Khả năng cung ứng hàng hóa Tết vẫn đủ cho thị trường nội địa
Cập nhật lúc: 27/12/2021, 10:30
Cập nhật lúc: 27/12/2021, 10:30
Không có chuyện thiếu hàng hóa thiết yếu dịp Tết
Mọi năm, trước Tết Nguyên đán khoảng một tháng, thị trường tiêu dùng trong nước bắt đầu bước vào giai đoạn cao điểm mua sắm. Vào khoảng thời gian cận Tết, các sản lương thực, thực phẩm như thịt, cá, trứng, bánh mứt kẹo, rượu bia, nước giải khát,... sẽ là mặt hàng chủ lực, chiếm lĩnh thị trường.
Thế nhưng, hiện nay, trong bối cảnh đại dịch COVID-19 vẫn đang có diễn biến hết sức phức tạp và đang có chiều hướng bùng phát trở lại, nhất là tại Hà Nội và một số tỉnh, thành phố công nghiệp trọng điểm tại phía Nam. Điều này đã khiến nhiều doanh nghiệp sản xuất lương thực, thực phẩm, các mặt hàng thiết yếu phục vụ Tết Nguyên đán dè chừng khi hoạt động trở lại.
Một số doanh nghiệp khác dù đã hoạt động trở lại được được gần 2 tháng, nhưng năng lực sản xuất mới chỉ đạt 50% - 60% công suất, so với các năm trước khi có dịch bệnh.
Trao đổi với phóng viên Báo Nhà báo và Công luận, đại diện một doanh nghiệp sản xuất đồ uống tại Long An cho biết: “Cái khó của các doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động như chúng tôi, chính là phải đảm bảo quy trình sản xuất an toàn, theo quy định 5K của Bộ Y tế. Vì vậy, số lượng người trong nhà máy sẽ bị giới hạn, năng lực sản xuất cũng không thể đạt được 100% phục vụ nhu cầu trước Tết”.
Trước hiện tượng này, một số ý kiến lo ngại sẽ có hiện tượng thiếu hụt một lượng lớn hàng hóa thiết yếu phục vụ Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022, từ đó, đẩy giá hàng hóa lên cao.
Phủ nhận điều này, ông Đỗ Thắng Hải, Thứ trưởng Bộ Công Thương khẳng định: Khả năng cung ứng hàng hóa của các doanh nghiệp trong dịp Tết Nguyên đán năm nay vẫn đủ cho thị trường nội địa.
Theo ông Hải, báo cáo của Sở Công Thương các địa phương cho thấy, mặc dù dịch bệnh COVID-19 ảnh hưởng lớn đến sản xuất, tuy nhiên từ cuối năm 2021, các hoạt động kinh tế cũng đang được hồi phục dần nên công tác chuẩn bị Tết Nguyên đán đã được các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh chủ động triển khai sớm.
“Nguồn cung các mặt hàng khá dồi dào. Hầu hết các doanh nghiệp, tổng công ty đều cam kết thực hiện cung ứng đủ hàng hóa phục vụ nhu cầu tiêu dùng của người dân, không xảy ra tình trạng thiếu hàng, hoặc hàng hóa bị gián đoạn”, ông Hải cho biết
Tại một số địa phương phía Nam, mặc dù bị ảnh hưởng lớn tới hoạt động sản xuất, kinh doanh do áp dụng lệnh giãn cách xã hội để phòng, chống dịch trong một thời gian dài nhưng nhìn chung nguồn hàng thiết yếu phục vụ Tết cũng đã được các doanh nghiệp, hộ kinh doanh chuẩn bị tương đối tốt.
Tuy nhiên, Thứ trưởng Bộ Công Thương đánh giá, sức mua của người dân bị ảnh hưởng do điều kiện kinh tế còn khó khăn trong bối cảnh chịu tác động của dịch, nên lượng hàng chuẩn bị dự trữ nhìn chung tăng ít (khoảng 2-3%), thậm chí có mặt hàng không tăng so với năm trước, chủ yếu tập trung vào các mặt hàng thiết yếu.
“Căn cứ diễn biến cung cầu hàng hóa trên thị trường hàng ngày, các doanh nghiệp sẽ điều chỉnh tăng hoặc giảm lượng hàng nhập vào trong ngày hôm sau để đáp ứng yêu cầu mua sắm của người dân và hạn chế chi phí hủy hàng tươi sống do cung vượt cầu”, ông Hải nói.
Đảm bảo nguồn cung hàng hóa
Trong thời gian vừa qua, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Công Thương đã chủ động có phương án chỉ đạo các địa phương, doanh nghiệp sớm có kế hoạch ứng phó với các tình huống diễn biến của thị trường, kịp thời triển khai một số hoạt động như: Chỉ đạo các doanh nghiệp phân phối có hệ thống siêu thị trên địa bàn tiếp tục triển khai phương án tăng cường nguồn cung hàng hóa
Đặc biệt, các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu, bảo đảm đáp ứng đủ nhu cầu của người dân; có phương án dự trữ và cung ứng hàng hóa nhu yếu phẩm kịp thời phục vụ nhu cầu của nhân dân theo từng cấp độ của dịch bệnh...
Vì vậy, hiện tượng cầu tăng đột biến trong một vài thời điểm gây gián đoạn nguồn cung cục bộ tại một số điểm bán hàng tại một vài địa phương có ca nhiễm bệnh đã nhanh chóng được xử lý.
Theo ông Đỗ Thắng Hải, giá hàng hóa thực phẩm có biến động tăng tại các chợ trong những giai đoạn cầu tăng mạnh nhưng sau đó đã giảm trở lại. Tại các siêu thị, nguồn cung hàng hóa đầy đủ và giá được giữ ổn định hơn ngoài thị trường tự do.
Để góp phần bảo đảm nguồn cung hàng hóa, ổn định thị trường trong dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần, ông Hải cho biết, Bộ Công Thương sẽ làm việc với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về tình hình cung-cầu một số sản phẩm nông nghiệp thiết yếu, tình hình chăn nuôi gia súc và rau, củ quả nhằm bảo đảm đáp ứng đầy đủ nhu cầu lương thực, thực phẩm của người dân trong dịp Tết.
Bộ Công Thương cũng chỉ đạo các doanh nghiệp tiết giảm chi phí, hạ giá thành sản phẩm, thực hiện việc giảm giá bán theo mức giảm của các nhà cung cấp và theo thị trường nhằm cung ứng hàng hóa cho thị trường với giá hợp lý...
Phối hợp với các Bộ ngành trong việc tham mưu điều hành giá các mặt hàng do nhà nước quản lý giá, trong đó có mặt hàng xăng dầu nhằm góp phần kiểm soát lạm phát chung theo mục tiêu của Chính phủ.
Bộ cũng phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, ủy ban nhân dân và Sở Công Thương các tỉnh, thành phố, đơn vị có liên quan trên cả nước kịp thời xử lý các khó khăn trong lưu thông, phân phối hàng hóa nhằm không làm đứt gãy chuỗi cung ứng hàng hóa thiết yếu trong trường hợp dịch Covid-19 có diễn biến phức tạp.
Nguồn: https://congluan.vn/thu-truong-bo-cong-thuong-khong-co-chuyen-thieu-hang-hoa-thiet-yeu-dip-tet-post174355.html
18:54, 25/12/2021
06:20, 02/11/2021
06:18, 01/11/2021