18/01/2025 | 14:57 GMT+7, Hà Nội

Kịch bản “khủng hoảng thịt lợn” dịp Tết Nguyên đán có xảy ra?

Cập nhật lúc: 16/11/2019, 10:30

Chỉ còn hơn 2 tháng nữa là đến Tết Nguyên đán, nhu cầu thực phẩm của người tiêu dùng trong đó có thịt lợn được dự báo sẽ tăng cao.

Dù các cơ quan chức năng khẳng định thực phẩm sẽ không có sự tăng giá đột biến vào cuối năm nay song thực tế, nhiều địa phương đã ghi nhận mức giá thịt lợn “cao kỷ lục” trong vòng 3 năm nay. Người dân lo ngại nếu nguồn thịt khan hiếm và giá cả tiếp tục leo thang như vậy sẽ gây ra “khủng hoảng thịt lợn” vào dịp Tết Nguyên đán.

Giá lợn tăng cao “chưa từng thấy”

Mấy tuần gần đây, chị Nguyễn Thanh Hương (29 tuổi, ngụ tại P. Vĩnh Tuy, Hai Bà Trưng, Hà Nội) luôn phải tính toán chi li trước quầy hàng thịt lợn, hoặc “loại” món ăn ưa thích này ra khỏi danh sách thực phẩm thiết yếu hàng ngày, chuyển sang các loại thực phẩm khác như thịt bò, thủy sản, gia cầm... Chị Hương cho biết, trước đây, tiền mua thức ăn bình quân của gia đình chị (có 4 thành viên) là 85.000 đồng/ngày, nhưng hiện tại với số tiền trên chỉ mua được lượng thực phẩm bằng một nửa.

Các hộ chăn nuôi lợn chăm sóc đàn lợn chuẩn bị xuất chuồng. Ảnh: DKT

Qua khảo sát của PV tại các chợ Cầu Giấy, Thành Công... ở Hà Nội có thể thấy, hầu hết các mặt hàng thịt, cá, rau đều tăng, riêng giá thịt lợn tăng mạnh nhất. Cụ thể, giá thịt lợn đùi từ 100.000 đồng/kg được điều chỉnh tăng lên 110.000 đồng/kg (tăng 10%); sườn già 97.000 đồng/kg, tăng lên 110.000 đồng/kg (tăng 13,4%); thịt nạc dăm, vai, đùi tăng cao nhất, từ 112.000 đồng lên 128.000 đồng/kg (tăng 14,3%); thịt cốt lết tăng thấp nhất, từ 101.000 đồng/kg lên 107.000 đồng/kg (tăng 5,9%)… 

Trước đó, vào chiều muộn 11/11, Công ty CP Chăn nuôi C.P. Việt Nam đã tăng giá bán lợn hơi ra thị trường thêm 1.000 đồng/kg, lên mức 65.000 đồng/kg nhưng vẫn tiếp tục xuất hàng nhỏ giọt, thậm chí không có. Từ giá tham chiếu này, các trang trại nhỏ đã đẩy giá bán heo tại chỗ lên mức 68.000 - 70.000 đồng/kg. Theo báo cáo của Trung tâm Thông tin Công nghiệp và Thương mại (Bộ Công Thương), giá lợn hơi tiếp tục tăng mạnh trên cả nước, một số tỉnh phía Bắc xác lập mức giá kỷ lục mới, đạt 70.000 - 71.000 đồng/kg. Trong đó, giá lợn hơi tại Thái Bình, Hưng Yên, Hà Nam chạm 71.000 đồng/kg; Thái Nguyên là 70.000 đồng/kg, Lạng Sơn có nơi từ 70.000 - 71.000 đồng/kg. Còn tại Hà Nội, giá lợn hơi đã tăng 4.000 đồng/kg lên 68.000 - 69.000 đồng/kg. Trong khi đó, tại các tỉnh phía Nam, mức tăng cũng dao động từ 1.000 - 4.000 đồng/kg, giá thịt lợn trong khoảng 55.000 - 62.000 đồng/kg.

5,7 triệu con lợn bị chết và tiêu hủy

 Theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tính đến thời điểm hiện tại, dịch tả lợn châu Phi đã khiến 5,7 triệu con lợn bị chết và tiêu hủy, bằng khoảng 8,5% tổng sản lượng với 3,85 triệu tấn thịt lợn. Cục Chăn nuôi (Bộ NN&PTNT) thừa nhận, khả năng xảy ra khủng hoảng thiếu thịt lợn vào cuối năm, ít nhất là trong ngắn hạn và cục bộ.

Trong bối cảnh dịch tả lợn châu Phi vẫn diễn biến phức tạp, người dân chưa thể tái đàn, tổng đàn thì ngày một giảm khiến nguồn cung vì thế càng eo hẹp. Nếu không có những tính toán để đưa ra phương án cụ thể thì chúng ta sẽ phải đối diện với nguy cơ thiếu thịt lợn để đáp ứng nhu cầu của thị trường đang dần hiện hữu. Ông Nguyễn Xuân Dương - Quyền Cục trưởng Cục Chăn nuôi cho biết, giá lợn tăng lên nhanh thời gian qua cho thấy lượng lợn cung ứng ra thị trường giảm mạnh. Nhiều khả năng sẽ xảy ra thiếu thịt lợn vào cuối năm, nhưng các nguồn thịt thay thế như gà, vịt, trâu, bò lại tăng trưởng tốt và nguồn cung cấp dồi dào sẽ thay thế. Theo các chuyên gia, ngoài lý do nguồn cung giảm vì bị tác động của dịch tả lợn châu Phi nhiều khả năng một lượng lớn lợn thịt được xuất sang Trung Quốc đã góp phần đẩy giá lợn hơi trong nước tăng bất thường. Bên cạnh đó, các thương lái phải mua lại của các đại lý với giá “cắt cổ” vì rất ít có khả năng mua trực tiếp của dân. Nguyên nhân là do các “đầu nậu cấp 1, 2” đã tỏa đi “vét” hết lợn đủ tuổi xuất chuồng.

Kịch bản thiếu thực phẩm có xảy ra?

Trong phiên chất vấn tại Quốc hội sáng 6/11, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường đã nhận được nhiều câu hỏi của đại biểu liên quan đến diễn biến dịch tả lợn châu Phi, và đặc biệt là quan ngại về nguồn cung thịt lợn cho cuối năm nay. Theo Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường, việc giá lợn tăng cao thì người dân phải tạm thời chấp nhận vì trong tình cảnh hiện nay để đảm bảo đàn lợn sạch người sản xuất phải sử dụng các biện pháp bảo vệ môi trường. Chi phí sản xuất cao hơn trước đẩy giá thịt lên cao. “Chúng ta đảm bảo cân đối, không bị khủng hoảng thiếu thực phẩm như Trung Quốc”, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường nhấn mạnh.

Để đảm bảo nguồn cung thực phẩm, từ giờ đến cuối năm, đại diện Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết cơ quan này đã phát triển các mặt hàng khác như thịt bò, trứng thịt gà… để thay thế một phần nguồn cung thịt lợn thiếu hụt. Thay vì phát triển chăn nuôi lợn như mọi năm, thời điểm này, các doanh nghiệp và hộ dân chú trọng tăng tổng đàn gia cầm, gia súc để thay thế cho nguồn cung thịt lợn bị giảm sút. Theo chỉ đạo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các địa phương sẽ tăng trưởng đàn gia cầm lên 13% so với trước, hiện mức tăng này đã đạt khoảng 8%. Các trang trại gà trứng, gà thịt tại Bình Dương, Long An, Đồng Nai... cũng tăng đàn để đáp ứng nhu cầu của thị trường. Tuy nhiên, chăn nuôi lợn vẫn chiếm tỷ trọng lớn trong ngành chăn nuôi và thịt lợn vẫn là sản phẩm chính trong bữa ăn của người tiêu dùng. Bởi vậy, theo Thứ trưởng Phùng Đức Tiến, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang khuyến khích các DN, hộ nông dân chăn nuôi theo chuỗi khép kín, chăn nuôi theo mô hình VietGap, an toàn sinh học.

Hiện nay, một số lượng lớn các trang trại lợn đã áp dụng chăn nuôi theo kiểu chuồng kín, có hệ thống cung cấp thức ăn, nước uống và hệ thống làm mát tự động tạo môi trường thuận lợi nhất để phát huy tối đa tiềm năng sinh học của giống, tạo năng suất và hiệu quả chăn nuôi cao nhất. Đặc biệt, một số trang trại chăn nuôi lợn được trang bị các thiết bị quản lý theo công nghệ quản lý trang trại trực tuyến (farm online)… bảo đảm đàn lợn được chăm sóc, sinh trưởng trong môi trường sạch, an toàn.

Theo Quyền Cục trưởng Cục Chăn nuôi Nguyễn Xuân Dương, từ nay đến cuối năm nếu làm tốt công tác tái đàn, ngăn chặn được dịch bệnh, đặc biệt là dịch tả lợn châu Phi, thì nhu cầu đáp ứng thịt lợn cho người tiêu dùng không quá căng thẳng. Cục Chăn nuôi đã yêu cầu các địa phương thống kê đàn lợn và hiện tại, thống kê đến ngày 31/8/2019, có 56 tỉnh, thành phố đã có báo cáo số liệu đàn lợn hiện là trên 22 triệu con và 2,7 triệu con nái. Dự kiến, với 7 tỉnh còn lại, tổng đàn lợn cả nước hiện có khoảng gần 25 triệu con. Với số lượng lợn nái khoảng 2,7 triệu con như hiện nay thì hoàn toàn có thể chủ động con giống cho tái đàn, cùng với hệ thống chăn nuôi an toàn sinh học, ngành chăn nuôi sẽ chủ động được nguồn thực phẩm cuối năm.

Bên cạnh phương án nhập khẩu thịt từ nước ngoài, phương án thu mua thịt lợn và cấp đông để chuẩn bị ứng phó với tình trạng thiếu hụt các tháng cuối năm cũng đã được đề xuất. Công ty CP Kỹ nghệ Súc sản Vissan dự trữ 3.600 tấn trong 45 ngày, và sẽ nhập khẩu thêm nếu có biến động lớn. Tổng Công ty Nông nghiệp Sài Gòn sẽ cho xuất chuồng lợn dưới tuổi, loại từ 80 – 100 kg/con... Tuy nhiên, khả năng cấp đông của các doanh nghiệp thu mua, giết, mổ, chế biến của Việt Nam còn rất hạn chế. Việc cấp đông thịt lợn trong thời gian dài, khối lượng lớn, sẽ gặp khó khăn về nguồn lực, cơ sở hạ tầng cũng như tài chính. Do đó, nhiệm vụ thiết yếu, căn cơ nhất của các cơ quan chức năng vẫn là phải kiểm soát, dập tắt dịch giúp người chăn nuôi yên tâm tái đàn, đảm bảo nguồn cung.