Khó khăn gấp đôi, Hà Nội sẽ cố gắng gấp ba
Cập nhật lúc: 28/12/2020, 18:17
Cập nhật lúc: 28/12/2020, 18:17
Thay mặt thành phố Hà Nội phát biểu tại hội nghị trực tuyến Chính phủ với các địa phương để triển khai Nghị quyết của Quốc hội khóa XIV về nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2021 diễn ra sáng nay, 28-12, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Chu Ngọc Anh cho biết, năm 2020, với tinh thần quán triệt chung, khó khăn gấp đôi thì chúng ta cố gắng gấp ba, Hà Nội đã đạt được mục tiêu tổng quát, mục tiêu kép với các kết quả quan trọng, toàn diện; trong đó, nhiều chỉ tiêu, nhiệm vụ chủ yếu đã được hoàn thành và hoàn thành vượt mức. Báo Hànộimới xin giới thiệu toàn văn phát biểu của đồng chí Chủ tịch UBND thành phố.
Thành phố Hà Nội nhất trí cao với Báo cáo của Chính phủ năm 2020 với tinh thần quán triệt chung là khó khăn gấp đôi thì chúng ta cố gắng gấp ba và thực tế, đây được xem là năm thành công nhất của nước ta trong 5 năm vừa qua về ý chí vươn lên và tinh thần vượt khó. Việt Nam đã thực hiện thành công “mục tiêu kép”, là điển hình khống chế dịch Covid-19 và đạt mức tăng trưởng dương 2,91%, nhóm cao nhất thế giới; bảo đảm vai trò Chủ tịch ASEAN với số lượng văn kiện được thông qua lớn nhất từ trước đến nay và nhiều hoạt động khác.
Đối với thành phố Hà Nội, chúng tôi đã triển khai một cách nghiêm túc và chủ động bám sát tinh thần chỉ đạo của Trung ương Đảng, Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. Về cơ bản, thành phố đã đạt được mục tiêu tổng quát, mục tiêu kép với các kết quả quan trọng, toàn diện; trong đó nhiều chỉ tiêu và nhiệm vụ chủ yếu đã được hoàn thành và hoàn thành vượt mức. Thành phố xin báo cáo vắn tắt những nội dung mang tính dấu ấn về kết quả năm 2020 của thành phố như sau:
Thứ nhất, đã lãnh đạo tổ chức thành công đại hội Đảng các cấp nhiệm kỳ 2020 – 2025 với 17.118 chi bộ trực thuộc đảng ủy cơ sở, 2.310 tổ chức cơ sở Đảng và 50 đảng bộ cấp trên cơ sở, tổ chức Đại hội đại biểu lần thứ XVII Đảng bộ thành phố thành công thực chất và trọn vẹn, tạo nhiều dấu ấn tốt đẹp. Đại hội Đảng bộ thành phố đã vinh dự được đồng chí Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng dự và phát biểu chỉ đạo tâm huyết và sâu sắc. Ngay sau Đại hội, Thành ủy Hà Nội đã chỉ đạo xây dựng, thực hiện 10 chương trình công tác lớn và chương trình hành động toàn khóa.
Thứ hai, thành phố đã thực hiện hiệu quả “mục tiêu kép”.
Là địa bàn trọng điểm, có số lượng người tiếp nhận, sàng lọc, cách ly và điều trị rất lớn, nguy cơ lây nhiễm cao, thành phố đã kịp thời chỉ đạo, thực hiện hiệu quả công tác phòng, chống dịch Covid-19. Đặc biệt là tinh thần tự giác, tích cực, trách nhiệm của người dân và doanh nghiệp và hệ thống chính trị các cấp, nhờ vậy, đã kiểm soát và đẩy lùi được dịch bệnh trong cả 3 đợt (đến hôm nay đã có 133 ngày không có ca bệnh lây nhiễm trong cộng đồng), không có ca tử vong. Và xin báo cáo thêm, số lượng người được cách ly lũy kế đợt 1 và đặc biệt là đợt 2 là 39.894 người; thành phố cũng đã xét nghiệm trên 100.000 người dân trên địa bàn để kiểm soát tình hình.
Bên cạnh phòng, chống dịch hiệu quả, thành phố đã chủ động đánh giá tác động của dịch bệnh tới các ngành kinh tế; đẩy mạnh các giải pháp ổn định kinh tế vĩ mô, tổ chức nhiều hoạt động kết nối với các địa phương về cung cầu hàng hóa, tiêu thụ sản phẩm; làm việc và ký kết thỏa thuận hợp tác với nhiều bộ, ngành nhằm tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trên địa bàn. Vì vậy, nỗ lực phấn đấu của thành phố trên địa bàn đã bám sát tinh thần chung của cả nước đạt những kết quả quan trọng. Tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) năm 2020 ước tăng 3,98%, trong đó đã được thúc đẩy và phục hồi mạnh mẽ trong quý IV với mức tăng 5,77%; quy mô nền kinh tế thành phố đã ở mức 44 tỷ USD. Đây là nỗ lực rất lớn. Hết quý III-2020, thành phố có khả năng hụt thu 57-58 nghìn tỷ đồng, nhưng đến nay, thu ngân sách nhà nước trên địa bàn đã đạt 280.500 tỷ đồng, vượt dự toán và tăng 3,9% so với năm 2019 - năm thu ngân sách cao nhất từ trước đến nay. Nếu tính cả số thu ngân sách trên địa bàn do Cục Thuế thành phố quản lý thì tổng thu ngân sách trên địa bàn thành phố có thể đạt trên 340 nghìn tỷ đồng.
Cùng với đó, giải ngân vốn đầu tư công thành phố cũng đạt 93% với quy mô 45.000 tỷ đồng trên địa bàn thành phố. Năm 2020, thành phố còn đạt được tỷ lệ vốn đầu tư phát triển đến 49%, chi thường xuyên chỉ còn 51%, tiết kiệm được 3.000 tỷ đồng chi thường xuyên tiếp tục dành cho đầu tư phát triển. Thành phố cũng giải quyết trên 180.600 việc làm, đạt 116% kế hoạch; tỷ lệ thất nghiệp chỉ còn 2,3%.
Thứ ba, tổ chức thành công nhiều hoạt động kỷ niệm các ngày lễ lớn của Thủ đô và đất nước. Năm 2020, với thành phố Hà Nội là năm hết sức đặc biệt, nhưng thành phố đã bảo đảm an toàn tuyệt đối cho khoảng 2.000 sự kiện diễn ra trên địa bàn thành phố; trong đó có những kỷ niệm các ngày lễ lớn của Thủ đô và đất nước như: Kỷ niệm 90 năm Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam và kỷ niệm 90 năm Ngày thành lập Đảng bộ thành phố Hà Nội; 90 năm Ngày thành lập Mặt trận Dân tộc Thống nhất Việt Nam - Ngày truyền thống Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; 75 năm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam; 1010 năm Thăng Long - Hà Nội; kỷ niệm 130 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh; 60 năm Hà Nội - Huế - Sài Gòn; Đại hội thi đua yêu nước toàn quốc và Đại hội thi đua yêu nước thành phố Hà Nội giai đoạn 2020 – 2025… Đây là những hoạt động có ý nghĩa sâu sắc, góp phần giáo dục truyền thống, khơi dậy trong nhân dân Thủ đô và cả nước niềm tự hào về truyền thống lịch sử, văn hóa của dân tộc và Thủ đô.
Chúng tôi cũng báo cáo nhanh là đã tổ chức thành công Hội nghị “Hà Nội 2020 - Hợp tác đầu tư và phát triển” trong bối cảnh đặc biệt. Ngay khi đợt dịch đầu tiên được kiểm soát, Hội nghị “Hà Nội 2020 - hợp tác và phát triển” được thành phố tổ chức ngày 27-6-2020. Đây là hội nghị đầu tiên được tổ chức của cả nước trong thời điểm này. Hội nghị đã diễn ra thành công với sự tham dự của 540 doanh nghiệp và gần 2.000 đại biểu trong nước và quốc tế. Thành phố đã trao quyết định chủ trương đầu tư cho 229 dự án, với tổng số vốn 405.570 tỷ đồng (tương đương 17,6 tỷ USD). Tổng số dự án, số vốn được trao quyết định đầu tư tại hội nghị năm nay lần lượt cao tương ứng gấp 5 lần và 11 lần so với hội nghị năm 2016. Thành phố cùng các nhà đầu tư ký 39 biên bản ghi nhớ với tổng mức đầu tư 28,6 tỷ USD. Đây là sự khẳng định cho trí tuệ và bản lĩnh của Thủ đô Hà Nội, khẳng định Hà Nội là điểm đến an toàn, thân thiện, hấp dẫn và ổn định cho các nhà đầu tư và khách du lịch.
Cùng với đó, số lượng doanh nghiệp thành lập mới, quy mô đầu tư nước ngoài trên địa bàn cũng tiếp tục tăng. Năm 2020, có 26,44 nghìn doanh nghiệp thành lập mới với số vốn 337,69 nghìn tỷ đồng, nâng tổng số doanh nghiệp đăng ký trên địa bàn đến nay đạt 303,65 nghìn đơn vị. Vốn đầu tư nước ngoài đăng ký ước đạt 4 tỷ USD. Tổng vốn đầu tư xã hội năm 2020 ước đạt 420,06 nghìn tỷ đồng, tăng 9% so với năm 2019.
Thứ tư, Hà Nội đã thúc đẩy rất nhiều công trình hạ tầng kỹ thuật chung và môi trường, xử lý các vấn đề dân sinh bức xúc, tồn đọng kéo dài nhiều năm, tạo được chuyển biến tích cực trên địa bàn. Cụ thể, trong năm 2020, nhiều công trình thuộc hệ thống hạ tầng giao thông quan trọng của thành phố (như: Dự án xây dựng đường Vành đai 2, đoạn Ngã Tư Vọng - Ngã Tư Sở; Dự án đường Vành đai 3 đi thấp bằng cầu qua hồ Linh Đàm; Dự án cầu cạn Mai Dịch - Nam Thăng Long, cầu vượt nút giao Hoàng Quốc Việt - Nguyễn Văn Huyên…) đã hoàn thành, đưa vào khai thác, sử dụng, phát huy hiệu quả. Các vấn đề dân sinh bức xúc, được cử tri quan tâm, kiến nghị nhiều năm như: Dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông; công trình 8B Lê Trực; Khu liên hiệp xử lý chất thải Sóc Sơn… đã được thành phố tập trung chỉ đạo, có kết quả cụ thể, được cử tri và nhân dân ghi nhận, đánh giá cao.
Thứ năm, phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới của thành phố được tập trung chỉ đạo quyết liệt, sâu sát, đạt kết quả toàn diện, nổi bật. Đến hết năm 2020, kết quả xây dựng nông thôn mới của thành phố đã đạt kết quả toàn diện, tạo những dấu ấn nổi bật: Mục tiêu hoàn thành xây dựng nông thôn mới đã về đích trước 2 năm, 7 huyện, thị xã và 355/382 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới; 13 xã đã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao. Đặc biệt, trong bối cảnh đại dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, sản xuất nông nghiệp của Hà Nội vẫn tăng 4,2% - là mức tăng cao nhất trong 9 năm trở lại đây. Thành phố có 1.000 sản phẩm OCOP (Chương trình mỗi xã một sản phẩm), tương đương 35,5% số sản phẩm OCOP trên cả nước. Thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn ước đạt 55 triệu đồng/người/năm, tăng 3,5 triệu đồng/người/năm so với năm 2019; đời sống vật chất và tinh thần của người dân nông thôn được cải thiện rõ rệt.
Thứ sáu, giáo dục và đào tạo Thủ đô tiếp tục duy trì vị trí dẫn đầu như vị thế đã có và dẫn đầu cả nước về tổ chức dạy và học trực tuyến trong điều kiện dịch Covid-19.
Thứ bảy, tinh thần “Hà Nội vì cả nước, cùng cả nước” được phát huy mạnh mẽ. Năm 2020, ngay sau khi đợt dịch Covid đầu tiên được khống chế, thành phố đã liên tục tổ chức các sự kiện liên kết phát triển kinh tế, du lịch, tổ chức các Tuần văn hóa với các địa phương trong cả nước để góp phần thúc đẩy liên kết vùng, hợp tác phát triển giữa các địa phương trong cả nước. Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp thành phố Hà Nội đã có nhiều hoạt động thiết thực, huy động các cấp, các ngành, doanh nghiệp và đông đảo người dân chia sẻ, hỗ trợ với tổng số tiền huy động được lớn nhất từ trước đến nay. Ủy ban Mặt trận Tổ quốc thành phố đã nhận được sự đăng ký, ủng hộ của các tổ chức, cá nhân cho công tác phòng, chống dịch Covid-19 là 243,076 tỷ đồng; ủng hộ khắc phục hậu quả lũ lụt với tổng số tiền và hàng hóa trị giá trên 118,7 tỷ đồng; huy động Quỹ Vì biển đảo được 42 tỷ đồng, Quỹ Vì người nghèo các cấp khoảng 70 tỷ đồng. Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố đã tổ chức nhiều hoạt động thiết thực thăm hỏi, tặng quà, động viên các lực lượng làm công tác phòng, chống dịch, hỗ trợ những hộ nghèo và người dân các tỉnh miền Trung khắc phục hậu quả bão lũ…
Thứ tám, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được bảo đảm. Trong đó, bảo đảm quốc phòng thường xuyên, xây dựng khu vực phòng thủ vững chắc. Bảo đảm tuyệt đối an ninh, an toàn các mục tiêu, địa bàn trọng điểm, các sự kiện chính trị, văn hóa, xã hội, hội nghị quốc tế, hoạt động lãnh đạo của Đảng, Nhà nước và các đoàn khách quốc tế diễn ra trên địa bàn. Đặc biệt, bảo đảm tuyệt đối an ninh, an toàn Đại hội lần thứ XVII Đảng bộ thành phố , Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 37… Tỷ lệ tội phạm năm 2020 đã được kéo giảm 15,3%, trong đó tỷ lệ trọng án được khám phá đạt 95,3%, thực sự xây dựng Hà Nội là điểm đến an toàn, bình yên. Tình hình tai nạn giao thông được cải thiện, giảm mạnh trên cả ba tiêu chí. Hình ảnh Hà Nội bình yên, là điểm đến an toàn, thân thiện ngày càng lan tỏa với bạn bè quốc tế và nhân dân cả nước.
Tới đây, bám sát Nghị quyết 01, Nghị quyết 02 của Chính phủ, Hà Nội thực hiện chủ đề năm 2021 là “Kỷ cương, trách nhiệm, hành động, sáng tạo, phát triển” với 23 chỉ tiêu kinh tế - xã hội, trong đó phấn đấu tăng trưởng GRDP 7,5% so với năm 2020.
Ngay những ngày đầu tháng 1-2021, đồng chí Bí thư Thành ủy, Thường trực Thành ủy, HĐND, UBND thành phố sẽ họp với 30 quận, huyện, thị xã và các sở, ban, ngành toàn thành phố để triển khai Nghị quyết 01, Nghị quyết 02 bằng chương trình hành động trên địa bàn thành phố gắn với các báo cáo của Chính phủ vừa được trình bày.
Cuối cùng, chúng tôi xin báo cáo vắn tắt các đề xuất kiến nghị, đề xuất của thành phố Hà Nội, đây cũng là những nội dung Ban Thường vụ Thành ủy chuẩn bị tới đây báo cáo Bộ Chính trị:
Một là, xung quanh định hướng điều chỉnh tổng thể Quy hoạch chung xây dựng Hà Nội, dự kiến đến tháng 12-2021 để báo cáo Bộ Chính trị; Hai là sửa đổi, bổ sung một điều của Luật Thủ đô, dự kiến báo cáo tháng 12-2021; Ba là báo cáo xung quanh tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết 11 của Bộ Chính trị về phương hướng nhiệm vụ phát triển Thủ đô 10 năm vừa rồi để chuẩn bị cho giai đoạn 10 năm tiếp theo.
Hai là, thành phố báo cáo Thủ tướng Chính phủ đề xuất đưa vào Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội việc xác định cơ cấu, thành phần, phân bổ số lượng người được giới thiệu ứng cử; vừa rỗi thành phố đã có báo cáo về số lượng đại biểu chuyên trách, con số hiện nay là 18 đại biểu chuyên trách đã phát huy hiệu quả vừa rồi, và không làm phát sinh biên chế trong khối dân cử.
Ba là, đề nghị Chính phủ báo cáo với Quốc hội xung quanh triển khai Kế hoạch đầu tư công trung hạn thời gian tới theo Điều 89 Luật Đầu tư công có một bất cấp là dự án trong hai kỳ kế hoạch đầu tư liên tiếp thì phải bảo đảm tổng số giá trị, tổng mức đầu tư của chương trình dự án của giai đoạn sau không được vượt quá 20% so với giai đoạn trước; trong khi đó, chúng ta đã có hiệu lực để triển khai toàn bộ dự án này trong danh mục.
Bốn là, về quy hoạch Hà Nội thời kỳ 10 năm 2021-2030 và tầm nhìn 2045, chúng tôi đã có 4 nội dung báo cáo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cũng đã nắm được; đề nghị các đồng chí chia sẻ, hỗ trợ trong việc bố trí vốn, lập và thẩm định dự toán, lựa chọn tư vấn và phương pháp triển khai.
Năm là, đối với dự án đầu tư công; xin báo cáo để Bộ Kế hoạch và Đầu tư có hướng dẫn cụ thể quy định điều kiện ghi vốn, cho lập báo cáo tiền khả thi đối với dự án nhóm 3 và một số nội dung khác.
Ngoài ra, chúng tôi xin báo cáo một việc rất thiết thực là xung quanh thí điểm mô hình chính quyền đô thị. Thủ tướng vừa rồi có nghị quyết triển khai cụ thể; kiến nghị Bộ Nội vụ trình nhanh Chính phủ ban hành hướng dẫn thực hiện Nghị quyết 97 của Quốc hội.
Nguồn: http://www.hanoimoi.com.vn/tin-tuc/Chinh-tri/987224/kho-khan-gap-doi-ha-noi-se-co-gang-gap-ba