19/01/2025 | 01:29 GMT+7, Hà Nội

Khai trương đường bay Vân Đồn - Thẩm Quyến, sân bay Vân Đồn hiện thực hóa mục tiêu phát triển

Cập nhật lúc: 28/05/2019, 07:31

Đúng 0h56 phút, rạng sáng ngày 27/5/2019, chuyến bay mang số hiệu DZ62249 xuất phát từ Bảo An, Thẩm Quyến (Trung Quốc) đã hạ cánh tại Cảng Hàng không Quốc tế Vân Đồn.

Đây là chuyến bay quốc tế đầu tiên đáp xuống Vân Đồn, giúp sân bay tư nhân đầu tiên của Việt Nam chính thức khai mở thị trường quốc tế giàu tiềm năng.

Hãng hàng không khai thác chặng Vân Đồn - Thẩm Quyến là Donghai Airlines, dưới dạng các chuyến bay charter (thuê riêng cho khách của công ty lữ hành).

Tàu bay của hãng này khởi hành từ sân bay Bảo An, Thẩm Quyến lúc 23h05 ngày 26/5 và hạ cánh tại Vân Đồn lúc 0h56 ngày 27/5. Chiều ngược lại khởi hành từ Vân Đồn lúc 3h00 và dự kiến đến Thẩm Quyến lúc 5h45 cùng ngày. Các chuyến bay của Donghai Airlines sẽ được khai thác khứ hồi vào thứ hai và thứ sáu hàng tuần.

Tại lễ đón chuyến bay quốc tế đầu tiên, sân bay Vân Đồn đã tổ chức nghi thức phun vòi rồng và cắt băng khai trương đường bay mới Vân Đồn - Thẩm Quyến. Ngoài đại diện hãng bay và sân bay, đến tham dự buổi lễ có ông Đặng Huy Hậu, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Quảng Ninh cùng đại diện Sở ban ngành địa phương.

Phát biểu tại sự kiện, ông Phạm Ngọc Sáu, Giám đốc Cảng HKQT Vân Đồn khẳng định, sân bay cam kết sẽ tạo mọi điều kiện tốt nhất cho hoạt động khai thác của Donghai Airlines, đồng thời thực hiện công tác xúc tiến, quảng bá điểm đến Vân Đồn và Hạ Long tới Thẩm Quyến và thị trường Trung Quốc.

Theo ông Sáu, việc chính thức khai trương đường bay mới Vân Đồn - Thẩm Quyến là tiền đề để sân bay Vân Đồn tiếp tục theo đuổi chiến lược hướng tới thị trường quốc tế, mà trước mắt là các thị trường đông dân tại châu Á như Trung Quốc, Đài Loan, Thái Lan, Hàn Quốc, Nhật Bản.

Cụ thể, ngay trong tháng 6/2019, Vân Đồn sẽ khai thác thêm các đường bay quốc tế mới như Vân Đồn - Đài Loan của Bamboo Airways, Vân Đồn - Incheon (Hàn Quốc) của Vietnam Airlines. Đối với thị trường Trung Quốc, tới đây sẽ có thêm các đường bay tới Hải Nam, Nam Ninh, Quảng Châu.

“Cuối năm nay, chúng tôi sẽ tiếp tục đón các chuyến bay từ Nhật Bản, Bangkok (Thái Lan). Thị trường nội địa tiếp tục được mở rộng với các chặng Vân Đồn – Đà Nẵng, Vân Đồn – Phú Quốc”, Giám đốc CHK chia sẻ về kế hoạch hoạt động sắp tới.

Như vậy, sau gần 5 tháng vận hành, sân bay quốc tế Vân Đồn đã liên tục khai thác các đường bay mới trong và ngoài nước, đồng thời được các tổ chức uy tín đánh giá cao về hệ thống cơ sở vật chất và chất lượng dịch vụ.

Thống kê từ đầu năm 2019, sân bay đón hơn 90.000 lượt hành khách với 664 chuyến bay được khai thác bởi 3 hãng hàng không lớn nhất Việt Nam hiện nay là Vietnam Airlines, Vietjet Air và Bamboo Airways. Vân Đồn cũng là sân bay duy nhất của Việt Nam lọt top 5 sân bay có dịch vụ tốt nhất thế giới, theo đánh giá của chương trình quản lý chất lượng sân bay (APMP) quý 1/2019 do Vietnam Airlines công bố.

Nằm trong chiến lược khai mở thêm nhiều đường bay mới, đặc biệt tới các thị trường quốc tế giàu tiềm năng, Cảng HKQT Vân Đồn đang lên kế hoạch tổ chức nhiều sự kiện, chương trình xúc tiến thị trường trong năm 2019. Đầu tháng 3 vừa qua, hội nghị xúc tiến thị trường lần đầu tiên đã quy tụ tới hơn 60 hãng hàng không và hơn 100 công ty lữ hành đến tham dự nhằm tìm kiếm cơ hội mở đường bay, mở tour du lịch tới Quảng Ninh. Nhiều thỏa thuận hợp tác đã được ký kết ngay tại sự kiện.

Hiệu quả khai thác của sân bay Vân Đồn được kỳ vọng sẽ góp phần giúp Quảng Ninh đạt mục tiêu đón 15-16 triệu lượt du khách, trong đó có 7 triệu khách quốc tế vào năm 2020, 30 triệu lượt du khách với 15 triệu lượt khách quốc tế vào năm 2030. Từ đó đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, để Quảng Ninh trở thành trung tâm du lịch quốc tế, một trọng điểm du lịch hàng đầu quốc gia theo đúng quy hoạch tổng thể phát triển du lịch Quảng Ninh đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030.

Là sân bay cấp 4E (theo tiêu chuẩn của Tổ chức hàng không dân dụng quốc tế - ICAO), Cảng hàng không quốc tế Vân Đồn có thể đón được tất cả loại máy bay hiện đại trên thế giới. Sân bay có công suất nhà ga giai đoạn 1 đạt 2,5 triệu hành khách mỗi năm và dự kiến mở rộng lên 5 triệu khách/năm vào năm 2030.