Kinh tế Việt Nam 2023 đối mặt nhiều thách thức
Cập nhật lúc: 05/01/2023, 09:18
Cập nhật lúc: 05/01/2023, 09:18
Kinh tế đang có sự phục hồi rõ rệt
Theo bà Nguyễn Thị Hương, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê, với quyết tâm phục hồi và phát triển kinh tế, tạo đà hoàn thành các mục tiêu kinh tế - xã hội năm 2022 và giai đoạn 2021 - 2025 mà Nghị quyết Đại hội XIII đề ra, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương theo dõi sát sao tình hình, sự thay đổi chính sách của các nước để kịp thời ban hành các chính sách tiền tệ, tài khóa và các giải pháp vĩ mô phù hợp. Đồng thời, triển khai tích cực, quyết liệt các nhiệm vụ, giải pháp của Nghị quyết 01/NQ-CP, Nghị quyết 02/NQ-CP, Nghị quyết 11/NQ-CP về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.
Dấu ấn khởi sắc của nền kinh tế thể hiện rõ nét ở tám điểm sáng tăng trưởng được Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê Nguyễn Thị Hương nhấn mạnh trong báo cáo công bố tình hình kinh tế-xã hội năm 2022. Đó là hoạt động sản xuất, kinh doanh phục hồi tích cực ở cả ba khu vực kinh tế với khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 3,36%; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 7,78%; khu vực dịch vụ tăng 9,99%. Sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản không chỉ bảo đảm nguồn cung lương thực, thực phẩm cho nhu cầu trong nước mà còn đẩy mạnh xuất khẩu trong bối cảnh thế giới đối mặt với nguy cơ khủng hoảng lương thực. Ngành công nghiệp tiếp tục phục hồi và phát triển, Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) năm 2022 ước tăng 7,8% so với năm trước, trong đó nhiều ngành công nghiệp trọng điểm tăng trưởng cao.
Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh cho biết, cơ cấu hàng hóa xuất khẩu tiếp tục cải thiện theo chiều hướng tích cực, giảm hàm lượng xuất khẩu thô, tăng xuất khẩu sản phẩm chế biến, sản phẩm công nghiệp, tạo điều kiện cho hàng hóa Việt Nam tham gia sâu hơn vào chuỗi sản xuất và cung ứng toàn cầu. Đây chính là yếu tố then chốt để thay đổi cách nhìn nhận, đánh giá của người tiêu dùng đối với hàng hóa của Việt Nam. Đặc biệt, đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào Việt Nam tiếp tục là điểm sáng của nền kinh tế trong bối cảnh đầu tư và thương mại quốc tế suy giảm
Cần được nhận diện để chủ động ứng phó
Các dự báo cho năm 2023 đến nay, hầu hết đều theo hướng kinh tế toàn cầu sẽ phát triển chậm lại, bởi vậy, dù là nước giữ “phong độ tốt nhất” thì khó khăn của các đối tác cũng sẽ mang lại những thách thức lớn cho Việt Nam nói riêng và khu vực châu Á nói chung. Giới quan sát hầu hết nhìn nhận, các thách thức cho kinh tế Việt Nam chủ yếu xuất phát từ ảnh hưởng kinh tế toàn cầu, khi các thị trường đối tác của Việt Nam đa số gặp khó khăn. Đại dịch Covid-19, cuộc xung đột Nga-Ukraine, giá năng lượng leo thang, lạm phát cao, cũng như việc các ngân hàng trung ương trên toàn cầu thắt chặt chính sách tiền tệ đang khiến nhiều nền kinh tế lớn lao đao.
Theo Ngân hàng HSBC, rủi ro lớn nhất đối với tăng trưởng của Việt Nam năm tới là những khó khăn trong thương mại ngày càng gia tăng. Việt Nam không tránh khỏi những tác động do đợt thương mại toàn cầu chậm lại đáng kể này, nói cách khác, giai đoạn “chững lại” đã tới.
Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, nhằm thực hiện thắng lợi các chỉ tiêu phát triển kinh tế-xã hội đề ra cho năm 2023 với các định hướng lớn như giữ ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát khoảng 4,5%, thúc đẩy tăng trưởng GDP 6,5%, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế. Trọng tâm điều hành sẽ tập trung thực hiện 8 nhóm giải pháp lớn.
Nhấn mạnh đến nhóm giải pháp đổi mới, cải cách, nâng cao chất lượng thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa là điều kiện tiên quyết để thúc đẩy phát triển đất nước, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho rằng hệ thống pháp luật phải thật sự tháo gỡ được những điểm nghẽn trong huy động nguồn lực, sản xuất, kinh doanh, sự tham gia của các khu vực kinh tế, thúc đẩy giải ngân đầu tư công. Đồng thời tạo dựng và củng cố niềm tin, tâm lý, cảm hứng kinh doanh và bảo vệ an toàn tài sản của DN và người dân.
Ông Phan Đức Hiếu, Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội nhấn mạnh, chúng ta cần tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh và cần quan tâm đặc biệt đến sự minh bạch và công bằng, hướng tới chất lượng cao hơn không chỉ đơn thuần là giải quyết các thủ tục hành chính. Sự tham gia này không chỉ của mỗi nhà nước mà có trách nhiệm của tất cả các chủ thể. Bản thân DN cũng phải có trách nhiệm, đây là cơ hội, là thời cơ để bứt phá.
Nguồn: https://phapluatxahoi.kinhtedothi.vn/kinh-te-viet-nam-2023-doi-mat-nhieu-thach-thuc-318894.html
18:18, 03/01/2023
09:30, 18/11/2022
09:30, 25/10/2022
13:30, 22/10/2022