Kinh nghiệm để tránh bị “chặt chém” khi đi du lịch
Cập nhật lúc: 20/03/2016, 13:00
Cập nhật lúc: 20/03/2016, 13:00
Những người đi du lịch sành sỏi luôn sử dụng các tham khảo các thông tin trên mạng, diễn đàn trước khi quyết định chọn bất cứ một nhà hàng nào. Không chỉ quan tâm đến số điểm được đánh giá mà bạn nên bỏ chút thời gian đọc các nhận xét phía dưới.
Tuy nhiên, việc này cũng mang tính chất tương đối bởi nhiều khi khen chưa chắc đã đúng hoặc phù hợp với mình, và chê thì chưa chắc đã dở. Trang web càng uy tín thì độ tin cậy càng cao. Tốt nhất vẫn là hỏi ý kiến người thật việc thật từ những bạn bè người thân từng trải nghiệm.
Ngoài ra, một cách khác, bạn có thể hỏi trực tiếp hướng dẫn viên hoặc khách sạn nơi bạn lưu trú chỉ giùm địa chỉ ngon tại địa phương đó. Ngon hay dở còn tùy vào khẩu vị của bạn, tuy nhiên, những địa chỉ do nhân viên khách sạn tư vấn thường khá an toàn về hầu bao với dân du lịch.
Khách du lịch luôn là "miếng mồi béo bở" cho các chủ cửa hàng, quán ăn tranh thủ "chém đẹp" khi những người này không thực sự biết rõ về giá tiền cũng như chủng loại các sản phẩm.
Khi bạn cùng gia đình hay đoàn du lịch của mình vô tình gặp phải tình huống này, bạn nên bình tĩnh xử lý tình huống, yêu cầu gặp chủ nhà hàng để đề nghị giải trình về điều bất thường. Mất bình tĩnh luôn khiến sự việc tồi tệ hơn, cố gắng ghi âm hay chụp hình cuộc nói chuyện này.
Trong tình huống không thể thương thuyết, bạn cần nhanh chóng đưa các bằng chứng cho cơ quan quản lý địa phương hoặc công an (khi số tiền bị lừa lớn) ngay khi có thể.
Nhiều khách du lịch khi gặp nạn chặt chém thường “ngậm bồ hòn làm ngọt” vì tâm lý ngại xô xát và muốn trả tiền rồi đi cho xong chuyện. Chính điều ấy đã gián tiếp khiến cho việc khách du lịch bị ép giá ngày càng phổ biến hơn.
Để tránh tình trạng này, bạn nên ghi lại số điện thoại hay đường dây nóng của các cơ quan chức năng địa phương nơi bạn du lịch. Bạn sẽ cần đến sự giúp đỡ của họ, trong trường hợp bị chặt chém có thể dẫn đến các vụ ẩu đả, xô xát nghiêm trọng.
Giúp sức để chủ quán “chặt chém” du khách là lực lượng “cò” mồi chài quán ăn rất đông đảo. Từ “cò” chạy xe máy đến “cò” chạy taxi dùng đủ mánh để chèo kéo khi các quán ăn sẵn sàng chơi đẹp bằng hoa hồng 20-30% số tiền móc túi khách cho “cò”. Tốt nhất là bạn tuyệt đối không đi theo đội quân "cò" này.
Nếu có sự lựa chọn, bạn nên chọn những nhà hàng, quán ăn được niêm yết sẵn giá cả. Khi gọi món, nhớ xem kỹ giá tiền, nếu giá đắt hơn giá đã được mách nước thì nên hỏi rõ lý do: "Vì giá lại cao như vậy? Tôi được biết, giá chỉ khoảng ngần này…" để hy vọng có thể được giảm giá.
Ngoài ra, bạn cũng nên hỏi kỹ về các phụ phí "trên trời" có bị tính kèm không như tiền ghế ngồi, tiền ô che nắng (nếu ngồi ngoài sân), tiền khăn giấy, thuế, phí phục vụ…
Đừng quá tin tưởng vào hóa đơn của các nhà hàng, bởi không phải ai cũng thật thà. Đặc biệt bạn nên cảnh giác với những dịch vụ ăn uống.
Các chủ hàng thường cho rằng, với lượng khách ăn đông cùng danh sách dài các món khác nhau, khách du lịch sẽ không thể nhớ hết được số lượng và giá cả từng món như thế nào. Rất có thể hóa đơn của bạn sẽ bị “khai khống” thêm vài món. Vì vậy, để tránh mất tiền oan, đừng quên rà soát lại một lượt hóa đơn trước khi thanh toán.
Một thói quen được nhiều người sử dụng gần đây là luôn giữ thói quen chụp lại menu và hóa đơn thanh toán, phòng trường hợp có sự cố xảy ra.
Những bức hình minh họa món ăn ít hay nhiều, chất lượng ra sao có vẻ như vô nghĩa nhưng khi được sử dụng để đăng lên các diễn đàn trong tình huống bạn bị chặt chém, nó lại có hiệu quả bất ngờ.
Tốt nhất là nên chọn những quán ăn hay nhà hàng cho phép thanh toán trước để bạn có thể yên tâm thưởng thức món ăn và không phải nín thở khi nhận hóa đơn.
Lúc thanh toán bằng tiền mặt, cần kiểm tra kỹ tiền thừa được trả lại. Khi đi nước ngoài, nhiều chủ nhà hàng có thể lợi dụng việc khách du lịch không thân thuộc với ngoại tệ mà đưa cho những tờ tiền giả, sờn hay rách.
Khi thanh toán bằng thẻ, hạn chế tối đa việc đưa thẻ của mình cho người khác quẹt và khuất tầm quan sát. Cố gắng quan sát kỹ nhưng thật lịch sự khi nhân viên nhà hàng quẹt thẻ của bạn. Đối chiếu giá tiền trên hóa đơn và số tiền bạn bị trừ có khớp nhau hay không. Việc này luôn luôn không thừa.
Nếu bạn có người thân hay bạn bè sống tại nơi bạn sẽ đến du lịch thì quá tuyệt vời, bởi bạn sẽ không phải lo sẽ bị chèn ép khi đi với họ.
Tuy nhiên nếu không có bạn hãy chủ động làm quen và nhờ sự giúp đỡ của chủ khách sạn, hay tài xế…để được tư vấn những nơi nên đến hoặc cần phải tránh, cách mua bán và trả giá hoặc nhờ họ đi cùng khi mua sắm.
Hãy quan sát cách người bản xứ lựa đồ và trả giá để biết cách, chứ không nên vội vàng mua hàng ngay. Một lưu ý nhỏ là bạn đừng thể hiện mình là khách du lịch bởi nó sẽ khiến bạn bị chú ý và trở thành “nạn nhân” để người bán tha hồ chặt chém.
Không nên đeo quá nhiều tư trang khiến các nhà hàng, khách sạn hoặc nơi cung cấp dịch vụ nghĩ mình có nhiều tiền, từ đó, thỏa sức “chặt chém”. Tốt nhất nên mang theo các loại thẻ ngân hàng, chỉ mang một ít tiền mặt để tiêu dùng cá nhân và mua sắm, ăn uống.
Nếu mang theo nhiều tiền, bạn cũng nên chia ra nhiều nơi cất trong người và túi xách, phòng khi mất cắp vẫn đủ tài chính để xoay sở. Tốt nhất nên mang theo các loại thẻ ngân hàng, chỉ mang một ít tiền mặt để tiêu dùng cá nhân và mua sắm, ăn uống.
Như vậy, định lượng được mức chi tiêu của mình, mang ít tiền cũng giúp bạn suy nghĩ kỹ lưỡng trước khi quyết định mua, sắm, tránh tình trạng bị “chặt chém”./.
07:16, 02/07/2018
07:40, 01/05/2017
19:09, 18/02/2017
06:13, 11/01/2016
23:33, 08/01/2016
05:12, 02/07/2015