạt học sinh giỏi quốc gia, quốc tế; thậm chí tuyển thẳng thí sinh từng tham dự Chương trình Đường lên đỉnh Olympia… Một số trường cũng kết hợp tuyển sinh phỏng vấn, làm bài kiểm tra. Sử dụng kết quả của kỳ thi đánh giá năng lực của trường ĐH Quốc gia Hà Nội, ĐH Quốc gia TP HCM.

Thông tin về kỳ thi THPT Quốc gia 2019, ông Mai Văn Trinh - Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng (Bộ GD&ĐT) cho biết: Sẽ rà soát tổng thể về toàn bộ quy chế, quy trình của kỳ thi để cụ thể hóa những quy định trong quy chế, hướng dẫn. Trong đó, vấn đề quan trọng là xác định rõ hơn trách nhiệm của các bên liên quan tham gia tổ chức kỳ thi và chế tài xử lý. Tiếp tục xây dựng ngân hàng câu hỏi thi đảm bảo chất lượng, đảm bảo các yêu cầu để đề thi chính thức phù hợp với tính chất kỳ thi, thời gian làm bài của thí sinh. Bộ sẽ sớm có đề thi tham khảo để giáo viên yên tâm tổ chức hoạt động dạy học.

Quang Anh