19/01/2025 | 15:15 GMT+7, Hà Nội

Hơn 600 tiểu thương chợ Đông Hương bất an trước thông tin quy hoạch chợ mới

Cập nhật lúc: 17/12/2020, 09:56

Hàng trăm tiểu thương tại chợ đầu mối Đông Hương đã phản ứng trước thông tin TP Thanh Hóa đưa ra lý do để quy hoạch chợ mới. Và cho rằng, quy hoạch chợ đầu mối mới là không thuyết phục.

Lời tòa soạn:

Thực tế, không ít chợ đầu mối đặt nhầm chỗ, thiết kế không hợp lý, nằm xa trung tâm, bất cập trong quy hoạch đã được báo chí phản ánh... là những lý do khiến hàng loạt các khu chợ đầu mối được đầu tư hàng chục tỷ ở ven đô không hút được tiểu thương tới buôn bán.

Hậu quả là, những khối tài sản lớn ngày càng trở nên hoang tàn, còn chợ thì vẫn thiếu, trong khi tiểu thương thì lo nơm nớp về cuộc sống của mình. Vấn đề đặt ra là việc khảo sát, đánh giá, nghiên cứu việc quy hoạch, chấp thuận chủ trương chợ đầu mối nêu cần phải căn cứ vào đánh giá thực tiễn và kế hoạch rõ ràng.

Tại Thanh Hóa, nhiều chợ trên địa bàn tỉnh được đầu tư tiền tỷ nhưng xây xong thì bỏ hoang vì việc khảo sát vị trí đặt chợ chưa phù hợp, gây lãng phí nguồn lực của doanh nghiệp và nhà nước.

Bài học cũ vẫn còn đó và câu chuyện hàng trăm tiểu thương chợ đầu mối nông lâm sản Đông Hương gửi đơn kiến nghị tới lãnh đạo Tỉnh ủy, UBND tỉnh Thanh Hóa, đề nghị không quy hoạch chợ đầu mối phía Bắc thành phố Thanh Hóa đặt ra vấn đề mang tính tính pháp lý về quy hoạch, quản lý, hiệu quả hoạt động khi đầu tư xây dựng chợ. 

Hơn 600 tiểu thương ký đơn, đề nghị không quy hoạch chợ đầu mối mới

UBND thành phố Thanh Hóa vừa có văn bản đề nghị UBND tỉnh và các sở, ngành có liên quan xem xét quy hoạch 1 chợ đầu mối nông lâm sản tại khu vực phía Bắc thành phố Thanh Hóa, thuộc địa giới hành chính huyện Hoằng Hóa với diện tích 30-40ha.

UBND thành phố Thanh Hóa cho rằng, thành phố đã được quy hoạch 01 chợ đầu mối rau quả Đông Hương tại phường Đông Hương, hiện đang kinh doanh khai thác. Tuy nhiên do diện tích nhỏ hẹp (3,7ha) vị trí trung tâm thành phố nên gặp những bất cập như ách tắc giao thông, khó khăn trong công tác vệ sinh môi trường, chưa đáp ứng được nhu cầu sử dụng của người dân. Do đó, việc quy hoạch thêm 1 chợ đầu mối nông lâm sản của tỉnh tại khu vực phía Bắc thành phố, đáp ứng nhu cầu mua bán, trao đổi của người dân trong tương lai là cần thiết.

Trước thông tin này, hầu hết các tiểu thương kinh doanh tại chợ đầu mối Đông Hương đều bày tỏ sự hoang, mang lo lắng vì nếu đề xuất này được thông qua, chợ mới được xây dựng, sẽ ảnh hưởng đến công việc, cuộc sống hiện tại của họ. Nếu quy hoạch, xây thêm chợ đầu mối phía Bắc thành phố, có thể họ phải chuyển chợ một lần nữa.

Cũng vì nghe thông tin trên mà mấy đêm nay bà L.H. (gần 60 tuổi), một tiểu thương tại chợ đầu mối Đông Hương mất ăn, mất ngủ: “Năm 2013 những hộ dân kinh doanh nhỏ lẻ, tự phát trên địa bàn thành phố Thanh Hóa được quy tụ vào chợ đầu mối Đông Hương. Qua nhiều năm vất vả, lăn lộn với gánh hàng, mãi đến 2016 thì tiểu thương chợ đầu mối Đông Hương mới bắt đầu có mối hàng và tạm ổn định cuộc sống. Chúng tôi vừa tạo dựng được cơ ngơi để kinh doanh buôn bán ở chợ đầu mối Đông Hương, thì lại có thông tin chợ chưa đáp ứng được nhu cầu sử dụng nên cần quy hoạch xây chợ mới khiến bà con đau đầu mệt mỏi vì sợ phải chuyển chợ một lần nữa.

Nếu nói chợ chưa đáp ứng được nhu cầu sử dụng là không đúng. Hiện tại, rất nhiều ki-ốt tại chợ đang còn trống và chưa hoạt động hết công suất. Nếu không tin các chú cứ xuống mà xem, từ 12 giờ chưa đến 3h chiều, chợ vắng như "chùa bà đanh". Bà con tiểu thương ở đây đa phần là người có tuổi. Bây giờ họ xin quy hoạch, cho xây chợ mới rồi (nếu) bắt chúng tôi chuyển đi nơi khác chúng tôi cũng không đi. Có kéo chúng tôi đi chúng tôi cũng không đi”, bà H. nói

Nhiều hộ dân tại chợ đầu mối Đông Hương lo lắng bất an vì thành phố Thanh Hóa xin quy hoạch chợ đầu mối phía Bắc thành phố.

Được biết, năm 2013, UBND thành phố Thanh Hóa đã ban hành kế hoạch việc bố trí sắp xếp và di chuyển các điểm kinh doanh nhỏ lẻ, tự phát trên địa bàn thành phố vào chợ đầu mối Đông Hương.

Kế hoạch này nêu rõ: “Việc bố trí sắp xếp và di chuyển các điểm kinh doanh nhỏ lẻ, tự phát trên địa bàn thành phố vào chợ đầu mối Đông Hương nhằm tạo điều kiện cho các hộ kinh doanh có địa điểm kinh doanh ổn định, lâu dài, phát triển, mang lại hiệu quả kinh tế xã hội, đảm bảo an ninh, trật tự, án toàn vệ sinh môi trường, đáp ứng yêu cầu chỉnh trang đô thị, phát triển của thành phố trong thời gian tới”.

Theo đó, năm 2013, UBND thành phố, UBND tỉnh Thanh Hóa đã rất vất vả trong việc dẹp bỏ các điểm chợ cóc, chợ tạm, tự tự phát trên địa bàn thành phố để đưa tiểu thương quy tụ về chợ đầu mối Đông Hương. Thế nhưng, khi tiểu thương vừa tạm ổn định cuộc sống tại khu chợ mới thì thông tin trên đang gây hoang mang cho nhiều tiểu thương.

Bà L.O., một tiểu thương khác chia sẻ: “Trước khi được chuyển xuống chợ đầu mối Đông Hương, lãnh đạo thành phố cam kết cho tiểu thương được kinh doanh lâu dài, ổn định. Chúng tôi tin tưởng về thông báo của cấp có thẩm quyền nên mới chuyển xuống đây. Bây giờ lại đưa ra lý do là khó khăn trong vì bất cập giao thông, khó khăn công tác vệ sinh môi trường, chưa đáp ứng được nhu cầu sử dụng của người dân, để xin quy hoạch và xây chợ mới là không thỏa đáng, không đúng cam kết của thành phố trước đó.

Trong khi thực tế, công tác an ninh, vệ sinh môi trường và các mặt hàng cung cấp cho người dân thành phố đều rất đa dạng, phong phú. Mọi hoạt động tại chợ đều đã đi vào quy cũ, ổn định. Với thông tin xin quy hoạch xây dựng chợ đầu mối mới, cuộc sống của các tiểu thương sẽ ra sao? Chúng tôi có phải chuyển chợ một lần nữa không?".

Theo khảo sát, có rất nhiều tiểu thương tại chợ đầu mối Đông Hương phải cầm cố tài sản, vay mượn ngân hàng để làm ăn kinh doanh. Khi tiền vay ngân hàng chưa trả xong, tiền đầu tư chưa thu hồi được, nhiều tiểu thương cho rằng, việc đầu tư xây chợ mới là chưa cần thiết, ảnh hưởng tới tâm lý kinh doanh của tiểu thương.

Từ thực tế trên, hơn 600 tiểu thương đề nghị: “Tỉnh ủy, UBND tỉnh Thanh Hóa và các đơn vị có liên quan xem xét không trình Bộ Công thương quy hoạch thêm 1 chợ đầu mối nông, lâm sản tại khu vực phía Bắc thành phố Thanh Hóa. Việc giữ nguyên quy hoạch số lượng chợ đầu mối hiện tại sẽ tạo điều kiện để các tiểu thương chúng tôi ổn định tâm lý kinh doanh lâu dài tại chợ đầu mối Đông Hương, phường Đông Hương, thành phố Thanh Hóa”.

Chưa cần thiết phải có thêm chợ đầu mối

Được biết, ngoài chợ đầu mối Đông Hương, năm 2017, UBND tỉnh Thanh Hóa được Bộ Công Thương đồng ý cho quy hoạch thêm 01 chợ đầu mối phía Tây thành phố Thanh Hóa. Tháng 9/2017, UBND tỉnh Thanh Hóa đã có Quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư chợ đầu mối phía Tây thành phố Thanh Hóa cho Công ty TNHH Tân Thành 01. Hiện nay công ty này đang hoàn tất các thủ tục để tiến hành xây dựng. Trong khi đó, theo báo cáo của chủ đầu tư chợ đầu Mối Đông Hương, hiện nay chợ đầu mối Đông Hương vẫn chưa vận hành hết công suất theo thiết kế xây dựng.

Từ lý do trên, một lãnh đạo Hiệp hội phát triển chợ Thanh Hóa cho rằng, việc đề xuất xin quy hoạch thêm một chợ đầu mối phía Bắc thành phố Thanh Hóa là không cần thiết.

Vị này lý giải: “Đến thời điểm hiện tại, thành phố Thanh Hóa và khu vực ngoại thành thành phố Thanh Hóa (bán kính chưa đầy 10km) đã được chấp thuận chủ trương 02 chợ đầu mối (gồm chợ đầu mối Đông Hương đã đi vào hoạt động và chợ đầu mối phía Tây thành phố Thanh Hóa chưa xây dựng). Nếu quy hoạch thêm 01 chợ đầu mối nữa với diện tích 30 – 40ha thì sẽ rất lãng phí nguồn lực đầu tư, quỹ đất, ảnh hưởng trực tiếp đến tâm lý, hoạt động kinh doanh của các tiểu thương tại chợ đầu mối Đông Hương.

Mặt khác, hiện nay chợ đầu mối Đông Hương vẫn hoạt động chưa hết công suất. Trong khi đó, việc đề nghị quy hoạch thêm chợ đầu mối mới phía Bắc thành phố mà chưa xem xét đến tình hình thực tế, chưa đánh giá đúng hiệu quả, công suất của các chợ đầu mối đang hoạt động là nhận định cảm tính, gây khó khăn cho doanh nghiệp đang đầu tư. Thậm chí, nếu quy hoạch chợ đầu mối phía Bắc thành phố Thanh Hóa nếu không tính toán kỹ hiệu quả đầu tư, mạng lưới kết nối, hoạt động phân phối theo chuỗi rất dễ gây lãng phí nguồn lực đầu tư, quỹ đất”, một lãnh đạo Hiệp hội phát triển chợ Thanh Hóa cảnh báo.

Chợ đầu mối Đông Hương

Bình luận về quan điểm của thành phố Thanh Hóa về việc chợ đầu mối rau quả Đông Hương có diện tích nhỏ hẹp, gây ách tắc giao thông, khó khăn trong công tác vệ sinh môi trường, vị lãnh đạo Hiệp hội phát triển chợ Thanh Hóa cho rằng, đây là đánh giá chủ quan, mang tính cảm tính. Bởi lẽ, trên thực tế UBND thành phố và các cơ quan, đơn vị có liên quan chưa hề có kết quả khảo sát, đánh giá để đưa ra nhận định trên.

Xung quanh câu chuyện đề xuất quy hoạch chợ đầu mối phía Bắc thành phố Thanh Hóa, hàng loạt các băn khoăn cần được giải đáp thỏa đáng để yên lòng các tiểu thương. Cụ thể:

Cơ quan có thẩm quyền cần làm rõ căn cứ quy pháp lý về việc xin hoạch thêm 01 chợ đầu mối nông lâm sản tại khu vực phía Bắc thành phố Thanh Hóa, thuộc địa giới hành chính huyện Hoằng Hóa, có diện tích khoảng 30 – 40 ha. Bởi, chợ đầu mối là tổng hợp hài hòa của nhiều yếu tố, trong đó bắt buộc phải dựa trên vùng sản xuất nông sản tập trung. Bên cạnh đó, lượng thương nhân kinh doanh các mặt hàng nông sản trên địa bàn phải đông đảo, vị trí giao thông ra vào chợ phải thuận lợi cho tiêu thụ nội địa và phục vụ xuất khẩu.

Mỗi chợ đầu mối nông sản, ngoài tiêu thụ nông sản cho địa phương, còn là nơi giao thương, buôn bán tiêu thụ nông sản cho các vùng, tỉnh, thành lân cận. Trước khi đề xuất quy hoạch chợ đầu mối mới tại phía Bắc Thanh Hóa, thành phố Thanh Hóa đã có văn bản đánh giá cụ thể các vấn đề nêu trên chưa?

Việc xin quy hoạch và phát triển chợ đầu mối phía Bắc thành phố Thanh Hóa đã phù hợp với tiêu chí quy hoạch theo quy định phát triển mạng lưới chợ trên toàn quốc đến năm 2035 chưa? Vị trí quy hoạch có trùng với các công trình xây dựng khác hoặc phù hợp với kế hoạch sử dụng đất không của huyện Hoằng Hóa không?

Trên thực tế không phải địa phương nào cũng có nhu cầu và điều kiện phát triển loại hình chợ này. Vậy khi trình chủ trương phương án quy hoạch chợ, cơ quan có thẩm quyền đã tính toán đến hiệu quả đầu tư, mạng lưới kết nối, hoạt động phân phối theo chuỗi hay chưa…?

Quyền lợi của các tiểu thương đang kinh doanh buôn bán tại chợ đầu mối Đông Hương sẽ được đảm bảo ra sao nếu phương án quy hoạch chợ đầu mối phía Bắc thành phố Thanh Hóa được chấp thuận và được xây dựng trong tương lai?

Được biết, hiện nay đã có hơn 600 tiểu thương gửi đơn kiến nghị tới Bí thư, Chủ tịch UBND tỉnh, các sở, ngành có liên quan, đề nghị không quy hoạch chợ đầu mối nông, lâm, sản tại khu vực phía Bắc thành phố Thanh Hóa, để bà con yên tâm, ổn định buôn bán.

Phóng viên sẽ tiếp tục thông tin về sự việc này./.

Nguồn: https://dothi.reatimes.vn/toancanh/hon-600-tieu-thuong-cho-dong-huong-bat-an-truoc-thong-tin-qu-1608109643430.html