Khám phá những món ăn Hà Nội 'vang bóng một thời'
Cập nhật lúc:
13/10/2018, 21:01
Lễ hội văn hóa ẩm thực Hà Nội tại Công viên Thống Nhất có 26 gian hàng, với đầy đủ các món ăn mang đặc sắc của đất Kinh Kỳ, có những món ăn thuộc hàng "vang bóng một thời" cũng được tái xuất phục vụ các thực khách...
|
Lễ hội văn hóa ẩm thực Hà Nội khai mạc vào tối ngày 11-10. Lễ hội văn hóa Ẩm thực Hà Nội 2018 do Sở VH&TT Hà Nội phối hợp cùng Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại, Du lịch Hà Nội tổ chức nhằm giới thiệu, quảng bá những nét đặc sắc của văn hóa ẩm thực Hà Nội tới du khách trong và ngoài nước. Lễ hội diễn ra từ ngày 11 đến 14-10 |
|
Trước đó, phát biểu tại lễ khai mạc, Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Ngô Văn Quý nhấn mạnh, Lễ hội văn hóa ẩm thực Hà Nội năm 2018 là sự kiện góp phần giới thiệu, quảng bá nghệ thuật ẩm thực và bảo tồn các giá trị di sản văn hóa ẩm thực Thủ đô. |
|
Lễ hội năm nay có 3 khu vực trưng bày chính: Khu vực tái hiện lại không gian văn hóa của các nghề truyền thống gắn với di sản ẩm thực tiêu biểu của Hà Nội như: Bánh cuốn Thanh Trì (Hoàng Mai), cốm Mễ Trì và Phú Đô (Nam Từ Liêm), xôi - chè Phú Thượng (Tây Hồ), bánh tẻ Phú Nhi và Tương Đường Lâm (Sơn Tây), giò chả Ước Lễ (Thanh Oai), bánh chưng Tranh Khúc (Thanh Trì), bánh dầy Quán Gánh (Thường Tín), Phở Hà Nội. |
|
Tại khu trưng bày này thực khách được giới thiệu về lịch sử hình thành và quá trình phát triển của các nghề truyền thống; được tham quan, giao lưu với nghệ nhân về quy trình thực hành nhiều món ẩm thực nổi tiếng của đất Hà Thành, tập trung vào tinh hoa ẩm thực từ gạo và các món gắn liền với Tết Việt. |
|
Du khách tới với lễ hội không chỉ thưởng thức các món ăn ngon trứ danh Hà thành, làm nên nét văn hóa độc đáo trong ẩm thực của người Hà Nội, mà còn biết đến quy trình làm ra một đĩa bánh cuốn, một cân giò, một bát phở cầu kỳ và tỉ mỉ ra sao. |
|
Không gian thuần Việt với căn nhà ba gian, sân gạch đỏ, gia đình quây quần ngồi gói bánh chưng trong không gian trưng bày tái hiện làng nghề Tranh Khúc. Chị Đặng Thị Hồng Phương (người làng Tranh Khúc) chia sẻ: "Nghề làm bánh chưng này được truyền từ đời trước sang đời sau. Cha mẹ truyền lại cho con cái vì mong muốn người sau có thể giữ lại được hồn nghề". |
|
Làng cốm Vòng, cốm Mễ Trì cũng xuất hiện tại lễ hội với những hạt cốm dẻo ngon, thơm ngọt chuẩn vị xưa. |
|
Bánh cuốn Thanh Trì đi vào huyền thoại bởi lá bánh mỏng dính đến độ có thể nhìn xuyên qua với độ dai, thơm khác biệt. |
|
Có thể đã rất lâu rồi người dân Thủ đô mới được nhìn lại một loài động vật đã từng rất quen thuộc trong nước chấm bánh cuốn, bún chả nhưng giờ trở nên "quý hiếm" - cà cuống. |
|
Không chỉ có các món ăn mà những khung cảnh quen thuộc như căn nhà, con ngõ nhỏ cũng được tái hiện mang lại cho thực khách một cảm giác rất đỗi thân quen. |
|
Quang gánh phở này đã từng là thứ được mong ngóng của mỗi người dân Hà Nội vào mỗi độ sáng sớm |
|
Những chum tương bày bán trong các gian hàng được mang từ Đường Lâm (Sơn Tây, Hà Nội) |
|
Yến Nhi (Bắc Ninh) cho biết, Đây là lần đầu được ăn món bánh cuốn Thanh Trì. Cô cho biết, dù cùng là bánh cuốn nhưng món bánh cuốn Thanh Trì rất khác với ở quê trước. Món ăn này có thêm giò chả, vỏ bánh mỏng, thơm dai đặc trưng. |
|
Những món ăn truyền thống khác như bánh đúc tấm cũng xuất hiện tại lễ hội ẩm thực. Lễ hội sẽ kéo dài đến hết ngày 14-10. |
Hưng Nguyễn
Theo phapluatxahoi.vn