18/01/2025 | 12:02 GMT+7, Hà Nội

Hồ tiêu Việt Nam đang bước vào giai đoạn khó khăn nhất

Cập nhật lúc: 07/03/2019, 22:01

Kết thúc năm 2018, hồ tiêu chính thức mất mốc xuất khẩu tỷ đô. Sản lượng xuất khẩu hồ tiêu của Việt Nam tăng 8% về lượng, nhưng không bù nổi mức giá sụt tới 37,3% so với năm trước đó. Với mức giá quá thấp như hiện nay, người dân trồng hồ tiêu không khỏi “cay mắt” vì loại cây trồng từng mang lại giá trị kinh tế cao này.

Bộ Công thương cho biết, trong tháng 2/2019, giá hạt tiêu tại thị trường trong nước giảm so với tháng 1/2019. Ngày 26/2/2019, giá hạt tiêu đen giảm từ 3,2 – 6,7% so với ngày 31/1/2019, mức thấp nhất là 42.000 đồng/kg tại huyện Chư Sê tỉnh Gia Lai, mức cao nhất là 45.000 đồng/kg tại tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu. Giá hạt tiêu trắng ở mức 71.000 đồng/kg, thấp hơn so với mức 95.000 đồng/kg của cùng kỳ năm 2018.

Theo ước tính, xuất khẩu hạt tiêu tháng 2/2019 đạt 13 nghìn tấn, trị giá 35 triệu USD, giảm mạnh 32,6% về lượng và giảm 38,3% về trị giá so với tháng 1/2019, so với tháng 2/2018 tăng 0,7% về lượng, nhưng giảm 25,9% về trị giá.

ho tieu viet nam dang buoc vao giai doan kho khan nhat
Hồ tiêu Việt Nam đang ở thời kỳ khó khăn nhất.

Giá xuất khẩu bình quân hạt tiêu tháng 2/2019 ước đạt mức 2.692 USD/tấn, giảm 8,5% so với tháng 1/2019 và giảm 26,5% so với tháng 2/2018. Lũy kế 2 tháng đầu năm 2019, giá xuất khẩu bình quân hạt tiêu đạt mức 2.842 USD/tấn, giảm 26,3% so với 2 tháng đầu năm 2018.

Theo khảo sát của Hiệp hội Hạt tiêu Việt Nam, diện tích hạt tiêu tăng mạnh ở nhiều nơi, nhất là tại Đắk Nông và Đắk Lắk, mà chủ yếu là những vườn tiêu mới. Đây là những vườn tiêu được trồng trong các năm 2016 - 2017 do tác động mạnh từ việc giá hạt tiêu lên đến đỉnh cao của năm 2015.

"Đây là giai đoạn khó khăn nhất của hồ tiêu Việt Nam ", Chủ tịch Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam Nguyễn Nam Hải mở đầu câu chuyện của ngành hàng mới năm ngoái còn lọt danh sách xuất khẩu "tỷ USD".

Hiện giá hồ tiêu thế giới trên dưới 43.000 đồng/kg, mà giá thành sản xuất của nông dân Việt Nam thì trên dưới 50.000 đồng/kg, ông Hải cho biết.

Nguyên nhân chủ yếu là sự phát triển quá nóng về diện tích hồ tiêu trong thời gian qua.

Giá hồ tiêu thế giới đã lên đỉnh ở mức 10.000 USD/tấn vào năm 2014. Với mức giá hấp dẫn đó, nông dân các nước đổ xô trồng hồ tiêu, và dường như Việt Nam là nước trồng "nhiệt tình" nhất.

Sau khi đạt đỉnh 10.000 USD/tấn vào năm 2014, giá tiêu thế giới bắt đầu lao dốc. Đến nay, giá tiêu ở mức 2.000 USD/tấn, tức chừng 2USD hay tầm 43.000 đồng/kg, tức giảm xấp xỉ 5 lần.

Câu chuyện của ngành tiêu Việt Nam khiến Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Nguyễn Xuân Cường cảm thán: “Đây là minh chứng điển hình cho việc sản xuất không "ăn nhập" với tiêu thụ".

Chiếm tới 60% sản lượng xuất khẩu cả thế giới, trong 5 năm sản lượng sản xuất tăng gấp đôi một loại gia vị, mà xét về bản chất, không phải loại phù hợp để tiêu thụ nhiều.

Trả lời phỏng vấn, Bộ trưởng Cường cho biết hiện nông nghiệp Việt Nam phải đối diện với 3 nhóm thách thức lớn trong năm 2019: Tổ chức lại nền sản xuất với 8,6 triệu hộ nhỏ lẻ thành một nền nông nghiệp tập trung hướng đến hàng hóa có quản trị; Tổ chức sản xuất nông nghiệp thích ứng với biến đổi khí hậu; và Hội nhập sâu rộng trước sự cạnh tranh quyết liệt của các nền kinh tế toàn cầu.

Tùng Linh