Không sốt, ho vẫn nhiễm Covid-19
Cập nhật lúc: 17/02/2020, 16:28
Cập nhật lúc: 17/02/2020, 16:28
Vậy cơ chế lây truyền của virus này ra sao và cách phòng tránh thế nào là điều nhiều người quan tâm.
Biểu hiện nhiều thể lâm sàng
Mới đây nhất, ca nhiễm thứ 16 tại Việt Nam là ông N.V.V. – bố của bệnh nhân N.T.D., công nhân trở về từ Vũ Hán, Trung Quốc. Bệnh nhân không có biểu hiện sốt, ho, khó thở. Khi ông thấy mệt mỏi thoáng qua, được cán bộ y tế ghi nhận, lấy mẫu xét nghiệm, kết quả dương tính với Covid-19. Trước đó, ca nhiễm thứ 13 cũng xác định dương tính Covid-19 mặc dù không có hiểu hiện bệnh, không ho, không sốt.
Con đường lây truyền của Covid-19
Theo ông Trần Đắc Phu, dựa trên những thông tin nhận được đến nay và trên kinh nghiệm đối với các virus Corona khác (như MERS-CoV và SARS-CoV), nhiều khả năng loại virus mới này lây lan chủ yếu qua tiếp xúc gần giữa người với người, qua đường hô hấp, trong trường hợp này là giọt bắn (ví dụ nó được tạo ra khi người nhiễm bệnh ho hoặc hắt hơi, hoặc trong một số quy trình chăm sóc y tế) và qua tiếp xúc với các bề mặt có chứa virus. Chẳng hạn, khi một người bị nhiễm bệnh và một người khác dùng chung cốc, ly có thể bị lây nhiễm.
Những thông tin này khiến nhiều người lo lắng người nhiễm Covid-19 có khả năng lây bệnh cho người khác ngay cả khi bản thân họ chưa phát lộ những triệu chứng. Xung quanh vấn đề này, GS.TS Nguyễn Văn Kính - nguyên giám đốc Bệnh viện Bệnh nhiệt đới T.Ư cho rằng, người lành mang trùng là điều không có gì lạ. Người nhiễm Covid-19 có biểu hiện nhiều thể lâm sàng, có thể không biểu hiện triệu chứng, có thể sốt nhẹ, ho nhẹ, rát họng. Thể điển hình nhất là biểu hiện sốt, ho, hắt hơi, chảy mũi, đau họng, khó thở, có viêm phổi sau chụp X-quang. Thể nặng, người bệnh xuất hiện phù phổi cấp, tổn thương phổi, suy hô hấp. Người có diễn biến nặng có thể xuất hiện biến chứng tổn thương gan, thận. Đến nay đáng mừng là đa phần các trường hợp nhiễm Covid-19 mới chỉ xuất hiện triệu chứng nhẹ như sốt nhẹ, ho, mệt mỏi, không viêm phổi và tự hồi phục sau khoảng 1 tuần.
Cũng theo các chuyên gia y tế, việc xác định thời gian người bị nhiễm virus truyền bệnh cho những người khác là hết sức quan trọng đối với những nỗ lực kiểm soát dịch bệnh. Bệnh án chi tiết của những người bị nhiễm bệnh có chứa những thông tin cần thiết giúp xác định thời gian lây nhiễm của loại virus mới này. Những báo cáo gần đây cho thấy những người bị nhiễm Covid-19 có thể lây bệnh sang cho những người khác ngay cả khi chưa có những triệu chứng rõ ràng. Mặc dù vậy, những dữ liệu hiện có chỉ ra rằng những người có triệu chứng mới là nguồn lây bệnh chính.
Cách ly 14 ngày là hết sức cần thiết
Để đảm bảo việc phòng chống dịch Covid-19, Bộ Y tế yêu cầu cách ly y tế trong vòng 14 ngày với những người có tiếp xúc gần với người mắc bệnh, người nghi ngờ, và những người về từ vùng dịch của Trung Quốc. Việc thực hiện cách ly là đặc biệt quan trọng trong công tác phòng dịch.
Hiện nay, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) và Trung tâm kiểm soát dịch bệnh Hoa Kỳ và nhiều nước trên thế giới đều áp dụng thời gian cách ly này. Việt Nam đã áp dụng cách ly y tế 14 ngày nghiêm ngặt để phòng bệnh Covid-19. Tất cả những người đi từ tỉnh Hồ Bắc (Trung Quốc) hoặc đi qua khu vực này dù chưa có biểu hiện nhiễm bệnh đều được coi là bệnh nhân. Những người này cùng với người nhà của họ đều phải cách ly tại các cơ sở cách ly tập trung. Người đi từ 31/31 vùng của Trung Quốc (trừ tỉnh Hồ Bắc) phải cách ly y tế tại nhà, tại nơi lưu trú, đảm bảo cách ly nghiêm ngặt, không cho ra khỏi nhà và nơi lưu trú để tránh lây lan ra cộng đồng.
Phân biệt cảm cúm thông thường với Covid-19
Theo các chuyên gia dịch tễ, những người bị nhiễm virus Covid-19, bị cảm cúm hay cảm lạnh thường đều có những triệu chứng hô hấp như sốt, ho và sổ mũi. Mặc dù có nhiều triệu chứng giống nhau nhưng chúng lại do các loại virus khác nhau gây ra. Chính do sự giống nhau này nên rất khó để có thể chẩn đoán bệnh nếu chỉ dựa vào các triệu chứng. Vì vậy, để xác định các ca nhiễm Covid-19, cần đến các xét nghiệm trong phòng thí nghiệm.
WHO khuyến cáo những người bị ho dai dẳng, sốt và cảm thấy khó thở nên đi khám sớm. Đặc biệt, hãy kể cho nhân viên y tế biết nếu bệnh nhân có đi tới Hồ Bắc trong vòng 14 ngày trước khi các triệu chứng xuất hiện, hoặc có tiếp xúc gần với những người đi về từ các vùng dịch của Trung Quốc.
Trước đó, Bộ Y tế đã ban hành Quyết định số 344/QĐ-BYT ngày 7/2/2020 Hướng dẫn cách ly y tế tại cơ sở cách ly tập trung và Quyết định số 345/QĐ-BYT ngày 7/2/2020 hướng dẫn cách ly y tế tại nhà, nơi lưu trú hướng dẫn chi tiết về đối tượng cách ly, thời gian cách ly, việc thực hiện cách ly.
Những ngày qua, dư luận xôn xao khi một nhóm chuyên gia Trung Quốc công bố thông tin không loại trừ khả năng virus Covid-19 có thời gian ủ bệnh cá biệt lên đến 24 ngày sau khi nghiên cứu bệnh án của 1.099 bệnh nhân được chẩn đoán ở nhiều nơi.
Về thông tin này, PGS.TS Trần Đắc Phu - nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, cố vấn của Trung tâm đáp ứng dịch khẩn cấp (Bộ Y tế), cho biết Covid-19 mới gây ra dịch viêm phổi cấp có đặc tính giống virus SARS tới 90%. Cho đến nay, thời gian ủ bệnh của Covid-19 có thể kéo dài tới 14 ngày. Virus này còn có thể lây nhiễm ngay trong thời gian ủ bệnh, khi người mang mầm bệnh chưa có triệu chứng gì vẫn có thể truyền bệnh. Ông Phu cho biết, tại Trung Quốc cũng có một số công trình nghiên cứu cho rằng thời gian ủ bệnh của Covid-19 có thể kéo dài hơn. Tuy nhiên, cho đến nay những thông tin đó vẫn chỉ là nghiên cứu mang tính đơn lẻ, cá nhân. Hiện nay, Việt Nam vẫn tuân thủ theo những khuyến cáo của WHO là nguồn thông tin chính thống.
Cách phòng bệnh
GS.TS Nguyễn Văn Kính cho biết thêm, miền Bắc đang trong tiết trời thuận lợi của virus phát triển, nguy cơ dịch bệnh lây lan mạnh. Cách phòng bệnh chủ yếu là ngăn ngừa nguồn lây thông qua việc vệ sinh bề mặt, thường xuyên rửa tay, ngăn giọt bắn bằng khẩu trang y tế khi tiếp xúc, chăm sóc người nhiễm hoặc nghi ngờ nhiễm Covid-19, khi chăm sóc hoặc có tiếp xúc gần với người có triệu chứng mắc bệnh đường hô hấp như ho, khó thở, chảy nước mũi. Khi đến chỗ đông người, trên phương tiện giao thông công cộng… có thể đeo khẩu trang vải.
Ngoài ra, mọi người cần bảo đảm chế độ ăn uống cân bằng, ngủ đủ giấc nhằm tăng cường sức đề kháng và thực hiện các biện pháp phòng ngừa bệnh cúm thông thường. Về vấn đề điều trị, Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh, Bộ Y tế Lương Ngọc Khuê cho biết, đến nay, chưa có một loại thuốc nào được khuyến nghị sử dụng trong việc phòng ngừa và điều trị Covid-19. Những người nhiễm Covid-19 sẽ được điều trị triệu chứng, và những trường hợp nặng sẽ được điều trị hỗ trợ tối ưu. Một số phương pháp điều trị đặc hiệu hiện đang được nghiên cứu và sẽ được thử nghiệm trên lâm sàng. WHO đang điều phối những nỗ lực phát triển thuốc điều trị đặc hiệu Covid-19 cùng với một số đối tác.
Trong bất kì trường hợp nào, nếu bệnh nhân bị sốt, ho kéo dài và cảm thấy khó thở, hãy đi khám để giảm thiểu nguy cơ bệnh trở nên nặng hơn và kể cho nhân viên y tế biết bạn đã đi những đâu trong thời gian gần đây.
13:34, 17/02/2020
11:59, 17/02/2020
09:00, 17/02/2020