18/01/2025 | 19:54 GMT+7, Hà Nội

Không ghi nhận thêm ca mắc mới Covid-19, người dân không được chủ quan

Cập nhật lúc: 22/04/2020, 14:01

Việt Nam đã có 4 ngày liên tiếp không ghi nhận ca mắc mới Covid-19. Tuy nhiên, dịch bệnh chắc chắn còn kéo dài, dù sẽ có từng nơi, từng thời điểm lắng xuống, nhưng chỉ tới khi nào có thuốc đặc trị hoặc có vắc-xin...

Kinh nghiệm của Việt Nam

Trong khi diễn biến dịch bệnh của các nước châu Âu phức tạp với số ca mắc chưa có điểm dừng, số ca tử vong gia tăng nhanh chóng; tại các quốc gia Đông Nam Á, số ca mắc cũng tăng nhanh chóng với số tử vong không hề nhỏ thì ở Việt Nam trong 4 ngày liên tục không ghi nhận ca mắc mới Covid-19.   

Tại cuộc họp của các Bộ trưởng Y tế trong nhóm G20 họp từ 19g đến 23g ngày 19-4 (giờ Việt Nam) để thảo luận về tác động của Covid-19 đối với sức khỏe toàn cầu, Thứ trưởng Bộ Y tế Trương Quốc Cường đã chia sẻ những kinh nghiệm của Việt Nam trong ứng phó với đại dịch Covid-19.

Theo Thứ trưởng Trương Quốc Cường, Ban chỉ đạo Quốc gia Phòng, chống dịch Covid-19 của Việt Nam đã được thành lập từ rất sớm với cam kết cao của toàn thể hệ thống chính trị, Chính phủ lẫn người dân, kêu gọi tinh thần đoàn kết của người dân với phương châm “chống dịch như chống giặc”.

Việt Nam đã áp dụng chiến lược “chủ động ngăn chặn-phát hiện sớm-cách ly kịp thời-khoanh vùng gọn-dập dịch triệt để-điều trị khỏi bệnh”, với sự tham gia của các địa phương và huy động mọi nguồn lực tại chỗ. Việt Nam đã sớm áp dụng các biện pháp ngăn chặn các ca lây nhiễm từ nước ngoài và đảm bảo hiệu quả việc cách ly, ngăn chặn các ca lây nhiễm trong nước.

Các biện pháp ngăn chặn dịch Covid-19 bao gồm: Cách ly sớm các ca nghi nhiễm, xét nghiệm trên số lượng lớn những người từ tâm dịch hay những vùng bị ảnh hưởng, thực hiện giãn cách xã hội; phối hợp với các đối tác thuộc nhiều lĩnh vực nhằm cải thiện việc xét nghiệm, nghiên cứu, điều tra và chữa trị với hiệu quả cao nhất từ nguồn lực hạn chế; ứng dụng theo dõi sức khỏe cập nhật tình hình dịch bệnh và cung cấp các ca nghi nhiễm gần khu vực sinh sống của người dân, giúp ngành y tế phát hiện những cá nhân cần trợ giúp y tế một cách nhanh nhất và hiệu quả nhất, và kênh chính thức để tư vấn sức khỏe, phòng chống dịch bệnh Covid-19 cho người dân.

Dịch bệnh sẽ kéo dài đến khi nào có thuốc chữa hoặc vắc-xin, vì vậy mọi người dân không nên chủ quan, phải học cách chung sống an toàn, duy trì giãn cách xã hội tốt. (Ảnh: Khánh Huy)

Chung sống an toàn, tuyệt đối không chủ quan

Tại cuộc họp trực tuyến của Ban Chỉ đạo Quốc gia Phòng, chống dịch Covid-19, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam nhấn mạnh: Dịch bệnh chắc chắn còn kéo dài, dù sẽ có từng nơi, từng thời điểm lắng xuống, nhưng chỉ tới khi nào có thuốc đặc trị hoặc có vắc-xin thì mới có thể coi là cơ bản hết dịch được. Vì dịch còn dài nên chúng ta phải xác định chung sống nhưng nhất thiết phải an toàn. Có an toàn mới phát triển được, nhưng tuyệt đối không được chủ quan.

Muốn chung sống an toàn chúng ta phải hiểu được về dịch bệnh này, sự nguy hiểm của nó và cơ chế lây lan, từ đó quán triệt thực hiện thật tốt tất cả các quy định, hướng dẫn liên quan đến cơ chế lây lan của virus SARS-CoV-2 như: Đeo khẩu trang khi ra khỏi nhà; giữ khoảng cách; rửa tay thường xuyên; không tập trung đông người…

Các cơ sở y tế phải quán triệt tinh thần coi người đến khám là người có nguy cơ lây nhiễm (F1) để có giải pháp đảm bảo an toàn cho người khám, người tới khám và tất cả mọi bệnh nhân, nhân viên trong cơ sở y tế.

Hạn chế ra ngoài, đi lại khi không thật sự cần thiết nhưng khi cần thiết thì đi lại phải an toàn. Cần có quy định thật cụ thể khi sử dụng phương tiện giao thông công cộng từ máy bay, tàu hỏa, tàu thủy, xe khách tới taxi, xe ôm. Ví dụ taxi và kể cả xe ôm thì khẩu trang như thế nào, xịt tay khi lên, xuống xe như thế nào…

Trong sản xuất, kinh doanh an toàn từ nhà máy, xí nghiệp lớn tới các tổ hợp tác, các cơ sở sản xuất kinh doanh gia đình, nhỏ lẻ, lao động tự do đều phải có các hướng dẫn rất cụ thể ở từng địa phương. Đặc biệt đối với các hộ kinh doanh cá thể, người hành nghề tự do cần có quy định hướng dẫn kể cả khi cầm tiền, thanh toán… như thế nào cho an toàn.

Cùng đó, hoạt động của các cơ quan công quyền an toàn. Việc tổ chức các sự kiện cần có nhiều người tham gia phải có phương án thật chi tiết đảm bảo đúng các hướng dẫn về phòng dịch.

Đối với các hoạt động bắt buộc phải làm như hiếu, hỉ cần tuân thủ quy định về số người tham gia cùng các biện pháp đảm bảo an toàn. Các cơ sở lưu trú không chỉ phải đáp ứng các yêu cầu về y tế thuần túy mà cả các yêu cầu về khai báo lưu trú… đáp ứng yêu cầu chống dịch.

 “Tinh thần chung là chúng ta phải chung sống an toàn trên từng lĩnh vực, từng ngõ ngách, từng cấp độ nhưng tuyệt đối không chủ quan” - Phó Thủ tướng nhấn mạnh.