22/11/2024 | 10:54 GMT+7, Hà Nội

Hyundai Tucson đối đầu Mazda CX-5: Khẳng định vị thế phân khúc crossover 5 chỗ

Cập nhật lúc: 18/07/2020, 09:23

Hyundai Tucson và Mazda CX-5 là hai đối thủ đồng cân đồng lạng nhất trong phân khúc Crossover 5 chỗ sôi động tại thị trường Việt Nam hiện nay.

Tính đến hết nửa đầu năm 2020, Tucson và CX-5 lần lượt chiếm vị trí số hai và số ba về doanh số trong phân khúc C-SUV/crossover tại thị trường Việt Nam với số xe bán được lần lượt là 3.322 và 3.018 xe, xếp sau đối thủ Honda CR-V với 3.797 xe. Còn nếu chỉ tính trong những chiếc xe 5 chỗ, đây là hai mẫu xe hot nhất trong phân khúc.

Phân khúc C-SUV/crossover ở Việt Nam hiện nay bị xé lẻ và chia nửa. Một bên là những Honda CR-V, Nissan X-Trail, Mitsubishi Outlander cố gắng nhồi nhét thêm hai ghế nhỏ ở khoang hành lý để nâng tầm chiếc xe lên thành 7 chỗ, mà thực chất là chỉ là 5+2 khi hai ghế nhỏ chỉ phù hợp với trẻ nhỏ. Trong đó, chỉ có CR-V là thành công bởi cái bóng lớn của mẫu xe thương hiệu Honda, còn hai đồng hương Nhật Bản còn lại đành yên phận ở chiếu dưới.

Tucson và CX-5 còn lại là hai đại diện C-SUV thuần chất nhất, không chạy theo xu thế 5+2 như các đối thủ (có lẽ bởi đã có hai đàn anh Santa Fe và CX-8 dành cho khách hàng thích SUV 7 chỗ đúng nghĩa). Nhà sản xuất vì thế có thể tập trung chăm chút cho chiếc xe từ trong ra ngoài, tạo nên một lựa chọn đáng cân nhắc cho khách hàng. Hãy xem khi đối đầu với nhau, hai mẫu xe có những gì để thuyết phục khách hàng.

1. Thiết kế ngoại thất: Tucson lịch lãm - CX-5 đậm chất chơi

Tucson và CX-5 đi theo hai phong cách thiết kế khác nhau. Mẫu xe đến từ Nhật Bản vẫn giữ phong cách Kodo, phiên bản mới được gọi với cái tên thế hệ 6.5. Phần đầu xe sở hữu cụm lưới tản nhiệt kiểu miệng cười đã trở thành đặc điểm nhận dạng của hãng. Liền kề với lưới tản nhiệt vẫn là cụm đèn pha LED projector thiết kế vuốt mỏng cùng với hai dải LED ban ngày nổi bật. Đèn pha tích hợp chức năng tự động bật/tắt và cân bằng góc chiếu. Nhìn từ góc ngang, Mazda CX-5 mang phong cách “dân chơi” kiểu dáng báo vồ mồi, một điểm nhấn đặc trưng của ngôn ngữ thiết kế KODO.

Ngược lại, Hyundai Tucson mang phong cách lịch lãm, trang nhã với lưới tản nhiệt tầng Cascading Grille. Phiên bản Tucson Facelift sở hữu các cụm đèn kiểu dáng sắc nhọn kéo tới hai góc kết thúc của lưới tản nhiệt. Ở phía trước, lưới tản nhiệt hình thang góc cạnh sắc sảo và cứng cáp hơn với 4 thanh ngang mạ chrome đặt song song. Cụm đèn pha đặt cạnh dải đèn LED ban ngày hình chữ L được mở rộng từ hai góc trên. Ở phía sau, đèn hậu công nghệ LED được thiết kế theo phong cách đơn giản nhưng không kém phần tinh tế, cặp đèn phản quang được đẩy lên cao hơn, đặt đối xứng qua biển số. Cánh chia gió nhỏ phía sau giúp Tucson trông cuốn hút và thể thao. Phiên bản Tucson Turbo được trang bị ống xả kép.

Cả hai đều sử dụng công nghệ chiếu sáng dạng LED nhưng ở CX-5 là một cụm thấu kính mỗi bên, còn ở Tucson lên đến 5 cụm thấu kính cho mỗi bên. Hiệu quả chiếu sáng theo như nhiều người sử dụng đều đánh giá Tucson nhỉnh hơn mẫu xe đối thủ.

2. Thiết kế nội thất: Hướng đến sự tiện nghi

Cả Hyundai Tucson và Mazda CX-5 đều hướng đến sự tiện nghi, tận hưởng tối đa dành cho người lái lẫn hành khách đi cùng. Tuy vậy, sự khác biệt vẫn làm nên nét riêng cho hai mẫu xe.

Điểm nhấn nội thất Tucson là màn hình cảm ứng trung tâm 8 inch được thiết kế mới dạng Fly-Monitor hỗ trợ Apple Carplay, bản đồ định vị dẫn đường vệ tinh dành riêng cho thị trường Việt Nam với nhiều thông tin hữu ích cùng các kết nối giải trí quen thuộc như Bluetooth/Radio FM/AM/AUX/USB hỗ trợ file đa định dạng. Bộ xử lý Arkamys Premium Sound với DAC SAF775X giải mã kỹ thuật số chuẩn 24bit/192khz được sử dụng.

Mazda CX-5 sử dụng với đầu DVD, hệ thống điều khiển Mazda Connect và hệ thống âm thanh 10 loa Bose tương tác trên màn hình 7 inch. Cả hai đều trang bị ghế ngồi bọc da cao cấp với ghế lái chỉnh điện. Hàng ghế thứ hai có thể gập phẳng theo tỷ lệ 40:20:40 trên Mazda CX-5 và tỉ lệ 60:40 trên Hyundai Tucson. Điểm nổi trội của Tucson đó là hàng ghế thứ hai điều chỉnh được độ nghiêng, và ghế hành khách trước chỉnh điện 8 hướng.

3. Động cơ hộp số - Khả năng vận hành - An toàn: Sự khác biệt rõ rệt

Nếu như người tiêu dùng vẫn còn phân vân giữa sự ngang sức của thiết kế hai xe, thì đến phần động cơ hộp số, sự khác biệt của hai xe đã khá rõ ràng.

Hyundai Tucson mang đến ba lựa chọn động cơ hộp số

Động cơ Turbo phun xăng trực tiếp 1.6L T-GDi cho công suất cực đại 177 mã lực tại 5.500 vòng/phút cùng Momen xoắn cực đại 265Nm tại 1.500 - 4.500 vòng/phút đi kèm hộp số ly hợp kép 7 cấp DCT.

Động cơ Diesel R 2.0L áp dụng công nghệ van biến thiên điều khiển điện tử eVGT kết hợp phun nhiên liệu trực tiếp CRDi cho công suất tối đa 185 mã lực tại 4.000 vòng/phút cùng Momen xoắn cực đại 400Nm tại 1.750 - 2.750 vòng/phút đi kèm hộp số tự động 8 cấp.

Động cơ xăng Nu 2.0L MPI, cho công suất 155 mã lực tại 6.200 vòng/phút, cùng momen xoắn 192 Nm tại 4.000 vòng/phút đi kèm hộp số tự động 6 cấp.

Mazda CX-5 đem đến ít sự lựa chọn hơn

Động cơ xăng Skyactive 2.0L cho công suất tối đa 154 mã lực tại 6.000 vòng/phút cùng Momen xoắn cực đại 200Nm tại 4.000 vòng/phút.

Động cơ xăng Sky active 2.5L cho công suất tối đa 185 mã lực và 250Nm Momen xoắn. Cả hai phiên bản động cơ đều sử dụng hộp số tự động 6 cấp.

Các công nghệ an toàn của hai xe tương tự nhau với đầy đủ những ABS, ESC, BA, EBD…Tucson nhỉnh hơn ở hệ thống ổn định kiểm soát thân xe VSM và hệ thống hỗ trợ xuống dốc DBC.

Sức hấp dẫn của hai mẫu xe thể hiện bằng doanh số rất tốt của mình trong nửa đầu năm 2020. Nếu như CX-5 khẳng định được tên tuổi của mình từ 2013-2014, Tucson thế hệ hiện tại chỉ được bắt đầu bán từ 2015 dưới dạng nhập khẩu nguyên chiếc. Mẫu xe Hàn Quốc phải “vượt khó” khi không chỉ cạnh tranh với những CR-V, CX-5 mà còn phải nỗ lực vượt qua cái định kiến “xe Hàn” của thị trường. Sự nỗ lực đó đến lúc này tạm thời thành công và có lẽ CX-5 sẽ tiếp tục bị Tucson vượt qua về doanh số khi kết thúc năm 2020 và có thể là những năm kế tiếp khi chất lượng của xe đã được khẳng định, đồng thời sự cải tiến luôn diễn ra một thường xuyên.