19/01/2025 | 19:34 GMT+7, Hà Nội

Không để thiếu điện cho sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng

Cập nhật lúc: 21/05/2023, 09:15

Trước tình hình nắng nóng gay gắt, Thủ tướng chỉ đạo các bộ, ngành cần có giải pháp quan trọng trước mắt với yêu cầu từ nay tới ngày 25/5, không để thiếu điện cho sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng.

Thủ tướng Phạm Minh Chính: Không để thiếu điện cho sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng. Ảnh: TTXVN
Thủ tướng Phạm Minh Chính: Không để thiếu điện cho sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng. Ảnh: TTXVN

5 nhiệm vụ cơ bản không để thiếu điện

Theo ý kiến một số chuyên gia ngành điện, việc cung ứng điện có thể thiếu hụt cục bộ và ngắn hạn từ nay tới ngày 25/5, nguyên nhân là do nắng nóng gay gắt khiến nhu cầu sử dụng điện tăng cao và đợt khô hạn khiến lượng nước tại các hồ thủy điện giảm, trong khi việc nhập khẩu than từ Indonesia bị chậm, không đáp ứng yêu cầu của các nhà máy nhiệt điện. Còn tổng công suất các nguồn điện của hệ thống điện quốc gia hoàn toàn có thể đáp ứng tổng nhu cầu, không thiếu hụt trong dài hạn.

Vừa qua, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì cuộc họp Thường trực Chính phủ với các bộ, ngành về các giải pháp trước mắt để bảo đảm nhu cầu điện cho sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng. Thủ tướng chỉ đạo các giải pháp trước mắt với yêu cầu từ nay tới ngày 25/5, không để thiếu điện cho sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng.

Theo đó, Tập đoàn Than - Khoáng sản Việt Nam và Tổng Cty Đông Bắc cung cấp đầy đủ than cho các nhà máy nhiệt điện sử dụng than trong nước, cần bao nhiêu thì cung cấp bấy nhiêu. Các nhà máy điện sử dụng than nhập khẩu triển khai các biện pháp như vay, mượn, mua lại, ứng trước… than của các nhà máy khác. Khai thác tối đa nguồn thủy điện cho đến thời điểm phù hợp. Tập đoàn Dầu khí quốc gia bảo đảm cung cấp khí, dầu cho các nhà máy nhiệt điện chạy khí và dầu.

Bên cạnh đó, tiến hành đàm phán theo giá tạm tính với các dự án điện gió, điện mặt trời đã hoàn thành đầu tư xây dựng và có thể phát điện ngay lên hệ thống điện quốc gia. Thủ tướng giao Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà tiếp tục chỉ đạo các công việc tiếp theo; các cơ quan liên quan như Bộ Công Thương, Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước… tiếp tục triển khai các công việc thuộc thẩm quyền. Thứ trưởng Bộ Công Thương Đặng Hoàng An trực tiếp chỉ đạo, hướng dẫn Tập đoàn Điện lực Việt Nam triển khai các giải pháp về vận hành hệ thống điện quốc gia, bảo đảm cung ứng điện, không để xảy ra thiếu điện.

Đẩy nhanh tiến độ đàm phán để huy động nguồn năng lượng tái tạo

Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên yêu cầu EVN tập trung mọi nỗ lực trong vận hành hệ thống điện, có giải pháp cấp bách trong bất cứ hoàn cảnh nào. Trong đó cần đẩy mạnh việc giải tỏa công suất và tính sẵn sàng của các nhà máy điện, khẩn trương khắc phục các sự cố nguồn điện, lưới điện. Tiết kiệm mọi chi phí để phục vụ nhu cầu nhiên liệu sơ cấp phục vụ cho các nhà máy điện.

Bộ trưởng cũng chỉ đạo EVN khẩn trương đàm phán và huy động các nhà máy điện đã sẵn sàng phát điện. “Đẩy nhanh tiến độ đàm phán để huy động nguồn năng lượng tái tạo chuyển tiếp đối với các DN đã đủ điều kiện thời gian qua, đồng thời, đẩy nhanh việc mua bán điện với các dự án nhập khẩu điện đã ký kết". Đã có 16 nhà đầu tư đề xuất về việc áp dụng mức giá tạm trong thời gian đàm phán.

Trong đó, đã có 6 nhà máy điện đã họp và thống nhất mức giá điện tạm thời với EVN. 6 nhà máy này gồm: Nhà máy điện gió Nam Bình 1, điện gió Viên An, điện gió Hưng Hải Gia Lai, điện gió mặt trời Phù Mỹ 1, điện mặt trời Phù Mỹ 3 và điện gió Hanbaram. Ông Trần Việt Hòa, Cục trưởng Cục điều tiết Điện lực (Bộ Công Thương) cho biết, đã có 6 nhà máy thống nhất với Tập đoàn Điện lực EVN về mức giá mua điện tạm thời bằng 50% giá điện khung của Quyết định số 21/QĐ-BCT.

Hiện quyết định này của Bộ Công Thương quy định mức trần của khung giá đối với nhà máy điện mặt trời mặt đất là 1.184,90 đồng/kWh; nhà máy điện mặt trời nổi có giá 1.508,27 đồng/kWh; nhà máy điện gió trong đất liền có giá 1.587,12 đồng /kWh; nhà máy điện gió trên biển có giá 1.815,95 đồng/kWh. Tổng công suất của 6 nhà máy nói trên chưa vận hành thương mại (COD) là 357,5 MW, chiếm tỷ lệ 7,6%.

Để kịp thời khắc phục tình trạng này, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà yêu cầu Bộ Công Thương khẩn trương sửa đổi, bổ sung Thông tư số 15/2022/TT-BCT ngày 3.10.2022, Quyết định số 21/QĐ-BCT ngày 7/1/2023 theo đúng quy trình, thủ tục và quy định. Trong thời gian chưa có quy định cụ thể về phương pháp định giá, đàm phán giá và có văn bản hướng dẫn cụ thể về phương pháp tính và đàm phán giá điện đối với điện gió, điện mặt trời.

Đồng thời, Bộ Công Thương chỉ đạo các cơ quan đẩy nhanh tiến độ cấp giấy phép hoạt động điện lực đối với các dự án đã hoàn thành. Theo quy định của Luật Điện lực, dự án điện chỉ được đưa vào khai thác khi đã được cấp giấy phép hoạt động điện lực. Tuy nhiên, theo hồ sơ nhà đầu tư gửi, mới chỉ có 13/85 nhà máy năng lượng chuyển tiếp (chiếm khoảng 15%) đã được Bộ Công Thương cấp giấy phép hoạt động điện lực. Trong 85 nhà máy chuyển tiếp, có 77 nhà máy với tổng công suất 4.185,4 MW, 8 nhà máy có tổng công suất 506,66 MW.

Đối với các dự án đã hoàn thành công tác đầu tư xây dựng, hoàn tất hồ sơ pháp lý theo quy định, Bộ Công Thương khẩn trương có văn bản trước ngày 20/5/2023 chỉ đạo EVN đàm phán với các chủ đầu tư với mức giá tạm thời và cho vận hành phát điện lên lưới điện. Sau khi đàm phán xong, thống nhất giá thì sẽ được thanh quyết toán theo giá chính thức kể từ ngày phát lên lưới điện. Với dự án chưa đủ điều kiện vận hành, còn vướng mắc về thủ tục pháp lý, Bộ Công Thương và các địa phương nơi có dự án điện chuyển tiếp khẩn trương hướng dẫn DN hoàn tất thủ tục hồ sơ theo quy định...
Bộ Kế hoạch và Đầu tư khẩn trương có văn bản trước ngày 25/5/2023 hướng dẫn các UBND các tỉnh, TP thực hiện việc xem xét, quyết định điều chỉnh chủ trương đầu tư đối với các dự án chuyển tiếp có thời gian thực hiện quá 24 tháng so với thời hạn được quy định tại giấy chấp thuận chủ trương đầu tư lần đầu theo đúng quy định.

Bộ Công Thương phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Tài nguyên và Môi trường và các địa phương tính toán, đề xuất vận hành linh hoạt các hồ chứa thủy điện lớn gửi Bộ Tài nguyên và Môi trường thẩm định, trình cấp thẩm quyền xem xét, quyết định nhằm khai thác hiệu quả, tiết kiệm nguồn nước. Thống nhất kế hoạch điều tiết nước các hồ chứa thủy điện để bảo đảm cân đối nguồn nước phục vụ sinh hoạt và sản xuất phù hợp, bổ sung nước phòng, chống hạn hán, thiếu nước cho hạ du với ưu tiên trước hết phải bảo đảm nguồn nước phục vụ sinh hoạt, bảo đảm sức khỏe của nhân dân, sau đó là phục vụ các nhu cầu thiết yếu khác.

Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên yêu cầu các đơn vị phải nghiêm túc thực hiện kế hoạch cung cấp điện và cung cấp than phục vụ cho phát điện “Mục tiêu cao nhất là đảm bảo cung cấp điện cho đất nước. Bằng mọi cách không được để thiếu than, thiếu nhiên liệu phục vụ cho sản xuất điện”. Cùng với việc tích cực, chủ động khắc phục các nguyên nhân khách quan do thời tiết, khí hậu, Bộ trưởng lưu ý: Các đơn vị phải nghiêm túc thực hiện các giải pháp điều hành hiệu quả. Lãnh đạo Bộ sẽ nghiêm túc xem xét, xử lý các cá nhân, tổ chức thiếu trách nhiệm nếu để xảy ra thiếu điện do nguyên nhân chủ quan.

Nguồn: https://phapluatxahoi.kinhtedothi.vn/khong-de-thieu-dien-cho-san-xuat-kinh-doanh-va-tieu-dung-336702.html