19/01/2025 | 09:33 GMT+7, Hà Nội

Khách sạn, biệt thự nghỉ dưỡng: Phân khúc “anh cả” dẫn dắt thị trường Đà Nẵng

Cập nhật lúc: 22/08/2019, 08:00

Báo cáo mới nhất của Savills về thị trường bất động sản Đà Nẵng cho thấy, tiềm năng phát triển của địa phương này còn rất lớn với nhiều diễn biến khả quan...

Báo cáo mới nhất của Savills về thị trường bất động sản Đà Nẵng cho thấy, tiềm năng phát triển của địa phương này còn rất lớn với nhiều diễn biến khả quan, trong đó, phân khúc khách sạn, biệt thự nghỉ dưỡng đang từng bước “lên ngôi”.

Vẫn là thị trường tiềm năng

Đà Nẵng có vị trí trọng yếu cả về kinh tế - xã hội, an ninh quốc phòng và là đầu mối giao thông quan trọng về đường bộ, đường sắt, đường biển, hàng không… của các tỉnh miền Trung, Tây Nguyên cũng như các nước tiểu vùng Mê Kông.

Tạp chí du lịch danh tiếng “Live and Invest Overseas” bình chọn Đà Nẵng là một trong 10 địa điểm tốt nhất để sống ở nước ngoài năm 2018 với sự kết hợp hoàn hảo giữa “dư vị quá khứ” và “tinh thần đổi mới hiện đại”. Đà Nẵng còn được công nhận là “Thành phố xanh cấp quốc gia giai đoạn 2017 - 2018” do Tổ chức Bảo tồn thiên nhiên thế giới (WWF) bình chọn.

Bên cạnh vị thế và tiềm năng phát triển thì những nỗ lực của chính quyền trong việc đưa ra các chính sách ưu đãi, tạo điều kiện cho doanh nghiệp hoạt động là chìa khóa để thành phố bên bờ Sông Hàn giành “ngôi vương” trong việc thu hút đầu tư trong và ngoài nước.

Tp. Đà Nẵng.

Đầu năm 2019, Bộ Chính trị đã ban hành riêng một nghị quyết về xây dựng và phát triển thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, mở ra cho Đà Nẵng những thuận lợi về cơ chế, chính sách đặc thù trong xây dựng và phát triển, tạo đà để thành phố vươn lên một tầm cao mới, tạo động lực cho phát triển khu vực miền Trung - Tây Nguyên và cả nước.

Với những mục tiêu đặt ra, bất động sản TP. Đà Nẵng tiếp tục là thỏi nam châm thu hút đầu tư. Hàng loạt cơ chế, chính sách ưu đãi được Đà Nẵng ban hành và triển khai rộng rãi nhằm mở hướng tiếp cận các nhà đầu tư chiến lược, tìm kiếm các dự án tiềm năng vào thành phố. Nửa đầu năm 2019, Đà Nẵng đã thu hút được 1.823,6 tỷ đồng đầu tư trong nước, 507,033 triệu USD vốn đầu tư nước ngoài, gấp 3,3 lần so với cả năm 2018. Trong đó có 32 dự án cấp mới, 5 dự án tăng vốn, 51 lượt nhà đầu tư nước ngoài mua cổ phần, góp vốn. Lũy kế đến nay, Đà Nẵng có 323 dự án trong nước với tổng vốn đầu tư gần 97.700 tỷ đồng, 716 dự án FDI với tổng vốn 3,352 tỷ USD.

Rất nhiều nhà đầu tư nước ngoài như Singapore, Hoa Kỳ, Nhật Bản… đang đổ vốn vào Đà Nẵng, bất động sản lại càng trở thành kênh đầu tư hấp dẫn.

Mặc dù vừa trải qua “cơn sốt” ảo khiến thị trường có phần trầm lắng, đi ngang, song “cơn sốt” đất cũng để lại cho các nhà đầu tư nhiều bài học đáng giá. Đó là không lao vào “vòng xoáy” đầu tư theo đám đông, cần tỉnh táo lựa chọn chủ đầu tư uy tín, các dự án quy hoạch rõ ràng, nằm ở những vị trí giàu tiềm năng phát triển.

Khách sạn, biệt thự nghỉ dưỡng “lên ngôi”

Nhờ hưởng lợi từ tốc độ phát triển của ngành du lịch, phân khúc khách sạn và biệt thự nghỉ dưỡng ở Đà Nẵng thời gian qua đang có những tín hiệu tích cực, trở thành phân khúc dẫn dắt thị trường.

Biệt thự nghỉ dưỡng Đà Nẵng có tỷ lệ hấp thụ tốt.

Theo báo cáo của Savills Việt Nam, nguồn cung khách sạn tăng 20% theo năm, với khoảng 15.400 phòng từ 121 khách sạn 3 - 5 sao. Trong nửa đầu năm 2019, thị trường có thêm 2000 phòng khách sạn, và từ giờ đến cuối năm hơn 8000 phòng mới sẽ được đưa vào hoạt động.

Nửa đầu năm 2019, khách quốc tế đến Đà Nẵng đạt 1.8 triệu lượt, tăng 26% theo năm, thời gian lưu trú bình quân đạt 2.7 ngày. Bên cạnh đó là nguồn cầu nội địa rất ổn định với 2.5 triệu lượt khách, tăng 8.3% theo năm. Khả năng tiếp cận bằng đường hàng không trong thời gian qua đã và đang giúp Đà Nẵng dễ dàng phân tách khách du lịch, định hướng thị trường dành cho đối tượng trung - cao cấp. Tính đến nửa đầu năm 2019, Đà Nẵng có 31 đường bay quốc tế đến thành phố và 11 đường bay nội địa. Sự gia nhập thị trường của các hãng hàng không mới, các đường/chuyến bay mới đã thúc đẩy nguồn cầu cho thị trường khách sạn.

Hiện đang có 17 dự án biệt thự nghỉ dưỡng, 45 căn biệt thự sẽ được gia nhập thị trường nửa cuối năm 2019. Theo Savills, nguồn cung mới hạn chế và nguồn cầu ổn định đã dẫn đến tỷ lệ hấp thụ lũy kế của biệt thự nghỉ dưỡng hiện tại cao. Nuyên nhân quan trọng dẫn đến kết quả khả quan này là do danh tiếng của chủ đầu tư, chương trình cam kết lợi nhuận và các yếu tố gần biển.

Với quỹ đất ven biển hạn chế, và định hướng điều chỉnh quy hoạch chung thành phố Đà Nẵng với một trong hai hướng mũi nhọn là Đông Nam - khu vực bãi tắm Sơn Thủy, khu vực danh thắng Ngũ Hành Sơn và sông Cổ Cò, phân khúc biệt thự nghỉ dưỡng trong tương lai, bên cạnh các biệt thự ven biển, dự kiến sẽ đón nhận thêm các sản phẩm biệt thự ven sông.

Theo bà Đỗ Thị Thu Hằng, - Giám đốc bộ phận Nghiên cứu Savills Hà Nội - Đà Nẵng là thành phố du lịch có nhiều lợi thế thiên nhiên và nhân tạo, với bãi biển đẹp trải dài, bên cạnh đó là địa hình đa dạng để phát triển cả du lịch biển, núi và sông. Định hướng phát triển, quy hoạch đang quan tâm đầu tư về “chất” hướng đến không gian đô thị xanh, bền vững. Hạ tầng giao thông cũng đã phát triển đồng bộ.

Bên cạnh đó, các tiện ích cao cấp như sân golf, casino giúp thu hút thêm du lịch. Khách sạn vì vậy sẽ là phân khúc có sự phát triển rõ rệt nhất trong thời gian tới với nguồn cung đa dạng; khu vực sát biển không còn nhiều dư địa, vì vậy khu vực nằm trên tuyến đường ven biển Võ Nguyên Giáp và Trường Sa sẽ có cơ hội phát triển các khách sạn 3 - 4 sao.

Nguồn: http://dulich.reatimes.vn/khach-san-biet-thu-nghi-duong-phan-khuc-anh-ca-dan-dat-thi-truong-da-nang-20190820190539603.html