19/01/2025 | 09:26 GMT+7, Hà Nội

Không nhất thiết cách ly với tất cả sinh viên đến từ Vĩnh Phúc

Cập nhật lúc: 13/02/2020, 15:46

Chiều 12-2, tại Hội nghị trực tuyến Ban chỉ đạo Phòng, chống dịch viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của vi-rút Corona (Covid-19) gây ra, đại diện các quận, huyện đều xin ý kiến về việc thực hiện cách ly, giám sát...

Chiều 12-2, tại Hội nghị trực tuyến Ban chỉ đạo Phòng, chống dịch viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của vi-rút Corona (Covid-19) gây ra, đại diện các quận, huyện đều xin ý kiến về việc thực hiện cách ly, giám sát đối với những sinh viên đến từ Vĩnh Phúc.

Theo đại diện quận Bắc Từ Liêm, trên địa bàn có 62 sinh viên là người Vĩnh Phúc học ở các trường Cao đẳng, Đại học trên địa bàn. Hiện còn một số trường chưa chấp hành chỉ đạo cho sinh viên nghỉ học. Quận đã phối hợp cho những sinh viên này nghỉ học và cách ly những sinh viên tạm trú trên địa bàn.

Tuy nhiên, khó khăn trong việc cách ly sinh viên là các phường giao cho chủ tịch phường, tổ trưởng tổ dân phố giám sát đo nhiệt kế 2 lần/ngày nhưng sinh viên tạm trú ở nhà hộ dân nên vẫn ra ngoài tiếp xúc, mua sắm, đi chợ. Phường đứng ra vận động chủ nhà đứng ra mua giúp đỡ cho các sinh viên nên khá khó khăn.

Quận Nam Từ Liêm cũng tiến hành giám sát cách ly 127 người Trung Quốc. Tới đây lượng sinh viên là người Trung Quốc đến học tại các trường trên địa bàn quận là 440 người sẽ khó khăn trong cách ly, vì vậy quận xin ý kiến TP về biện pháp quản lý số sinh viên này. Với 11 sinh viên người Vĩnh Phúc, quận đã tiến hành làm việc để cách ly và mong muốn TP quan tâm cách ly theo dõi.

Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung phát biểu kết luận tại Hội nghị (ảnh P.C)

Tại huyện Chương Mỹ đã thực hiện giám sát, kiểm tra sức khỏe, cách ly theo quy định những trường hợp đến từ vùng dịch, tiếp xúc gần, nghi nhiễm. Đặc biệt, khi thành viên ban chỉ đạo phòng dịch phát hiện 1 cháu bé ở huyện Bình Xuyên, Vĩnh Phúc dược gửi về nhà họ hàng để tránh dịch nên đã quyết định cách ly ngay.

Đại diện huyện Chương Mỹ đề nghị cho các sinh viên quê ở Vĩnh Phúc cũng như sinh viên ở các tỉnh biên giới giáp Trung Quốc đang theo học tại Trường ĐH Sư phạm Thể dục thể thao được nghỉ học tiếp.

Sau khi nghe những ý kiến của các quận, huyện, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Ngô Văn Quý, Phó trưởng Ban Thường trực Ban chỉ đạo Phòng chống dịch Covid-19 TP Hà Nội cho biết:

"Với những sinh viên Bình Xuyên, Vĩnh Phúc xuống Hà Nội học, TP đã xin ý kiến Bộ Y tế nhưng vẫn chưa có hướng dẫn. Vì vậy, chúng ta cần tiếp tục cách ly theo dõi. Đồng thời, ngày mai (13-2) Bộ Y tế sẽ có hướng dẫn chi tiết về tuyên truyền phòng chống dịch cho học sinh tại trường học: Giáo viên, học sinh có cần thiết đeo khẩu trang hay không? vệ sinh, rửa tay như thể nào… Còn trong tuần này tiếp tục thực hiện theo chỉ đạo trước đó".

Kết luận tại Hội nghị, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung, Trưởng Ban chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 TP Hà Nội nhấn mạnh: Theo chỉ đạo của Trung ương thì nhấn mạnh tuyên truyền vận động là chính nhưng không kỳ thị với người nước ngoài cũng như với sinh viên ở các tỉnh biên giới lân cận hay ở vùng dịch vì phải xem họ có đi nước ngoài không? có tiếp xúc với người bệnh không?

Ngay cả với sinh viên ở Bình Xuyên, Vĩnh Phúc cũng phải điều tra xem họ có tiếp xúc hay không. Những công nhân này tiếp xúc lây nhiễm chéo.

“TP giao Sở Y tế phối hợp tỉnh Vĩnh Phúc lấy danh sách chứ không đến nỗi cách ly hết những người ở Vĩnh Phúc vì những công nhân này đã được cách ly từ trước tết. Tuyên truyền nên hỏi họ có tiếp xúc với nhóm người này không chứ không nhất thiết sinh viên Vĩnh Phúc và Bình Xuyên đến đều bị cách ly. Tình hình không đến mức ấy vì chúng ta mới phát hiện ở Vĩnh Phúc, TP Hồ Chí Minh và Khánh Hòa”, Chủ tịch Nguyễn Đức Chung phân tích.

Chủ tịch UBND TP Hà Nội cũng khẳng định, các trường hợp nghi ngờ ở Hà Nội có cả cúm mùa, cả bệnh tật người già. Các dấu hiệu ban đầu sốt, ho nhưng đều âm tính chứ chưa phát hiện lây nhiễm chéo do đi du lịch từ Trung Quốc về.

Theo Trưởng Ban chỉ đạo phòng dịch Covid-19 TP Hà Nội, với những người cách ly giải pháp chính vẫn là tuyên truyền để họ nhận thức được là họ cách ly bảo vệ cho chính họ và người thân. Họ phải có trách nhiệm với cộng đồng. Vậy nên, tuyên truyền là chính còn thực hiện các giải pháp nhẹ nhàng nhưng hiệu quả chứ không quá đến mức phải cưỡng chế khiến họ có cảm giác cộng đồng kỳ thị, vì đây chỉ là phòng.

Chủ tịch Nguyễn Đức Chung đề nghị Sở Y tế, các báo đài tuyên truyền theo tên gọi chính thức là Covid-19. Đồng thời, tiếp tục tuyên truyền 5 biện pháp phòng chống bệnh như Bộ Y tế khuyến cáo.