19/01/2025 | 09:42 GMT+7, Hà Nội

Hướng dẫn kiểm tra công tác nghiệm thu công trình xây dựng liên quan đến việc sử dụng gạch không nung

Cập nhật lúc: 19/02/2019, 09:30

Sau khi nhận được Công văn số 442/UBND-XDNĐ ngày 14/01/2019 của UBND tỉnh Khánh Hòa về việc vướng mắc trong thực hiện kiểm tra công tác nghiệm thu công trình từ 9 tầng trở lên sử dụng nguồn vốn ngoài Nhà nước liên quan đến việc sử dụng gạch không nung, Bộ Xây dựng đã có văn bản trả lời gửi UBND tỉnh Khánh Hòa.

Ảnh minh họa. (Nguồn: Internet)

Theo quy định tại Điều 12, Điều 16, Nghị định số 139/2017/NĐ-CP ngày 27/11/2017 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động đầu tư xây dựng; khai thác, chế biến, kinh doanh khoáng sản làm vật liệu xây dựng, sản xuất, kinh doanh vật liệu xây dựng; quản lý công trình hạ tầng kỹ thuật; kinh doanh bất động sản, phát triển nhà ở, quản lý sử dụng nhà và công sở (Nghị định số 139/2017/NĐ-CP), người quyết định đầu tư, chủ đầu tư công trình có hành vi vi phạm về thiết kế xây dựng công trình, thi công xây dựng công trình không tuân thủ quy định về vật liệu xây không nung ngoài việc bị phạt tiền còn phải áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả buộc phải điều chỉnh thiết kế, lập lại dự toán để phê duyệt lại và buộc đảm bảo tỷ lệ sử dụng vật liệu xây không nung trong trường hợp công trình đang thi công xây dựng.

Trường hợp nhà thầu tư vấn thiết kế, nhà thầu thi công, nhà thầu giám sát vi phạm quy định về thiết kế, dự toán xây dựng công trình, thi công xây dựng công trình, giám sát thi công xây dựng công trình không tuân thủ quy định về vật liệu xây không nung tại Điều 29, Điều 32, Điều 33, Nghị định số 139/2017/NĐ-CP thì bị phạt tiền, tước quyền sử dụng chứng chỉ hành nghề của chủ nhiệm, chủ trì thiết kế từ 06 đến 12 tháng và áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả buộc đưa vào thiết kế, dự toán chủng loại, tỷ lệ vật liệu xây dựng theo quy định, buộc sử dụng vật liệu không nung theo quy định trong trường hợp công trình đang thi công xây dựng.

Nghị định số 139/2017/NĐ-CP không quy định việc áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả đối với trường hợp công trình đã hoàn thành thi công xây dựng.

Trường hợp công trình không tuân thủ quy định về vật liệu xây không nung nhưng đã xử lý vi phạm theo quy định của Nghị định số 139/2017/NĐ-CP và đáp ứng được các điều kiện để nghiệm thu hoàn thành hạng mục công trình, công trình xây dựng theo quy định tại Điều 31, Nghị định số 46/2015/NĐ-CP thì cơ quan chuyên môn về xây dựng theo thẩm quyền thực hiện việc kiểm tra công tác nghiệm thu của chủ đầu tư và có thể xem xét chấp thuận kết quả nghiệm thu của chủ đầu tư theo quy định tại Điều 32, Nghị định số 46/2015/NĐ-CP và Điều 13, Thông tư số 26/2016/TT-BXD ngày 26/10/2016 của Bộ trưởng Bộ Xây dựng quy định chi tiết một số nội dung về quản lý chất lượng và bảo trì công trình xây dựng.

Các công trình đặc thù không sử dụng vật liệu không nung phải được cơ quan có thẩm quyền theo quy định tại khoản 6, Điều 4 Thông tư số 13/2017/TT-BXD ngày 8/12/2017 của Bộ trưởng Bộ Xây dựng quy định sử dụng vật liệu không nung trong các công trình xây dựng xem xét, chấp thuận.

Trường hợp không có ý kiến chấp thuận của cơ quan có thẩm quyền đối với công trình đặc thù không sử dụng vật liệu không nung thì cơ quan nhà nước có thẩm quyền khi thẩm định các dự án đầu tư xây dựng công trình phải bảo đảm việc sử dụng vật liệu xây không nung theo đúng các quy định là yêu cầu bắt buộc theo khoản 5, Điều 4 Thông tư số 13/2017/TT-BXD.

Về các nội dung xin ý kiến hướng dẫn chuyên môn nghiệp vụ khi kiểm tra công tác nghiệm thu công trình xây dựng theo Văn bản số 4550/SXD-KTCL ngày 20/11/2018 của Sở Xây dựng tỉnh Khánh Hòa, Bộ Xây dựng đã có ý kiến tại Văn bản số 05/BXD-GĐ ngày 28/01/2019 về việc kiểm tra công tác nghiệm thu công trình xây dựng.

Khánh An