19/01/2025 | 10:19 GMT+7, Hà Nội

Khẩn cấp “bơm” vốn: Cần cơ chế đặc biệt cho gói cấp bù lãi suất

Cập nhật lúc: 28/09/2021, 21:32

Dự kiến gói cấp bù lãi suất 3.000 tỷ đồng, tương đương quy mô dư nợ hơn 100.000 tỷ đồng lãi suất ưu đãi 3 - 4%/năm sẽ được ngành ngân hàng "bơm" ra nền kinh tế trong thời gian tới.

“Cấp cứu” bằng bù ngân sách

Mới đây, Quốc hội có ý kiến với Chính phủ về gói cấp bù lãi suất giải ngân qua hệ thống ngân hàng tương tự giai đoạn 2009 - 2010. Trong đó, Chính phủ đã ước tính gói hỗ trợ lãi suất vào khoảng 2.000 tỷ đồng. Nếu gói hỗ trợ này này được triển khai kéo theo dư nợ tín dụng rơi vào khoảng 60.000 - 65.000 tỷ đồng.

Tại buổi tọa đàm về hỗ trợ lãi suất cho DN ngày 25/9, Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế - Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Nguyễn Tuấn Anh cho biết, sau khi bàn bạc với Bộ Tài chính, dự kiến gói này sẽ tăng lên khoảng 3.000 tỷ đồng, tương đương quy mô dư nợ hơn 100.000 tỷ đồng. Lãi suất dự kiến trong khoảng từ 3 - 4%/năm. 

Đây là cơ chế mà NHNN sẽ "bù đắp" phần thiệt hại của ngân hàng khi họ giảm lãi suất cho vay về mức thấp 3 - 4% một năm so với mức hiện hành. TS Lê Xuân Nghĩa, chuyên gia kinh tế đồng ý với đề xuất về gói hỗ trợ này, nhưng cho rằng Chính phủ cần phải thật sự cẩn trọng và phải có giải pháp nhằm hạn chế các rủi ro.

Phân tích rõ hơn về điều này, TS Lê Xuân Nghĩa nói, vào năm 2009, Chính phủ đã có gói hỗ trợ lãi suất sau cuộc đại khủng hoảng vào năm 2008. Thời điểm đó, Chính phủ hỗ trợ khá mạnh tay, mức hỗ trợ lên tới 4% - 5% lãi suất. “Lúc đó gói hỗ trợ này khoảng 14.000 tỷ đồng, sau có thêm gói 19.000 tỷ đồng, như vậy tổng cộng hơn 30.000 tỷ đồng” - TS Lê Xuân Nghĩa nói.

Khẩn cấp “bơm” vốn: Cần cơ chế đặc biệt cho gói cấp bù lãi suất
Khẩn cấp “bơm” vốn: Cần cơ chế đặc biệt cho gói cấp bù lãi suất

Tuy nhiên, việc Chính phủ hỗ trợ mạnh tay đã tạo ra những hậu quả lớn, mà cho tới ngày nay, Việt Nam vẫn đang phải khắc phục hậu quả. Thứ nhất, việc lãi suất giảm quá mạnh, đã khiến tăng trưởng tín dụng tăng phi mã. Cụ thể, năm 2009, tăng trưởng tín dụng tăng trên 37%, sang năm 2010, tăng trưởng tín dụng dù giảm, nhưng vẫn duy trì ở mức cao khoảng 27%.

Thứ hai, việc tăng trưởng tín dụng tăng sẽ khiến tình trạng lạm phát tăng cao. Như năm 2010, lạm phát tăng 9%, sang năm 2011 lạm phát tăng gấp đôi, lên ngưỡng 18,58%. “Trong các năm 2009 - 2013, GDP Việt Nam có sự tăng trưởng khoảng 5% - 7%, tùy các năm, nhưng lạm phát lại tăng gấp đôi so với tốc độ tăng trưởng kinh tế. Như vậy là lợi bất cập hại” - TS Lê Xuân Nghĩa phân tích.

Thứ ba, việc giảm lãi suất có thể khiến tỷ giá hối đoái tăng khiến Việt Nam thâm hụt thương mại. Thứ tư là để lại nhiều hậu quả nặng nề cho hệ thống ngân hàng. Phần lớn các ngân hàng sau này mua 0 đồng và sáp nhập là đều bị từ thời điểm đó. Do đó, TS Nghĩa cho rằng, hiện tại nếu làm gói hỗ trợ lãi suất thì cần phải tránh được những rủi ro này. 

Theo Tổng thư ký Hiệp hội ngân hàng Việt Nam - TS Nguyễn Quốc Hùng, năm 2009 Việt Nam sử dụng 1 tỷ USD, tương đương 17.000 tỷ đồng để cấp bù lãi suất cho DN. Nguồn tiền lấy từ Quỹ dự trữ ngoại hối nhưng đến nay, ngân hàng vẫn chưa được quyết toán hết.

“Mặc dù chính sách cấp bù lãi suất có hiệu ứng nhất định nhưng hậu quả để lại không hề nhỏ. Thanh khoản hệ thống ngân hàng gặp vấn đề lớn, nợ xấu liên tục tăng cao. Chính phủ phải thành lập công ty quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng để giải quyết hệ quả. Gói hỗ trợ lãi suất lần này cần phải tính toán cẩn trọng trên mọi phương diện” - ông Nguyễn Quốc Hùng nhấn mạnh. 

Cần rút kinh nghiệm để tránh “vết xe đổ”

Hiện ngành ngân hàng đã thực hiện nhiều chính sách hỗ trợ khác cho người dân và DN. Lãnh đạo NHNN cho biết, thời gian qua, ngành ngân hàng đã cơ cấu nợ khoảng 520.000 tỷ đồng cho khách hàng, tính lũy kế thực hiện từ khi phát sinh dịch. Bên cạnh việc cơ cấu, các ngân hàng thương mại đã hạ mạnh lãi suất để hỗ trợ DN với lũy kế từ khi có dịch đến nay là trên 26.000 tỷ. Cụ thể, từ đợt dịch thứ nhất đến đợt dịch thứ 3, các ngân hàng đã "hy sinh" 16.000 tỷ từ lợi nhuận để hỗ trợ DN và từ ngày 15/7, khi có phát động của Hiệp hội ngân hàng, 16 tổ chức tín dụng lớn đã tiếp tục hạ lãi suất trên 9.000 tỷ. 

"Đây là con số rất lớn để chứng tỏ ngành ngân hàng trong thời gian vừa qua đã cố gắng nỗ lực hết mình để làm sao chia sẻ với DN cũng như người dân đặc biệt khó khăn trong dịch Covid-19" - Vụ trưởng Nguyễn Tuấn Anh cho biết. Dù vậy theo các chuyên gia việc toàn ngành ngân hàng giãn nợ, hoãn nợ đã lên tới 520.000 tỷ đồng, tiềm ẩn rất nhiều nguy cơ về nợ xấu.

Ngay cả việc các ngân hàng đã "chia sẻ" hơn 26.000 tỷ đồng lợi nhuận để hỗ trợ giảm lãi suất, nhưng thực tế mặt bằng lãi vay theo phàn nàn của DN vẫn giảm chưa tương xứng với lãi suất huy động. Do đó, ngân hàng phải đảm bảo đúng quy định, đúng đối tượng, đánh giá khả năng trả nợ đầy đủ của khách hàng để đảm bảo việc hỗ trợ phù hợp với ảnh hưởng của dịch đồng thời tránh trục lợi từ gói lãi suất.

TS Lê Xuân Nghĩa cho rằng, gợi ý của Quốc hội nên được thảo luận một cách nghiêm túc. Vị chuyên gia chia sẻ, nên ủng hộ gói hỗ trợ lãi suất, nhưng cách làm phải thông minh, phải làm 2 cách cùng lúc. Phải có những biện pháp vĩ mô của ngân hàng Trung ương cùng với biện pháp hỗ trợ từ ngân sách để tạo ra hiệu ứng giảm lãi suất rõ rệt với DN. Pha trộn gói hỗ trợ lãi suất này với gói giãn hoãn của NHNN đang thực hiện cần phải có những chế độ hạch toán, kế toán rõ ràng, minh bạch. Đồng thời, phải có quy chế đặc biệt, để không ảnh hưởng đến Luật Các tổ chức tín dụng. Cần có khung pháp lý riêng cho các DN  gặp khó khăn bởi đại dịch khi doanh thu sụt giảm, thậm chí lợi nhuận có thể âm, không có tài sản đảm bảo… Ngoài ra, phải có chính sách để xác nhận rõ đối tượng được thụ hưởng, để còn đảm bảo công tác thanh kiểm tra sau này.

Theo nhận định của TS Đinh Thế Hiển, chỉ riêng hệ thống ngân hàng không thể giải quyết gốc vấn đề hỗ trợ DN, nền kinh tế mà cần có giải pháp đồng bộ với sự trợ lực của các bộ, ngành khác. Theo đó cần nhanh chóng triển khai các chính sách về miễn, giảm thuế, phí, lệ phí và tiền thuê đất, hay việc giảm mức đóng hoặc miễn tiền phạt chậm nộp bảo hiểm xã hội cũng vơi đi khó khăn cho doanh nghiệp.

Có nhiều cách để hỗ trợ DN và những chính sách đó nên hướng theo tiêu chuẩn chung của thị trường. Để trợ giúp DN trong bối cảnh này cần tạo điều kiện thông thương hàng hóa, nhanh chóng đầu tư vào các hạ tầng giao thông để phục vụ sản xuất. Đặc biệt, theo các chuyên gia, cần nhanh chóng kiểm soát được dịch bệnh, đưa nền kinh tế về trạng thái bình thường mới, chỉ khi đó thì hoạt động sản xuất kinh doanh của DN mới có thể được phục hồi và những khó khăn của cả các DN lẫn phía ngân hàng mới dần được hóa giải tận gốc.

Hiện tại, năng lực thể chế và năng lực của NHNN khác trước rất nhiều. Quốc hội, Chính phủ cũng hiểu rõ về các vấn đề kinh tế vĩ mô và những bài học để đời đã thấm thía là nền tảng quan trọng để thực hiện gói này. Lãnh đạo Vụ tín dụng các ngành kinh tế cho rằng từ những kinh nghiệm trước đây, trong thời gian tới khi xây dựng cơ chế chính sách, cơ quan quản lý tiền tệ sẽ tính toán đến các mục tiêu, nhưng quan trọng nhất vẫn là ổn định kinh tế vĩ mô và kiểm soát lạm phát.

Nguồn: https://kinhtedothi.vn/khan-cap-bom-von-can-co-che-dac-biet-cho-goi-cap-bu-lai-suat-436231.html