Khu du lịch sinh thái Thăng Long: Sau 15 năm vẫn “án binh bất động”
Cập nhật lúc: 18/04/2019, 14:24
Cập nhật lúc: 18/04/2019, 14:24
Dự án Khu du lịch sinh thái Thăng Long do Công ty CP XNK và XD Thăng Long (nay là Công ty CP Tập đoàn Đông Đô) là chủ đầu tư.
Theo đó, ngày 12/11/2003, UBND tỉnh Hà Tây (cũ) đã ban hành QĐ số 2367/QĐ-UB về việc thu hồi 162.139m2 đất (chủ yếu là đất cấy lúa 2 vụ) của 3 thôn (Xóm Đông, Thanh Trì và Quyết Hạ) tại xã Đông Sơn, huyện Chương Mỹ, giao cho công ty CP XNK và XD Thăng Long thuê 143.686m2, xây dựng Khu du lịch sinh thái Thăng Long.
Dự án được xây dựng với mục tiêu là điểm đến hấp dẫn góp phần thúc đẩy phát triển du lịch sinh thái, du lịch nghỉ dưỡng, tạo việc làm, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người dân Chương Mỹ và các vùng lân cận.
Thế nhưng, sau gần 15 năm được giao đất, đến nay Dự án Khu du lịch sinh thái Thăng Long vẫn “án binh bất động”, hàng trăm nghìn mét vuông đất cấy lúa của dân bị thu hồi rồi bỏ hoang phí, trong khi người dân phải “bỏ xứ” đi làm ăn xa vì không có đất canh tác.
Ông Nguyễn Minh Tuấn (Phó Bí thư Chi bộ kiêm Trưởng thôn thôn Đông, xã Đông Sơn, huyện Chương Mỹ) cho biết: “Từ 2003 thu hồi đất của dân, cũng hứa sẽ làm dự án để tạo công ăn việc làm cho dân, phát triển kinh tế. Nhưng hiện tại dự án vẫn treo từ 2003 đến nay, cũng chỉ trồng keo với thả cá. Dân ở đây đất ít, việc lấy đất làm dự án rồi bỏ hoang gây ảnh hưởng đến sản xuất rất nhiều. Nếu nhà nước thu hồi trả cho dân theo đất dịch vụ thì sẽ tạo công ăn việc làm cho nhiều nông dân”.
Đồng quan điểm, ông Trần Trọng Diệm (thôn Đông, xã Đông Sơn) chia sẻ: “Sau 3 năm đi vào hoạt động phải nộp thuế cho Nhà nước, thế nhưng từ ngày ấy đến bây giờ phần thuế chắc chắn là không có nộp cho Nhà nước, còn dự án cứ bỏ hoang suốt như thế. Dân ở đây mất đất không có công ăn việc làm. Nếu diện tích đất bị thu hồi còn lại thì đời sống của người dân sẽ có phần được nâng lên. Không có diện tích đất canh tác người ta lại bỏ đi làm công nhân, đi làm chỗ khác để kiếm sống”.
Có mặt thực tế tại Dự án Khu du lịch sinh thái Thăng Long, theo quan sát, dự án luôn trong tình trạng “kín cổng cao tường”, xung quanh được xây dựng tường bao kiên cố; bên trong dự án cây cối và cỏ mọc um tùm, nhiều diện tích mặt nước biến thành ao tù; một khu nhà điều hành dành cho bảo vệ và một số công trình tạm bợ xây dựng từ lâu đã xuống cấp. Theo một số người dân sinh sống quanh dự án hiện một số bảo vệ tại đây đã thầu lại một phần diện tích ao thả cá, còn một phần tận dụng nuôi gà.
Đặc biệt, theo quan sát của PV, trên phần đất của dự án xuất hiện một cây xăng dầu hoạt động ngay bên quốc lộ 6, có tên cửa hàng xăng dầu số 45 của Doanh nghiệp tư nhân Hoàng Long vận hành khai thác.
Liên quan đến dự án trên, trao đổi với phóng viên, ông Trịnh Xuân Bền, Chủ tịch UBND xã Đông Sơn cho biết: “Dự án này được UBND tỉnh Hà Tây (cũ) giao từ 2004, trong quá trình đơn vị tiếp nhận, thời gian triển khai hạ tầng theo dự án đơn vị mới triển khai được rất ít và giờ chưa thể hoạt động”.
Khi được hỏi về những chậm trễ trong quá trình thực hiện dự án ảnh hưởng như thế nào đối với địa phương, ông Bền cho rằng: “Ảnh hưởng tới địa phương không phải là không có, mục tiêu là phát triển kinh tế thu hút lao động, vì vậy việc chưa triển khai tác động đến tâm lý của người dân. Cũng đã có nhiều ý kiến đề nghị triển khai sớm để đưa vào sử dụng đúng mục đích phê duyệt. Tại các cuộc tiếp xúc cử chi của Huyện, Thành phố, người dân và UBND xã đã cùng có ý kiến nhưng vẫn không thấy sự phản hồi nào”.
“Chủ đầu tư chưa đưa ra nguyên nhân nào về việc chậm triển khai. Xã chỉ biết hiện Công ty CP Tập đoàn Đông Đô đang đề xuất với UBND TP. Hà Nội để xin chuyển đổi sang mục đích khác để tạo điều kiện cho đơn vị triển khai. Còn về việc đơn vị này không nộp thuế như người dân phản ánh thì xã không nắm được vì đơn vị nộp trực tiếp về cơ quan thuế”.
Về việc người dân phản ánh Công ty CP Tập đoàn Đông Đô còn “ngang nhiên” sử dụng đất dự án sai mục đích khi để kết hợp đầu tư xây dựng cây xăng không có trong phê duyệt dự án, ông Bền khẳng định: “Trong phê duyệt dự án không có cây xăng, nhưng khi mở cây xăng thì các cơ quan nhà nước, đặc biệt UBND thành phố cho phép, chắc chắn phải có cơ quan chức năng cho phép thì mới được xây dựng, việc cho phép xây dựng và xây dựng như thế nào là thẩm quyền của cấp trên chúng tôi không nắm được”.
Ở diễn biến khác được biết, Dự án Khu sinh thái Thăng Long đã từng bị UBND TP. Hà Nội “điểm mặt” tại các văn bản yêu cầu xử lý, khắc phục các dự án chậm triển khai trên địa bàn thành phố.
Như vậy sau gần 15 năm được phê duyệt, Dự án Khu du lịch sinh thái Thăng Long do Công ty CP Tập đoàn Đông Đô làm chủ đầu tư vẫn bị bỏ hoang phí. Trước sự việc trên, dư luận hoài nghi về năng lực tài chính và mục đích phía sau việc xây dựng dự án của chủ đầu tư Công ty CP Tập đoàn Đông Đô.
Đề nghị UBND thành phố Hà Nội, UBND huyện Chương Mỹ rà soát, kiểm tra quá trình thực hiện dự án của Công ty CP Tập đoàn Đông Đô để tránh lãng phí đất đai, ảnh hưởng tới cuộc sống sinh hoạt, sản xuất của người dân.
13:00, 18/04/2019
10:01, 07/04/2019
15:30, 05/04/2019