Học sinh lớp 1 cần mua những cuốn sách giáo khoa nào?
Cập nhật lúc: 12/09/2020, 13:09
Cập nhật lúc: 12/09/2020, 13:09
Đầu năm học 2020 - 2021, một số trường học đã thông báo danh mục bộ sách giáo khoa, tham khảo kèm vở viết lớp 1 lên tới 700.000đồng - 800.000đồng/bộ. Trong khi đó, Bộ GD&ĐT khẳng định mỗi học sinh chỉ mua những cuốn sách chính, còn lại có thể mua theo nhu cầu.
Ngành GD&ĐT đã có quy định nghiêm cấm ép buộc phụ huynh, học sinh mua sách giáo khoa và sách tham khảo. Ảnh minh họa: Q.Anh
Cú "sốc" đầu năm học
Vừa qua, dư luận cả nước đặc biệt quan tâm tới câu chuyện một số phụ huynh có con năm nay vào lớp 1 Trường tiểu học An Phong (quận 8, TP HCM) phản ánh họ nhận được danh mục bộ sách lớp 1 chương trình mới năm nay quá đắt. Giá tổng cộng của bộ sách này là 807.000 đồng, bao gồm sách giáo khoa, sách bổ trợ, sách Tiếng Anh, vở bài tập, bảng viết… Đắt nhất là sách Tiếng Anh I-Learn Smart Start có giá 146.000 đồng/cuốn, bộ sách thực hành Toán, Tiếng Việt 1 có giá 173.400 đồng.
Không chỉ Trường An Phong, phụ huynh có con vào lớp 1 mà ở nhiều nơi cũng cho biết, đầu năm học ngoài SGK, các trường có nhiều sách bổ trợ, dụng cụ học liệu đi kèm... Nếu mua gộp, số tiền lên đến cả triệu đồng. Trong khi các loại sách giáo khoa, bài tập, sách tham khảo và một số dụng cụ học liệu đều không được giải thích cặn kẽ. Trong khi đó, năm học 2020 - 2021 là năm đầu tiên thực hiện sách giáo khoa lớp 1 Chương trình Giáo dục phổ thông mới, nên phụ huynh cũng chưa biết sẽ phải mua những loại sách giáo khoa, sách bài tập, sách tham khảo nào. Để tránh ảnh hưởng việc học của con, nhiều phụ huynh đã đăng ký mua trọn bộ theo danh mục nhà trường thông báo.
Việc đưa danh mục tất cả các loại sách lên đến hàng chục cuốn ở đây có thể do thiếu sót của giáo viên, nhà trường, nhưng đây cũng có thể là "nhập nhèm", vì thiếu hướng dẫn, giải thích từ nhà trường mà sẽ có trường hợp phụ huynh mua tất cả các loại sách theo danh mục. Điều này dẫn đến tốn kém, lãng phí nếu như sách mua không được sử dụng đến. Đa số phụ huynh hiểu lầm danh mục là bắt buộc phải có để học. Vì thế, theo kinh nghiệm của những phụ huynh có con học tiểu học từ trước, cần phải hỏi kỹ giáo viên chủ nhiệm hoặc nhà trường trước khi mua.
Chia sẻ quan điểm về sách giáo khoa năm học 2020 - 2021, GS.TS Phạm Tất Dong - Phó Chủ tịch Trung ương Hội Khuyến học Việt Nam cho rằng: "Các Nhà xuất bản đã tổ chức viết ra các cuốn sách được phê duyệt thì họ cũng là độc quyền trong in ấn, xuất bản sách. Càng nhiều khâu thẩm định, lựa chọn ở cấp độ địa phương thì giá sách sẽ tăng chứ không thể giảm đi. Bộ GD&ĐT nên xây dựng phương án cho địa phương được mua bản quyền, tự tổ chức in ấn tài liệu, SGK để giảm chi phí và phù hợp với thực tiễn địa phương".
Cấm ép buộc mua sách giáo khoa, tham khảo
Liên quan tới việc nhiều phụ huynh "cắn răng" mua bộ sách lớp 1 lên đến hơn 800.000 đồng, Bộ GD&ĐT đã có văn bản gửi các Sở GD&ĐT trên phạm vi cả nước về việc trang bị sách giáo khoa và tài liệu tham khảo trong trường tiểu học. Bộ GD&ĐT nhấn mạnh, thời gian qua, một số phụ huynh có phản ánh với cơ quan báo chí về hiện tượng một số trường tiểu học yêu cầu phụ huynh học sinh mua sách giáo khoa, tài liệu tham khảo thực hiện Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 đối với lớp 1 năm học 2020 - 2021 không đúng với các quy định của Bộ GD&ĐT.
Theo đó, Bộ GD&ĐT yêu cầu các Sở GD&ĐT thực hiện nghiêm túc các nội dung về sách giáo khoa (SGK) và tài liệu tham khảo theo quy định. SGK là tài liệu bắt buộc sử dụng trong dạy và học theo Chương trình Giáo dục phổ thông cấp tiểu học được Bộ trưởng Bộ GD&ĐT quy định. Nhà trường trang bị tài liệu tham khảo phục vụ cho hoạt động giảng dạy và nghiên cứu của giáo viên; khuyến khích giáo viên sử dụng tài liệu tham khảo để nâng cao chất lượng giáo dục.
Mọi tổ chức, cá nhân không được ép buộc học sinh mua tài liệu tham khảo; phụ huynh, học sinh tự mua sắm theo nhu cầu thực tế và quyền tự chọn, không bắt buộc. Trường tiểu học phải cung cấp kịp thời, đầy đủ thông tin về SGK sử dụng tại nhà trường để học sinh và gia đình học sinh biết thực hiện mua sắm. Bộ GD&ĐT yêu cầu các Sở GD&ĐT chỉ đạo các cơ sở giáo dục tiểu học trên địa bàn nghiêm túc thực hiện.
Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Hữu Độ cho biết, Bộ đã yêu cầu Giám đốc các Sở GD&ĐT trên phạm vi cả nước chỉ đạo các cơ sở giáo dục phổ thông thực hiện việc trang bị sách giáo khoa theo đúng quy định, đảm bảo chất lượng, đủ số lượng và kịp thời cho năm học 2020 - 2021. Đối với tài liệu tham khảo, tuyệt đối không được ép buộc học sinh phải mua tài liệu tham khảo; phụ huynh, học sinh tự mua sắm theo nhu cầu thực tế và không bắt buộc; các cơ sơ sở giáo dục phổ thông phải cung cấp kịp thời, đầy đủ thông tin về tài liệu tham khảo sử dụng tại trường để học sinh, phụ huynh biết lựa chọn.
Bên cạnh đó, Bộ GD&ĐT cũng yêu cầu Sở GD&ĐT tiến hành tổ chức thanh tra, kiểm tra cơ sở giáo dục phổ thông trong việc trang bị sách giáo khoa và tài liệu tham khảo, kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm. Trước ngày 20/9/2020, các Sở GD&ĐT phải báo cáo về Bộ kết quả thực hiện.
Theo Bộ GD&ĐT, đối với bộ sách giáo khoa lớp 1 năm học 2020 - 2021 thực hiện theo Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 đã được Bộ trưởng Bộ GD&ĐT phê duyệt gồm 8 môn học bắt buộc: Toán, Tiếng Việt, Đạo đức, Tự nhiên - Xã hội, Giáo dục thể chất, Hoạt động trải nghiệm, Âm nhạc, Mĩ thuật và 1 môn học tự chọn là môn Ngoại ngữ (Tiếng Anh). Phụ huynh mua cho con sách môn học chính, sách tham khảo mua theo nhu cầu sử dụng, trường học không được ép buộc phụ huynh, học sinh mua sách tham khảo.
15:36, 07/09/2020
14:25, 27/08/2020
16:04, 26/08/2020