22/11/2024 | 14:48 GMT+7, Hà Nội

Hiện chưa có thuốc điều trị đặc hiệu bệnh viêm phổi cấp từ Trung Quốc

Cập nhật lúc: 16/01/2020, 10:30

Số ca mắc viêm phổi cấp do vi-rút corona mới ở TP Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc tính đến ngày 13-1-2020 là 59 trường hợp với 1 ca tử vong. Tại Việt Nam đã phát hiện 2 trường hợp nghi nhiễm.

Trong khi đó hiện chưa có thuốc điều trị đặc hiệu với bệnh này.

Chiều 15-1, tại cuộc họp Ban chỉ đạo các dịch bệnh nguy hiểm, mới nổi để tìm giải pháp phòng bệnh viêm phổi cấp mới nổi do vi-rút corona mới, ông Nguyễn Trọng Khoa, Phó cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh, Bộ Y tế cho biết: Hiện không có thuốc điều trị đặc hiệu bệnh viêm phổi cấp do vi-rút corona mới. Việc chẩn đoán điều trị gần giống SARS và MERS-CoV.

Sắp tới Bộ sẽ ban hành hướng dẫn phát hiện và điều trị bệnh. Bộ đã chỉ đạo các đơn vị chuẩn bị cơ sở vật chất, sẵn sàng thu dung điều trị bệnh nhân. Đồng thời vì đây là virus mới nên cần tăng cường giám sát để cách ly ngay trường hợp đầu tiên.

Theo ông Nguyễn Trọng Khoa, việc tiếp nhận thu dung điều trị bệnh nhân liên quan đến vi-rút corona hiện được phân 3 cấp. Trong đó tuyến cuối gồm 10 bệnh viện tại Hà Nội, Huế, Đà Nẵng và TP Hồ Chí Minh. Lãnh đạo Cục khám chữa bệnh cũng yêu cầu các cơ sở duy trì đường dây nóng để tuyến trên hỗ trợ kịp thời. Hội đồng chuyên môn của Bộ sẽ tiếp tục theo dõi sát sao thông tin từ các nhà chuyên môn, Trung Quốc, đơn vị khác để cập nhật hướng dẫn.

“Các biện pháp phòng lây nhiễm bệnh vẫn áp dụng như với MERS- CoV, cúm gia cầm A(H5N1). Với mức độ lây nhiễm như hiện tại thì cách thức ứng phó như hiện nay là phù hợp. Người dân không nên quá hoang mang nhưng cảnh giác. Ngành y tế cũng đã triển khai tất cả các biện pháp ứng phó”, ông Khoa nói.

Ông Trần Như Dương, Phó viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương cho biết, hiện nước ta vẫn duy trì giám sát thường xuyên các ca viêm phổi nặng tại tất cả các cơ sở y tế, tại cộng đồng. Các bệnh viện tuyến trung ương, địa phương tích rà soát, gửi mẫu bệnh phẩm đến các Viện vệ sinh dịch tễ. Trong 10 ngày đầu năm 2020, Viện đã tiếp nhận 12 mẫu bệnh phẩm từ các trường hợp nặng nghi do vi-rút. Kết quả có 7 mẫu dương tính nhưng là do cúm, không có tác nhân nào khác.

“Việt Nam có đủ năng lực để xét nghiệm phát hiện sớm chủng vi-rút mới này. Tuy nhiên hiện nay vẫn còn thiếu mồi đặc hiệu, trình tự gene, trứng dương để phát hiện ra virus này”, ông Dương cho biết.

Còn theo ông Phan Trọng Lân, Viện trưởng Viện Pasteur TP Hồ Chí Minh, do đây là vi-rút mới nên khuyến cáo dịch tễ lâm sàng, biện pháp phòng chống, đường lây truyền thông tin dịch tễ chưa đầy đủ.

Ca bệnh cuối cùng do vi-rút mới này khởi phát là vào ngày 5-1, đến nay đã được 10 ngày chưa ghi nhận ca bệnh mới. Chợ hải sản-có thể là nguyên nhân lây truyền vi-rút mới này đã đóng của 15 ngày. Như vậy có thể đã kiểm soát được nguồn bệnh. “Nếu phát hiện thêm các trường hợp mắc mới nữa thì khả năng xâm nhập vào nước ta là có thể”.

Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên đề nghị Cục Y tế Dự phòng thường xuyên cập nhật thông tin, đưa ra khuyến cáo phòng chống bệnh cụ thể. Đồng thời duy trì hoạt động của Trung tâm đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng.

Dịch xảy ra ở đầu thi khoanh vùng, xử lý, dập dịch tại đó, hạn chế vận chuyển người bệnh lên tuyến trên. Cục khám chữa bệnh cần kiểm tra công tác phòng nhiễm khuẩn, tránh lây chéo tại các bệnh viện. Bộ Y tế sẽ thành lập đoàn kiểm tra công tác phòng chống dịch bệnh tại 6 tỉnh, TP.