19/01/2025 | 02:22 GMT+7, Hà Nội

Hướng đi nào cho kỳ thi THPT quốc gia?

Cập nhật lúc: 25/07/2018, 21:00

Sự cố tiêu cực, gian lận kết quả thi THPT quốc gia vừa qua tại một số địa phương khiến niềm tin của thí sinh, phụ huynh và các trường đại học bị giảm sút trầm trọng. Nhiều ý kiến cho rằng cách tổ chức như hiện nay khó tránh khỏi tiêu cực. Vậy hướng đi nào cho kỳ thi THPT quốc gia những năm tới?

Thí sinh thi THPT quốc gia 2018 tại TPHCM. Ảnh: VGP/Gia Mỹ

Thí sinh thi THPT quốc gia 2018 tại TPHCM. Ảnh: VGP/Gia Mỹ

Gian lận thi cử: Điều đã được cảnh báo trước

Theo ông Nguyễn Quốc Cường, Phó Ban đào tạo, Hội Giáo dục Nghề nghiệp TPHCM, gian lận trong thi cử khi giao quyền tổ chức, chấm thi về cho các địa phương là điều đã được cảnh báo từ trước chứ không phải ngẫu nhiên xuất hiện.

“Cách đây 5 năm, tôi và nhiều người có kinh nghiệm trong lĩnh vực tuyển sinh đã có ý kiến về vấn đề này với Bộ GD-ĐT rồi nhưng các ý kiến đều bị bỏ ngoài tai. Tại những cuộc họp góp ý cho kỳ thi “2 trong 1” này, những người tâm huyết với giáo dục đã phản ứng, cảnh báo điều này. Giao quyền tổ chức thi THPT quốc gia về cho địa phương, tiêu cực là điều khó tránh khỏi”, cựu chuyên viên tuyển sinh của Cơ quan Đại diện Bộ GD-ĐT tại TPHCM bức xúc nói.

Cùng suy nghĩ, PGS, TS Đỗ Văn Dũng, Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật TPHCM cho rằng, việc thay đổi liên tục cách tổ chức kỳ thi THPT quốc gia đã dẫn đến nhiều điều không mong muốn. Hai năm đầu tiên, khi Bộ GD-ĐT giao quyền tổ chức và chấm thi THPT quốc gia cho các trường đại học, kết quả kỳ thi rất mình bạch, thuận tiện cho việc tuyển sinh. Thế nhưng, tỷ lệ thí sinh tốt nghiệp THPT giảm mạnh khiến nhiều địa phương bị… sốc. Sau đó không lâu, Bộ GD-ĐT giao quyền tổ chức và chấm thi về cho sở GD-ĐT các địa phương, từ đó phát sinh hàng loạt tiêu cực, đặc biệt là gian lận điểm số.

PGS, TS Đỗ Văn Dũng nhấn mạnh: “Tiêu cực thi cử là điều không thể tránh khỏi nếu đưa kỳ thi về địa phương tổ chức vì địa phương là thế. Ai chả muốn con em mình tốt nghiệp điểm cao, ai chả muốn con em mình vào trường tốt. Văn hóa chủ nghĩa địa phương khiến nhiều sở GD-ĐT các tỉnh, thành cố gắng phù phép để tỷ lệ thí sinh tốt nghiệp THPT của địa phương mình cao hơn. Như vậy thì có tổ chức chấm chéo để hạn chế tiêu cực, các địa phương vẫn có thể thương lượng với nhau nhằm nâng đỡ thí sinh của mình”.

Nên bỏ hay giữ kỳ thi THPT quốc gia?

Trước hàng loạt vụ tiêu cực thi cử đã và đang bị phát hiện, nhiều người đặt ra câu hỏi có nên tiếp tục duy trì kỳ thi THPT quốc gia hay không?

Về vấn đề này, TS Nguyễn Đức Nghĩa, nguyên Phó Giám đốc Đại học quốc gia TPHCM, người nằm trong Ban chỉ đạo kỳ thi THPT quốc gia suốt nhiều năm qua cho rằng, đã đến lúc phải thay đổi cách nhìn về việc thi cử. Theo ông Nghĩa, nếu dùng một kỳ thi tầm quốc gia để xét tốt nghiệp thì quá tốn kém vì hiện nay rất ít thí sinh không đậu tốt nghiệp THPT.

“Nên chăng chúng ta nghĩ đến việc xét tốt nghiệp THPT sau khi các em học sinh hoàn tất chương trình THPT. Theo tôi, chúng ta nên sửa Luật giáo dục để giao quyền xét tốt nghiệp THPT về cho các sở GD-ĐT địa phương, thậm chí là giao cho các trường THPT. Việc tổ chức thi nếu có là của các trường đại học. Như vậy sẽ đỡ tốn kém và hạn chế tiêu cực. Nếu các trường đại học cảm thấy tin tưởng thì có thể tuyển sinh dựa vào kết quả xét tốt nghiệp của các địa phương”, TS Nguyễn Đức Nghĩa đề xuất.

Với kinh nghiệm hơn 15 năm trong lĩnh vực tuyển sinh, ông Nguyễn Quốc Cường cũng cho rằng việc duy trì mục đích xét tốt nghiệp của kỳ thi THPT quốc gia là tốn kém và không cần thiết. Thay vào đó hãy trao giấy chứng nhận hoàn thành chương trình THPT và giao quyền tự chủ tuyển sinh về cho các trường. Bởi thực tế cho thấy dù khẳng định kỳ thi “hiệu quả, an toàn, nghiêm túc” thì tỷ lệ tốt nghiệp THPT của các địa phương vẫn xấp xỉ 100%.

“Nếu vậy thì mục đích xét tốt nghiệp không cần nữa vì có bao nhiêu thí sinh rớt tốt nghiệp đâu. Vậy nên theo tôi nên bỏ kỳ thi THPT quốc gia, tập trung vào khâu tổ chức thi tuyển sinh của các trường đại học uy tín. Tự chủ tuyển sinh, các trường sẽ chọn được những thí sinh phù hợp, có chất lượng thực sự.

Việc này đang thể hiện rõ thông qua kỳ thi đánh giá năng lực của nhiều đại học lớn như Đại học quốc gia Hà Nội, Đại học quốc gia TPHCM, Trường Đại học FPT… Công nghệ giờ phát triển rồi, thi tuyển sinh đâu nhất thiết thí sinh phải thi tập trung như trước kia, trừ các môn năng khiếu. Các trường có thể tổ chức thi trên máy tính, rất tiết kiệm và hiệu quả vì với dạng đề đánh giá năng lực như hiện nay, rất khó để sử dụng tài liệu hay các biện pháp gian lận”, ông Nguyễn Quốc Cường phân tích thêm.

Tuy nhiên, cũng có ý kiến cho rằng vẫn có thể tiếp tục duy trì kỳ thi THPT quốc gia nhưng hãy giao quyền coi thi và chấm thi về cho các trường đại học để đảm bảo sự minh bạch, nghiêm túc. Bên cạnh đó, Bộ GD-ĐT cần áp dụng thêm các biện pháp công nghệ để bảo vệ bài thi vì hiện tại vẫn còn nhiều kẽ hở dễ dẫn đến tiêu cực đối với các bài thi trắc nghiệm. Phải tìm mọi cách để niêm phong các bài thi tô bằng bút chì này để tránh trường hợp sửa đáp án, điều chỉnh điểm thi như đã diễn ra.