21/11/2024 | 17:56 GMT+7, Hà Nội

Hộ chiếu vaccine - \"chìa khóa\" giúp các hãng bay \"vượt khó\"

Cập nhật lúc: 14/09/2021, 06:15

Sau một thời gian “đóng băng” ngành hàng không, hộ chiếu vaccine có thể coi là giải pháp thiết thực để có thể khôi phục lại các đường bay trong thời gian sớm nhất.

Nỗ lực “khơi thông”

Hộ chiếu vaccine là tài liệu xác nhận một cá nhân đã tiêm đủ số mũi vaccine theo khuyến cáo chuyên môn của nhà sản xuất hoặc theo cơ quan quản lý nhà nước, thông thường là đủ 2 mũi hoặc cho những người đã bị nhiễm Covid-19 đã khỏi bệnh hoặc có giấy xác nhận (-) với loại virus này.

Một trong những hộ chiếu vaccine đang được thử nghiệm rộng rãi trên thế giới là Hộ chiếu sức khỏe điện tử IATA - ứng dụng của Hiệp hội Hàng không Quốc tế (IATA). Đây là ứng dụng cho phép hành khách di chuyển an toàn giữa các quốc gia, đồng thời tuân thủ yêu cầu nhập cảnh của cơ quan chức năng và chính phủ tại điểm đến.

Gần 60 hãng hàng không trên thế giới đang thử nghiệm Hộ chiếu sức khỏe điện tử IATA
Gần 60 hãng hàng không trên thế giới đang thử nghiệm Hộ chiếu sức khỏe điện tử IATA

Theo thông tin đăng trên trang IATA, danh sách các nước, hãng hàng không chấp nhận hoặc thử nghiệm Hộ chiếu sức khỏe điện tử IATA đang ngày một gia tăng. Cụ thể, gần 60 hãng hàng không trên thế giới đang thử nghiệm ứng dụng này, như Singapore Airlines, Qatar Airways, Emirates...

Đặc biệt, Tổng cục Hàng không Dân dụng Ả Rập Saudi đã chính thức chấp nhận sử dụng Hộ chiếu sức khỏe điện tử IATA để chứng nhận kết quả xét nghiệm Covid-19 trước khi bay của hành khách đến và đi từ ngày 30/9. Ngoài Ả Rập Saudi, trước đó, Singapore và Panama đã chấp nhận Hộ chiếu sức khỏe điện tử IATA.

Theo IATA, chứng nhận điện tử về Covid-19 của Liên minh châu Âu (EU CDC) và thông hành điện tử Covid-19 của Anh (UK NHS Covid) có thể được tải lên Hộ chiếu sức khỏe điện tử IATA và sử dụng làm bằng chứng tiêm vaccine để hành khách di chuyển.

Ông Nick Careen - Phó Chủ tịch cấp cao IATA về điều hành sân bay, hành khách, hàng hóa và an ninh - cho biết việc triển khai thử nghiệm Hộ chiếu sức khỏe điện tử IATA là một bước tiến tích cực hướng đến việc mở cửa lại thị trường hàng không quốc tế.

Tại Việt Nam, từ đầu năm 2021, Cục Hàng không Việt Nam (Cục HKVN) đã lên kế hoạch nghiên cứu chương trình Hộ chiếu sức khỏe điện tử IATA và đã báo cáo Bộ Giao thông Vận tải (Bộ GTVT) kiến nghị Thủ tướng cho phép áp dụng nhằm sớm mở lại đường bay thương mại quốc tế 2 chiều đi/đến Việt Nam.

Nghiên cứu thẻ thông hành xanh

Ngoài việc nghiên cứu áp dụng Hộ chiếu sức khỏe điện tử IATA, các doanh nghiệp, chuyên gia tại Việt Nam đang đề xuất nghiên cứu thẻ thông hành xanh áp dụng cho thị trường nội địa để khôi phục du lịch trong nước. Hoạt động này được triển khai cùng thời điểm Cục HKVN vừa có văn bản báo cáo Bộ GTVT phê duyệt Kế hoạch tổ chức các đường bay nội địa thường lệ chở khách trong giai đoạn phòng chống dịch.

Cụ thể, nhóm nghiên cứu của Hội đồng Tư vấn du lịch (TAB) vừa đề xuất chương trình thí điểm thẻ thông hành xanh ở Việt Nam, một sản phẩm giúp người dân có thể di chuyển nội địa một cách dễ dàng.

Bamboo Airways đang chuẩn bị sẵn sàng cho chuyến bay thử nghiệm ngay trong tháng 9/2021 (Ảnh: Lưu Ngọc Tuấn)
Bamboo Airways đang chuẩn bị sẵn sàng cho chuyến bay thử nghiệm ngay trong tháng 9/2021 (Ảnh: Lưu Ngọc Tuấn)

Theo lãnh đạo của TAB, thẻ thông hành xanh có các đặc điểm như hộ chiếu vaccine: có thể là mã QR trên điện thoại thông minh hoặc in giấy để sử dụng trình ra khi được yêu cầu, khi đáp ứng điều kiện về chứng nhận xét nghiệm Covid-19 (cả xét nghiệm PCR và kháng nguyên); chứng nhận phục hồi (âm tính) sau khi đã bị mắc Covid-19…

Ngoài ra, nhóm nghiên cứu của TAB cũng đề xuất Chính phủ đàm phán song phương hoặc đa phương với các quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới để ký thỏa thuận cho phép công dân Việt Nam sử dụng thẻ thông hành xanh Việt Nam xác nhận về số liệu y tế phòng dịch Covid-19 khi nhập cảnh nước khác.

Đề cập đến vấn đề này, TS. Lương Hoài Nam - Chuyên gia về du lịch và hàng không cho rằng, hộ chiếu vaccine đã trở thành xu thế toàn cầu và chúng ta không thể đứng ngoài. Tại Việt Nam, chúng ta đang dịch chuyển theo đúng hướng đó.

Theo thống kê, tính đến 12/9, Việt Nam đã tiêm chủng hơn 29,3 triệu liều vaccine, trong đó hơn 4,5 triệu người đã tiêm đủ 2 mũi. Do đó, theo nhiều chuyên gia, việc sử dụng hộ chiếu vacicne cho việc mở lại thị trường hàng không - du lịch nội địa nên đẩy nhanh, song song đó là hướng đến thị trường quốc tế.

 “Giải vây” hàng không

Tại Việt Nam, đầu tháng 9, chuyến bay thí điểm hộ chiếu vaccine đầu tiên đã hạ cánh thành công Cảng hàng không quốc tế Vân Đồn, Quảng Ninh. Đây được xem là một trong những tín hiệu đáng mừng với thị trường hàng không, mở ra triển vọng về việc dần khôi phục các đường bay trong thời gian tới.

Ông Trương Phương Thành - Phó Tổng giám đốc Bamboo Airways, một trong những đơn vị đã sẵn sàng cho việc đưa vào thử nghiệm hộ chiếu vaccine, cho biết: “Để hộ chiếu vaccine nhanh chóng đi vào thực tiễn, các hãng hàng không kỳ vọng các cơ quan liên quan sớm đưa ra một khung quy định pháp lý chính thức về việc triển khai hộ chiếu vaccine; một quy trình kiểm dịch cụ thể, hài hòa và đồng bộ; quy trình phối hợp thống nhất giữa các Bộ ban ngành, các hãng bay với cơ quan chức năng, giữa các hãng bay với hãng bay.”

Cũng theo ông Thành, hãng này đã và đang phối hợp chặt chẽ với IATA, nhà chức trách và các đơn vị thành viên để triển khai áp dụng thử nghiệm hộ chiếu vaccine. Hiện Bamboo Airways đang hoàn tất bước đầu công tác xây dựng quy trình và thủ tục liên quan, chuẩn bị sẵn sàng cho chuyến bay thử nghiệm ngay trong tháng 9/2021.

Trong bối cảnh hàng loạt quốc gia trên thế giới trong đó có Việt Nam đang đang tiến hành việc tiêm chủng cho người dân một cách nhanh chóng và đồng bộ, hộ chiếu vaccine đang được kỳ vọng sẽ phát huy được tác dụng “khơi thông dòng chảy” của mình.

Nguồn: https://congluan.vn/ho-chieu-vaccine--chia-khoa-giup-cac-hang-bay-vuot-kho-post155817.html