19/01/2025 | 01:39 GMT+7, Hà Nội

Bắc Ninh: Chuyện “lạ đời” - Hàng trăm hộ dân ngang nhiên lấn chiếm, sử dụng đất sai mục đích

Cập nhật lúc: 01/04/2019, 20:40

Tháng 7 năm 2018, hàng loạt lãnh đạo, cán bộ xã Long Châu, huyện Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh đã bị khởi tố, bắt tạm giam liên quan đến vi phạm về đất đai. Sau gần 1 năm, người thì đã bị bắt, nhưng thực trạng lấn chiếm đất thì vẫn chưa được giải quyết dứt điểm.

Đại án từ đất đai

Ngày 23/3/2017, ông Nguyễn Duy Phúc, Phó Chủ tịch UBND huyện Yên Phong đã ban hành Kết luận thanh tra số 302/KL-UBND nêu rõ hàng loạt sai phạm trong quản lý đất đai và bán đất trái thẩm quyền tại xã Long Châu, huyện Yên Phong.

UBND huyện Yên Phong kết luận: UBND xã Long Châu buông lỏng công tác quản lý đất đai trên địa bàn để lãnh đạo HTX và thôn Chi Long giao cấp đất trái thẩm quyền trong suốt thời gian dài không được xem xét xử lý; tình trạng một số hộ gia đình lấn, chiếm, sử dụng đất sai mục đích không có biện pháp ngăn chặn, không xử lý các sai phạm kịp thời... để công dân bức xúc, đơn thư tố cáo vượt cấp ảnh hưởng đến tình hình an ninh, chính trị chung của huyện.

Chợ tạm lấn chiếm đất trái phép tại thôn Mẫn Xá

Chợ tạm lấn chiếm đất trái phép tại thôn Mẫn Xá

Đến ngày 30/7/2018, CQCSĐT CA huyện Yên Phong ra Quyết định khởi tố bị can đối với các ông: Nguyễn Năng Bình, SN 1960; Nguyễn Văn Sơn, SN 1958; Nguyễn Văn Phi, SN 1951; Nguyễn Văn Cương (tên gọi khác là Nguyễn Xuân Cương), SN 1952; Nguyễn Văn Thịnh, SN 1977, đều cùng ở thôn Chi Long, xã Long Châu và ra lệnh bắt tạm giam đối với ông Nguyễn Văn Cương và Nguyễn Văn Thịnh để tiếp tục điều tra về hành vi phạm tội “Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi thành công vụ” quy định tại Điều 181, BLHS năm 1999.

Có thể thấy, năm 2018 là một năm “đại hạn” với cơ quan quản lý địa phương xã Long Châu, khi mà hàng loạt cán bộ bị cách chức và bắt giữ. Thế nhưng, thực trạng người dân lấn chiếm đất đai, xây dựng các ki ốt trái phép vẫn còn tồn tại, thách thức pháp luật mà không được giải quyết triệt để.

Theo đó, trên địa bàn huyện Yên Phong còn đến gần 600 hộ dân vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai, rải rác khắp nơi, đặc biệt ở các xã giáp ranh khu công nghiệp. Ngay tại một thôn nhỏ như thôn Mẫn Xá, thuộc xã Long Châu, sau nhiều lần tổ chức cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai cũng chỉ “giải quyết” được một số trường hợp, vẫn còn đến hàng chục hộ vi phạm lấn chiếm đất công, tự ý dựng lều lán, hàng quán để kinh doanh buôn bán, tập kết vật liệu xây dựng trái với quy định pháp luật.

Bất lực hay yếu kém?

Ngày 28/3/2019, phóng viên (pv) đã có sự trao đổi với ông Nguyễn Bá Canh, Chủ tịch UBND xã Long Châu, kiêm Bí thư chi bộ Đảng. Theo đó, ông Canh cho biết mặc dù UBND xã đã tiến hành cưỡng chế, lập biên bản và tuyên truyền nhiều lần, tuy nhiên với diễn biến phức tạp, hành vi lấn chiếm đất đai trái phép của người dân chưa thể giải quyết dứt điểm. Nguyên nhân là do người dân liên tục xây dựng lại những ki ốt, lán tạm tại những vị trí từng bị cưỡng chế tháo dỡ khi không có sự kiểm tra, giám sát của lực lượng chức năng.

Theo ông Canh, tình trạng người dân thôn Mẫn Xá lấn chiếm, sử dụng đất sai mục đích đã diễn ra từ năm 2009. Ngày 02/5/2018 UBND xã Long Châu đã tổ chức thi hành cưỡng chế lần thứ 2. Hiện nay, UBND xã đang tiến hành lập biên bản để tiến hành cưỡng chế lần cuối cùng vào cuối tháng 6 năm 2019, chấm dứt tình trạng lấn chiếm đất công hiện tại.

Khu vực lấn chiếm có thể nhìn thấy từ vệ tinh của Google (phần gạch đỏ)

Ông Canh cũng cho biết, một phần lý do khiến việc thi hành cưỡng chế gặp khó khăn chính là sự bất nhất trong công tác xử lý. Khi mà lực lượng dân quân, tự vệ thôn thì e ngại trước hàng xóm láng giềng, lực lượng công an thì quá mỏng (chỉ 12 chiến sĩ); sự bất hợp tác từ chính Điện lực Yên Phong, đơn vị bị người dân “câu trộm” điện để sử dụng tại khu vực vi phạm hành chính đất đai, nhưng lại không có bất kỳ đối sách nào ngoài “đẩy” cho xã... xử phạt hành chính.

Ngành điện phải quản lý. Để người dân mắc điện trái phép, kéo dài hàng kilomet mà không đả động gì, trong khi chỉ cần cắt điện đi, không có điện sinh hoạt thì đố ai dám vi phạm? Nếu làm mạnh, làm rắn, kể cả ngành điện cùng tham gia thì xử lý không khó.”, ông Nguyễn Bá Canh nhận xét.

Được biết, chỉ riêng trên địa bàn thôn Mẫn Xá, UBND xã Long Châu đã tiến hành lập biên bản với 10 trường hợp lấn chiếm đất công trình thủy lợi và 49 hộ xây dựng quán bán hàng trên diện tích đất nông nghiệp. Các hộ dân có diện tích lấn chiếm lớn có thể kể đến như gia đình bà Nguyễn Thị Tấn với 132 m2, gia đình ông Nguyễn Văn Hàn với 273 m2, gia đình ông Nguyễn Văn Bảy với 209 m2...

Danh sách 49 hộ dân lấn chiếm đất đai trái phép tại thôn Mẫn Xá

Danh sách các hộ dân lấn chiếm đất đai trái phép địa bàn thôn Mẫn Xá

Liệu UBND xã Long Châu có thể thực hiện được mục tiêu cuối tháng 6/2019 sẽ hoàn tất việc cưỡng chế xử lý vi phạm đất đai tại địa bàn, khi mà tình trạng sai phạm này đã kéo dài được 10 năm, từ năm 2009? Phải chăng, việc xử lý chậm trễ, “dài hơi” như vậy là do sự buông lỏng quản lý của chính quyền địa phương, hay là sự "cố chấp" của người dân? Long Châu có một lần nữa “tái hiện” sự việc hơn chục lãnh đạo, cán bộ xã bị tạm giam liên quan đến vi phạm đất đai năm 2018? Câu trả lời phụ thuộc vào hành động thực chất, chứ không phải chỉ trên giấy tờ.

Chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin đến bạn đọc ./.