18/01/2025 | 18:12 GMT+7, Hà Nội

Không lợi dụng thiên tai, dịch bệnh để vi phạm pháp luật bảo vệ quyền lợi NTD

Cập nhật lúc: 08/02/2020, 08:00

Cục Cạnh tranh và bảo vệ người tiêu dùng (Bộ Công Thương) đưa ra khuyến cáo để giúp doanh nghiệp tuân thủ đúng pháp luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong bối cảnh dịch bệnh do virus corona đang diễn biến phức tạp.

Trong bối cảnh cả nước đang chống dịch do virus corona, Cục Cạnh tranh và bảo vệ người tiêu dùng (Bộ Công Thương) thông tin cơ quan này đã nhận được các khiếu nại của người tiêu dùng phản ánh về hiện tượng một số cá nhân, tổ chức lợi dụng hoàn cảnh khó khăn, dịch bệnh để trục lợi, bán hàng trôi nổi, không rõ nguồn gốc xuất xứ, không bảo đảm chất lượng, tăng giá bán cho người tiêu dùng.

Cơ quan chức năng phát hiện lượng lớn khẩu trang và găng tay cao su y tế không hóa đơn, giấy tờ. Ảnh: Dms.gov.vn

Để giúp doanh nghiệp tuân thủ đúng pháp luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, Cục CT&BVNTD đã khuyến cáo một số trách nhiệm có liên quan của doanh nghiệp như không cung cấp thông tin lừa dối hoặc gây nhầm lẫn cho người tiêu dùng thông qua hoạt động quảng cáo hoặc che giấu, cung cấp thông tin không đầy đủ, sai lệch, không chính xác về hàng hóa, dịch vụ; Không lợi dụng hoàn cảnh khó khăn của người tiêu dùng hoặc lợi dụng dịch bệnh để ép buộc giao dịch với người tiêu dùng; Không lợi dụng hoàn cảnh khó khăn của người tiêu dùng hoặc lợi dụng thiên tai, dịch bệnh để cung cấp hàng hóa, dịch vụ không bảo đảm chất lượng gây thiệt hại đến tính mạng, sức khoẻ, tài sản của người tiêu dùng.

Bên cạnh đó, Cục CT&BVNTD khuyến cáo người tiêu dùng cũng cần nâng cao nhận thức của mình để vừa bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình cũng như góp phần bảo đảm sự an toàn, ổn định của xã hội. Theo đó, người tiêu dùng cần hết sức lưu ý thường xuyên cập nhật, tìm hiểu các thông tin chính thức và thực hiện theo các yêu cầu, khuyến cáo, khuyến nghị của các cơ quan, tổ chức có thẩm quyền để đảm bảo sức khỏe và có các quyết định tiêu dùng phù hợp.

Ngoài ra người tiêu dùng cần kiên quyết đấu tranh với các hành vi kinh doanh sai trái, không hợp tác với các tổ chức, cá nhân kinh doanh vi phạm những hành vi nói trên, nhanh chóng tố cáo về các hành vi có dấu hiệu vi phạm đến các cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

Theo báo cáo của Tổng cục quản lý thị trường, chỉ trong ngày 07/02/2020, lực lượng Quản lý thị trường đã kiểm tra, giám sát 242 kinh doanh thiết bị y tế, các hiệu thuốc trên địa bàn cả nước. Qua đó, phát hiện và xử lý 63 đơn vị vi phạm.; Thu nộp ngân sách nhà nước 82 triệu đồng, đồng thời tạm giữ 370.790 khẩu trang các loại.

Tính chung từ ngày 31/01 đến ngày 07/02/2020, lực lượng quản lý thị trường trên cả nước đã kiểm tra, giám sát, xử lý 3.206 vụ vi phạm đối với mặt hàng khẩu trang và nước sát trùng, sát khuẩn trên địa bàn cả nước.