Hổ: Thần thú dũng mãnh trong tiềm thức người Việt
Cập nhật lúc: 03/02/2022, 18:30
Cập nhật lúc: 03/02/2022, 18:30
Hổ được gọi là "vua của muông thú"
Chuyện kể rằng, hổ trước kia chỉ là một con vật bình thường trong muôn vàn động vật dưới hạ giới khác. Kỹ năng săn mồi của nó thuộc hạng kém cỏi.
Về sau, hổ bái mèo làm sư phụ và được truyền thụ nhiều kỹ năng săn mồi và chiến đấu. Nhờ đó, nó có đủ sức đánh bại vô số loài vật khác và trở thành bá chủ vùng rừng núi.
Danh tiếng về sự dũng cảm và kiên cường của hổ sau đó đã lan tới Thiên đình, và khiến Ngọc Hoàng phải ban thánh chỉ triệu hổ lên trời làm hộ vệ.
Tuy nhiên, nhân việc hổ lên Thiên đình, các loài động vật hung dữ khác, dẫn đầu bởi sư tử, đã liên tục tấn công và gây họa đối với lãnh thổ con người. Thổ địa đã phải lên Thiên đình để cầu xin sự giúp đỡ từ Ngọc Hoàng.
Ngọc Hoàng liền lập tức giao hổ xuống lập lại trật tự dưới hạ giới. Khi về lại trần gian, hổ liền tìm tới 3 loài vật mạnh mẽ nhất ở thời điểm đó là sư tử, gấu và lợn lòi để thách đấu. Với kỹ năng chiến đấu thượng thừa, hổ nhanh chóng đánh bại 3 con vật trên và quay trở về Thiên đình.
Để thưởng công, Ngọc Hoàng đã thích 3 vạch ngang trên trán hổ, tượng trưng cho 3 chiến tích hổ lập được dưới hạ giới.
Nhưng một thời gian sau, loài người dưới hạ giới lại phải chịu đại loạn khi binh tôm tướng cua ở biển, dưới sự lãnh đạo của một con rùa tinh, đã tấn công vào đất liền. Ngọc Hoàng lại phải phái hổ đi dẹp loạn một lần nữa. Hổ nhanh chóng đánh bại rùa tinh và buộc binh tôm tướng cua rút khỏi đất liền.
Để tưởng thưởng cho chiến tích lẫy lừng trên, Ngọc Hoàng đã thích thêm một nét xổ dọc chèn lên 3 nét ngang trước đó trên trán hổ, tạo thành chữ “Vương”, trong tiếng Trung Quốc có nghĩa là Vua. Kể từ đó, hổ được xưng tụng là “vua của muông thú”.
Con hổ trong văn hóa người Việt
Theo các nhà nghiên cứu văn hóa dân gian, tục thờ hổ bắt nguồn từ cuộc sống nguyên thủy, khi con người còn sống trong điều kiện săn bắt, hái lượm hoặc giai đoạn đầu của cuộc sống nông nghiệp thì lúc này hổ chính là sức mạnh thiên nhiên vừa gần gũi và cũng là tai họa đối với con người, chính vì vậy mà con người thờ hổ để cầu an.
Tại Việt Nam, những chiếc trống đồng Đông Sơn có cách đây khoảng 2.500 đến 3.000 năm tuổi, nhưng trên mặt trống đã xuất hiện hình con hổ. Điều này cho thấy, ý nghĩa hổ trong văn hóa Việt đã gắn bó hàng nghìn đời nay với sự trân trọng.
Trong các di tích văn hóa Ðông Sơn khai quật được, đã xuất hiện rất nhiều tượng hổ như tượng hổ ở lăng Trần Thủ Độ, lăng vua Hiến Tông, hổ chạm ở bệ đá tại chùa Quế Dương (Hà Tây cũ) đến những con hổ đá thời Lê ở Nam Kinh (Thanh Hóa).
Trong văn hóa, hổ xếp hàng thứ ba trong 20 chi, năm Dần mang cầm tinh cọp, là một hình tượng đa nghĩa vừa phức tạp trong tâm linh người Việt, vừa là ác thú, vừa là thần hộ mệnh, có hình hổ trấn giữ ở ngưỡng cửa là tà ma không dám xâm nhập.
Trong tín ngưỡng dân gian Việt Nam con Hổ được gắn với tục thờ Mẫu. Dù ở miền Bắc, miền Trung hay miền Nam đều có tục lệ thờ Thần Hổ như một biểu tượng của con vật dũng mãnh, uy linh tượng trưng cho sức mạnh có khả năng trấn giữ cửa ải ngũ phương.
Trên phương diện này hổ đã hóa thành vật linh thiêng với những cái tên trong huyền thoại dân gian thường gọi: Thần Hổ, Sơn quan thần Hổ, Lý nhĩ tướng quân, thần hộ vệ Thành Hoàng, chúa Sơn Lâm, ông Ba Mươi trong khi đó ở miền Nam Việt Nam còn có tên ông Cả Cọp, Thần Bạch Hổ...
Việc thờ thần Hổ giữ vị trí quan trọng trong điện thờ đạo Mẫu, thể hiện sự cân bằng giữa 2 miền thiên phủ - địa phủ, góp phần trấn an cho cửa điện. Trong điện thờ đạo Mẫu, ban thờ ngũ hổ đặt dưới điện thờ công đồng.
Một số nơi tách riêng ban ngũ hổ như đền Mẫu Ba Cây (Sơn Tây), đền Mơ Táo (Hà Nội), đền Cửa Ông (Quảng Ninh), Bàn thờ Bạch hổ ở chùa Ông Bổn (Sóc Trăng).
Nguồn: https://kinhtemoitruong.vn/ho-than-thu-dung-manh-trong-tiem-thuc-nguoi-viet-63855.html
13:30, 01/02/2022
06:06, 01/02/2022
13:51, 30/01/2022