19/01/2025 | 10:36 GMT+7, Hà Nội

Không chủ quan với những đốm lửa nhỏ

Cập nhật lúc: 03/07/2020, 19:12

Mặc dù số vụ cháy có nguyên nhân từ bất cẩn do sử dụng nguồn lửa, nguồn nhiệt trên địa bàn Hà Nội trong 6 tháng đầu năm 2020 giảm 1/3 so với cùng kỳ năm 2019, tuy nhiên không thể lơ là, chủ quan khi nguy cơ cháy...

Mặc dù số vụ cháy có nguyên nhân từ bất cẩn do sử dụng nguồn lửa, nguồn nhiệt trên địa bàn Hà Nội trong 6 tháng đầu năm 2020 giảm 1/3 so với cùng kỳ năm 2019, tuy nhiên không thể lơ là, chủ quan khi nguy cơ cháy vẫn tiềm ẩn, nhất là khi thời tiết nắng nóng kéo dài. Tập trung phòng ngừa từ cơ sở, nâng cao ý thức người dân là biện pháp cần thiết để ngăn ngừa những đốm lửa nhỏ có thể bùng phát thành đám cháy lớn.

Tập huấn công tác phòng cháy, chữa cháy cho người dân tại khu tổ hợp căn hộ TNR Goldmark City (quận Bắc Từ Liêm).

Nguy cơ luôn tiềm ẩn

Tối 24-6 vừa qua, đền Quan Tam Lâm Du (phường Bồ Đề, quận Long Biên) bất ngờ bốc cháy khiến gần như toàn bộ hiện vật, hạng mục kiến trúc chính bị thiêu rụi. Nguyên nhân ban đầu được xác định là ngọn lửa bùng phát từ việc thắp đèn nến trong đền... Đây là một trong 17 vụ cháy do sơ suất khi sử dụng nguồn lửa, nguồn nhiệt trên địa bàn thành phố được Công an thành phố Hà Nội ghi nhận 6 tháng đầu năm 2020. Đáng chú ý, sơ suất khi sử dụng nguồn lửa, nguồn nhiệt là nguyên nhân dẫn tới số vụ cháy nhiều thứ hai trên địa bàn thành phố.

Thiếu tá Vũ Đình Chiến, Phó Đội trưởng Đội Công tác phòng cháy (Phòng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ - Công an thành phố Hà Nội) nhận định, nguy cơ cháy từ sơ suất do sử dụng nguồn lửa, nguồn nhiệt rất cao. Bởi, mùa nắng nóng đang bước vào giai đoạn đỉnh điểm, các nguyên vật liệu được sử dụng trong đời sống sinh hoạt, sản xuất của người dân như gỗ, xốp, giấy… trở nên khô kiệt, dễ bén lửa. “Chỉ cần một sơ suất nhỏ, nguồn lửa, nguồn nhiệt phát sinh trong đun nấu, thắp hương, hút thuốc… gặp các vật liệu dễ cháy có thể bùng lên thành đám cháy lớn”, Thiếu tá Vũ Đình Chiến cho biết.

Tình trạng sơ suất, bất cẩn, thậm chí là thiếu ý thức trong sử dụng nguồn lửa, nguồn nhiệt cũng khiến người dân bất an. Bà Nguyễn Thị Vui (khu tập thể C5 Nghĩa Tân, quận Cầu Giấy) nêu thực trạng, trong khi hệ thống phòng cháy, chữa cháy của khu tập thể chưa bảo đảm nhưng nhiều người vẫn hút thuốc rồi vứt tàn bừa bãi; các quán ăn dưới tầng 1 vẫn đun nấu bằng bếp than tổ ong... khiến người dân rất lo lắng.

Bên cạnh đó, việc sử dụng nguồn lửa, nguồn nhiệt không đúng quy định cũng có thể dẫn đến những vụ cháy rừng. Trung tá Tô Hồng Nho, Phó Trưởng công an huyện Sóc Sơn cho rằng, mặc dù lực lượng chức năng đã tăng cường tuyên truyền, nhắc nhở, tuần tra, tuy nhiên do ý thức người dân còn hạn chế, các hoạt động đốt rác, đốt lửa cắm trại ở bìa rừng có nguy cơ lớn uy hiếp an toàn của hơn 1.700ha rừng tại huyện Sóc Sơn. Dẫn chứng về vụ cháy rừng tại tỉnh Hà Tĩnh vừa qua có nguyên nhân do người dân thắp hương ở nghĩa trang gây cháy lan, Trung tá Tô Hồng Nho nhấn mạnh: "Mỗi người có ý thức, trách nhiệm trong sử dụng nguồn lửa, sẽ góp phần bảo đảm an toàn cho cộng đồng".

Công an huyện Thường Tín kiểm tra công tác phòng cháy, chữa cháy tại một kho hàng có nhiều vật liệu dễ cháy.

Tập trung phòng ngừa từ cơ sở

Thực tế cho thấy, để phòng, chống cháy nổ do sơ suất khi sử dụng nguồn lửa, nguồn nhiệt, việc ngăn ngừa từ cơ sở vẫn là yếu tố quyết định. Trao đổi về vấn đề này với phóng viên Báo Hànộimới, lãnh đạo một số phường trên địa bàn thành phố cho rằng, biện pháp quan trọng nhất là tăng cường tập huấn, tuyên truyền nhằm nâng cao ý thức về “bà hỏa” của người dân, cán bộ cơ sở... Cảnh sát khu vực cần thường xuyên nhắc nhở, đề nghị người dân kiểm tra, theo dõi nguồn nhiệt, nguồn lửa, chuẩn bị các dụng cụ, phương tiện cần thiết để ứng phó với tình huống cháy nổ có thể xảy ra.

Chia sẻ thêm về vấn đề này, Thiếu tá Phan Thị Ngọc Anh, Phó Đội trưởng Đội Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ (Công an quận Tây Hồ) cho biết, đơn vị đã phối hợp với các phường tổ chức tập huấn cho người dân, cán bộ các tổ dân phố, bảo vệ chung cư, tiểu thương các chợ, hộ kinh doanh về kiến thức phòng cháy, chữa cháy, nhất là cảnh báo nguy cơ dẫn đến cháy nổ do sử dụng điện, nguồn lửa, nguồn nhiệt trong sinh hoạt, sản xuất.

Nhấn mạnh yếu tố phòng ngừa, Trưởng phòng Quản lý, bảo tồn và phát triển rừng (Ban Quản lý rừng phòng hộ, đặc dụng - Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội) Lê Anh Tuấn cũng thông tin, để bảo đảm an toàn rừng trong khu vực quản lý, đơn vị thường xuyên chỉ đạo lực lượng ứng trực, tuần tra, giám sát tại các khu vực tiềm ẩn nguy cơ cháy như khu cắm trại gần hồ Hàm Lợn (huyện Sóc Sơn) để xử lý nhanh khi có sự cố xảy ra.

Theo Đại tá Trần Ngọc Dương, Phó Giám đốc Công an thành phố Hà Nội, từ ngày 1-7, Công an thành phố phối hợp với các sở, ngành, UBND các quận, huyện, thị xã thực hiện Kế hoạch số 129/KH-UBND ngày 18-6-2020 về việc kiểm tra thực hiện công tác phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ trên địa bàn thành phố Hà Nội năm 2020. Trong đó, cơ quan công an đặc biệt quan tâm tới việc kiểm tra công tác phòng cháy, chữa cháy tại các cơ quan, đơn vị, cơ sở trọng điểm có nguy cơ cháy nổ cao. “Trong quá trình kiểm tra, các tồn tại, bất cập về nguồn điện, nguồn nhiệt sẽ được cơ quan chức năng hướng dẫn khắc phục để bảo đảm an toàn”, Đại tá Trần Ngọc Dương cho biết.