19/01/2025 | 13:39 GMT+7, Hà Nội

Hiểu cúng rằm tháng 7 như thế nào cho đúng

Cập nhật lúc: 29/08/2017, 07:16

Có khá nhiều lễ cúng trong ngày rằm tháng 7 vì thế cúng rằm tháng 7 như thế nào cho đúng là câu hỏi được rất nhiều người phân vân.

Lễ Vu Lan và lễ cúng cô hồn là hai lễ cúng hoàn toàn khác nhau nhưng do hai lễ đó trùng trong ngày rằm tháng 7 nên nhiều người lầm tưởng rằng hai lễ đó là một. Để hiểu cúng rằm tháng 7 như thế nào cho đúng chúng ta nên tìm hiểu về tích lễ Vu Lan và tích cúng chúng sinh.

Tích hai ngày lễ trong rằm tháng 7

Tích Lễ Vu Lan (Báo hiếu)

Theo kinh Vu Lan thì ngày xưa, bà Thành Đế, mẹ của Mục Kiền Liên, do gây nhiều nghiệp ác nên khi mất phải xuống địa ngục làm ngạ quỷ (quỷ đói). Do tu luyện được nhiều phép thần thông, Mục Kiền Liên nhìn được cảnh đói khát của mẹ, nên ông liền đem cơm xuống tận cõi quỷ để dâng. Đói quá, nên mẹ ông không chia cho các cô hồn khác, vì vậy khi bốc thức ăn lên miệng, thức ăn hóa thành lửa đỏ. Mục Kiền Liên tìm Phật để hỏi.

Phật dạy rằng: Dù ông thần thông quảng đại đến mấy cũng không đủ sức cứu mẹ đâu. Muốn cứu mẹ phải có sự hợp lực của chư tăng khắp mười phương mới mong giải cứu được. Ngày rằm tháng bảy là ngày thích hợp để vận động chư tăng, hãy sắm sửa lễ cúng vào ngày đó. Làm theo lời Phật, mẹ Mục Kiền Liên đã được giải thoát. Phật cũng dạy rằng, chúng sanh ai muốn báo hiếu cho cha mẹ cứ theo cách này. Từ đó ngày lễ Vu Lan ra đời.

Cách thức cúng dường để cầu siêu, gọi là Vu Lan bồn pháp, lễ cúng đó gọi là Vu Lan bồn hội, còn bộ kinh ghi chép sự tích trên đây thì gọi là Vu Lan bồn kinh.

Tích cúng chúng sinh (cúng cô hồn)

Theo "Phật Thuyết Cứu Bạt Diệm Khẩu Ngạ Quỷ Ðà La Ni Kinh" thì, một buổi tối, ông A Nan Đà, thường gọi là A Nan, đang ngồi trong tịnh thất chợt thấy một con ngạ quỷ thân thể khô gầy, cổ nhỏ mà dài, miệng nhả ra lửa bước vào. Quỷ cho biết rằng ba ngày sau A Nan sẽ chết và sẽ luân hồi vào cõi ngạ quỷ miệng lửa mặt cháy như nó. A Nan sợ quá, bèn nhờ quỷ bày cho phương cách tránh.

Quỷ đói nói : "Ngày mai ông phải thí cho bọn ngạ quỷ chúng tôi mỗi đứa một hộc thức ăn, lại vì tôi mà cúng dường Tam Bảo thì ông sẽ được tăng thọ mà tôi đây cũng sẽ được sanh về cõi trên ". A Nan đem chuyện bạch với Ðức Phật. Phật bèn đặt cho bài chú gọi Là "Cứu Bạt Diệm Khẩu Ngạ Quỷ Ðà La Ni", đem tụng trong lễ cúng để được thêm phước.

Người xưa gọi lễ cúng này là Phóng diệm khẩu, tức là cúng để bố thí và cầu nguyện cho loài quỷ đói miệng lửa, nhưng từ tích này, dân gian biến thành tục cúng cô hồn, tức là cúng thí cho những vong hồn vật vờ không nơi nương tựa. Phóng diệm khẩu lại có nghĩa gốc là "thả quỷ miệng lửa", về sau lại được hiểu rộng thêm thành tha tội cho tất cả những người chết . Vì vậy, rằm tháng 7 con được gọi là ngày xá tội vong nhân.

Cúng rằm tháng 7 như thế nào cho đúng

Bàn thờ tổ tiên của người Việt thường có ba bát hương. Bát hương ở giữa là thờ Phật, bát hương bên phải là thờ thần linh thổ công, bát hương bên trái thờ gia tiên.

Lễ cúng Phật được đặt ở nơi cao nhất, sau đó là lễ thần linh và cuối cùng là mâm lễ gia tiên.

Sau khi cúi đầu lạy Phật, dâng lễ, tạ ơn, cầu xin và hứa nguyện, bạn có thể tụng kinh niệm Phật. Nếu chưa biết tụng kinh niệm Phật thì đọc bài kinh Vu lan được bán rất nhiều hiện nay tại các chùa.

Tiếp đến là lễ cúng tạ ơn các thần linh và dâng mâm cơm tưởng nhớ ông bà tổ tiên để cầu nguyện cho các vong hồn siêu thoát, cầu bình an cho gia đình.

Cúng lễ Vu Lan

Như trên đã nói, rằm tháng 7 có hai lễ, lễ Vu Lan (báo hiếu) và lễ cúng cô hồn (còn gọi là cúng chúng sinh)

Ngày rằm tháng 7 âm lịch làm một lễ cúng tạ ơn các thần linh, và một mâm tưởng nhớ ông bà tổ tiên để cầu nguyện cho các vong hồn siêu thoát và cầu bình an cho gia đình. Lễ cúng có thể là cỗ mặn mà cũng có thể cúng cỗ chay, tùy tâm của mình. Căn bản là ở tâm chứ không nhất thiết phải mâm cao cỗ đầy.

Ngoài ra, hôm đó nếu có điều kiện, sắm lễ chay cúng Phật tại gia, hoặc lên chùa thắp hương. Tùy hoàn cảnh từng người.

Cúng thí thực cô hồn (hay còn gọi cúng chúng sinh)

Cúng cô hồn (cúng chúng sinh), mâm cúng đặt ngoài hành lang, hoặc trước sân.

Mâm cúng cô hồn thường có: Muối, gạo (1 dĩa); cháo trắng nấu lỏng (12 chén nhỏ ), hay là cơm vắt:( 3 vắt); 12 cục đường thẻ; giấy áo, giấy tiền vàng bạc, bắp rang; mía (để nguyên vỏ và chặt tùng khúc nhỏ độ 15 cm ); bánh, kẹo; khoai , săn luộc cắt nhỏ; nước ( 3 ly nhỏ ), 3 cây nhang , 2 ngọn nến nhỏ... Quần áo chúng sinh và vàng tiên gỡ ra từng món, rải xuống mâm.

Thường thì lễ cúng thần linh và gia tiên làm buổi sáng. Buổi chiều cúng chúng sinh. Nhưng để không mất thời gian, có thể tiến hành hai lễ cúng trong một buổi. Nhưng cúng xong lễ Vu Lan, rồi mới tiến hành cúng chúng sinh. Chú ý: Không tiến hành cúng cùng một lúc.

Theo giáo lý nhà Phật, cúng rằm tháng bảy hay còn gọi cúng Tết Trung Nguyên, cúng vu lan báo hiếu. Việc cúng rằm tháng 7, có thể đến chùa, có thể cúng tại nhà gồm các lễ như: cúng Phật, cúng thần linh, cúng gia tiên, cúng thí thực cô hồn và cúng phóng sinh.

Trong ngày này, các gia đình thường lên chùa làm lễ Vu Lan, cầu siêu tỏ lòng báo hiếu đến cha mẹ, ông bà, tổ tiên… vào ban ngày, sau đó về nhà làm một mâm cơm chay thắp hương lên bàn thờ Phật.

Vào ngày này, sắp một mâm cơm chay hoặc đơn giản hơn là mâm ngũ quả để cúng Phật rồi thụ lộc tại nhà. Khi cúng, tốt nhất là đọc một khoá kinh - Kinh Vu Lan - để hiểu rõ về ngày này, hồi hướng công đức cho những người thân trong quá khứ được siêu sinh.

Theo tục lệ của người Việt, lễ cúng thần linh thường cúng gà trống để nguyên con và xôi (hoặc bánh chưng bóc hết lá nhưng không cắt thành miếng. Lễ đầy đủ phải có thêm rượu, trái cây và bình hoa.

Lễ cúng gia tiên nên có một mâm cơm, có thể là món mặn, có thể là món chay tùy vào hoàn cảnh và căn cơ của người đang sống.