19/01/2025 | 12:05 GMT+7, Hà Nội

Khó khăn của khu vực kinh tế thực có thể lây nhiễm sang khu vực tài chính

Cập nhật lúc: 23/04/2022, 13:30

Kinh tế Việt Nam đang đối diện với nhiều rủi ro bất ổn vĩ mô và bất ổn tài chính, khiến quá trình hồi phục kinh tế trở nên khó khăn.

Nền kinh tế đang có dấu hiệu bước vào chu kỳ đi xuống

Đây là nhận định mà nhóm chuyên gia nghiên cứu của Trường Đại học Kinh tế quốc dân (NEU) đưa ra trong ấn phẩm “Đánh giá Kinh tế Việt Nam thường niên : Ổn định kinh tế vĩ mô và lành mạnh tài chính trong bối cảnh đại dịch COVID-“ của NEU.

Quá trình phuc hồi kinh tế đang có những dấu hiệu khó khăn. Ảnh minh họa.
Quá trình phuc hồi kinh tế đang có những dấu hiệu khó khăn. Ảnh minh họa.

Ấn phẩm này sẽ được công bố cùng với Hội thảo Khoa học Quốc gia để đánh giá kinh tế Việt Nam năm 2021 và triển vọng năm 2022 tổ chức vào thứ Hai, ngày 25/4 tới.

Chia sẻ với Nhà báo và Công luận về một số điểm nhấn của ấn phẩm và hội thảo này , PGS. TS Tô Trung Thành - Trưởng phòng Quản lý Khoa học của NEU, đồng chủ biên ấn phẩm này cho rằng: “Sau suốt cả năm 2021 với những khó khăn chưa từng có, đến nay sản xuất kinh doanh đã phục hồi nhanh chóng. Nhưng tăng trưởng chưa lấy lại được tốc độ”.

Tổng sản phẩm trong nước (GDP) quý I năm 2022 ước tính tăng 5,03% so với cùng kỳ năm trước, cao hơn tốc độ tăng 4,72% của quý I năm 2021 và 3,66% của quý I năm 2020 nhưng vẫn thấp hơn tốc độ tăng 6,85% của quý I năm 2019.

Bên cạnh đó, nhóm nghiên cứu của NEU nhận thấy, nền kinh tế đang có dấu hiệu bước vào thời kỳ tăng trưởng đi xuống và từ năm 2021, rủi ro bất ổn vĩ mô và bất ổn tài chính đang gia tăng, PGS.Tô Trung Thành cho hay.

Kết quả ước tính giá trị sản lượng tiềm năng cho thấy mức tăng trưởng tiềm năng đối với nền kinh tế Việt Nam nằm trong khoảng 6,12%-6,32%/ năm. Như vậy, trong 2 năm gần đây nền kinh tế Việt Nam đang hoạt động dưới mức sản lượng tiềm năng rất xa, đồng nghĩa với việc nền kinh tế đang có dấu hiệu bước vào chu kỳ đi xuống.

Mặc dù tăng trưởng vẫn chưa rơi vào ngưỡng cảnh báo khủng hoảng nhưng đây rõ ràng là một yếu tố ảnh hưởng tiêu cực đến khả năng trả nợ của nền kinh tế cũng như tác động xấu đến các doanh nghiệp (những người đi vay), theo đó, gia tăng rủi ro tín dụng.

Trong khi đó, Việt Nam vẫn là nước có tốc độ tăng trưởng cung tiền M2 trong những năm gần đây là 12-13%, tỉ lệ M2/GDP lên đến 180%, tỷ lệ tín dụng/GDP là 150%, cao hơn nhiều so với các nước trong khu vực.

Khi tăng trưởng kinh tế dưới mức tiềm năng, các nguồn lực không được sử dụng hiệu quả trong khi cung tiền và tín dụng ở mức rất cao (tính theo tỷ lệ trên GDP), đây sẽ là yếu tố gây áp lực lớn đến lạm phát và rủi ro vĩ mô trong trung và dài hạn.

Lạm phát đang chịu nhiều sức ép tăng. Và lạm phát kỳ vọng gia tăng do yếu tố chi phí đẩy và chính sách nới lỏng tiền tệ kéo dài.

Đồng thời, những rủi ro bất ổn và thiếu lành mạnh đã xuất hiện trên các thị trường chứng khoán (thị trường cổ phiếu và thị trường trái phiếu, đặc biệt là trái phiếu doanh nghiệp) và thị trường bất động sản.

Dư địa chính sách tài khóa thì hạn hẹp hơn, thu ngân sách có thể khó khăn khi kinh tế suy giảm và thị trường tài sản điều chỉnh mạnh, trong khi chi ngân sách cho các gói kích thích kinh tế gia tăng.

Và còn những khó khăn của khu vực kinh tế thực cuối cùng có thể sẽ lây nhiễm sang khu vực tài chính.

Tiền dư thừa đổ vào đầu cơ chứng khoán BĐS

Một điểm nữa trong ấn phẩm này khiến người đọc chú ý, đó là lượng vốn đổ vào kinh doanh chứng khoán và BĐS lớn nhất từ trước tới nay cả về quy mô và tỷ trọng.

Theo quan sát của nhóm nghiên cứu, những doanh nghiệp phi tài chính niêm yết là những doanh nghiệp khoẻ nhất của nền kinh tế, về cơ bản không chịu tác động quá tiêu cực từ đại dịch, tỷ suất sinh lời tăng trở lại. Những doanh nghiệp này với lợi thế về tiếp cận vốn, đã đổ vốn vào chứng khoán và BĐS. Nhưng việc đổ vốn này mang tính đầu cơ.

Rõ nhất là trên thị trường BĐS dòng vốn đổ vào có xu hướng gia tăng vào các phân khúc đầu cơ như đất nền vùng ven các thành phố lớn.

Và khi thị trường BĐS phát triển nóng ở phân khúc đầu cơ sẽ dẫn đến 4 vấn đề:

Thứ nhất kích thích người dân, doanh nghiệp dùng đòn bẩy để đầu cơ, rủi ro nợ xấu với NHTM sẽ gia tăng khi thị trường có biến động;

Thứ hai, vì đầu cơ, nên một lượng lớn đất không được khai thác, gây lãng phí tài, không tạo được nguồn thu bền vững cho ngân sách;

Thứ ba, khi đất đai bị mua đi bán lại với mục đích đầu cơ, các khoản thu một lần từ đất trả cho nhà nước cũng rất thấp;

Thứ tư, một lượng lớn vốn của nền kinh tế không chảy vào sản xuất, nghiên cứu, phát triển hay tiêu dùng, mà đổ vào đất đai đầu cơ.

Một điểm cần chú ý nữa là dòng vốn đổ vào BĐS còn được hỗ trợ từ trái phiếu doanh nghiệp.

Năm 2021, BĐS là ngành phát hành nhiều TPDN nhất, chiếm tỷ trọng khoảng 40% lượng TPDN phát hành, tăng 64% so với năm 2020. Trong đó khoảng 29% giá trị trái phiếu phát hành không có tài sản bảo đảm hoặc bảo đảm bằng cổ phiếu.

Và trái phiếu doanh nghiệp BĐS đang có rủi ro lớn nhất trên thị trường vốn.

Hơn 80% giá trị TPDN của ngành BĐS phát hành thuộc về các doanh nghiệp chưa niêm yết, có sức khỏe tài chính ở mức yếu đáng báo động. Khả năng tiếp cận thông tin tài chính, tính minh bạch của các DN phát hành rất hạn chế, làm gia tăng rủi ro về phía nhà đầu tư, nguy cơ gia tăng nợ xấu.

Tóm lại, nhóm nghiên cứu của NEU cho rằng: kinh tế Việt Nam đang đối diện với nhiều rủi ro bất ổn vĩ mô và bất ổn tài chính, khiến cho quá trình ứng phó với đại dịch và hồi phục kinh tế trở nên khó khăn.

PGS.Tô Trung Thành cho biết, trong báo cáo sẽ công bố và hội thảo hôm tới sẽ đánh giá tổng quan kinh tế cũng như nhận diện các rủi ro bất ổn. Đây là cơ sở quan trọng để đưa ra được các khuyến nghị chính sách nhằm ổn định kinh tế vĩ mô và lành mạnh tài chính, đưa nền kinh tế phục hồi mạnh mẽ.

Nguồn: https://congluan.vn/kho-khan-cua-khu-vuc-kinh-te-thuc-co-the-lay-nhiem-sang-khu-vuc-tai-chinh-post191085.html