20/04/2024 | 00:38 GMT+7, Hà Nội

Hiểm họa từ rác thải khẩu trang y tế

Cập nhật lúc: 20/02/2021, 11:21

Khẩu trang có thể làm giảm sự lây lan của dịch Covid-19. Đeo khẩu trang là một biện pháp phòng ngừa dịch bệnh hiệu quả. Tuy nhiên, nó lại là mối đe dọa sự sống của các loài động vật hoang dã và môi trường của nhân l

Nhiều nguy cơ

Kể từ khi đại dịch Covid-19 bùng phát, những chiếc khẩu trang luôn là vật bất ly thân với hầu hết mọi người khi ra đường. Đặc biệt, với ưu điểm tiện lợi, giá thành rẻ, khẩu trang y tế dùng một lần được người dân ưu tiên lựa chọn sử dụng.

Tuy nhiên, chúng ta không khó bắt gặp hình ảnh những chiếc khẩu trang được vứt bừa bãi nơi công cộng tiềm ẩn nguy cơ lây nhiễm bệnh và đe dọa môi trường. Ở Việt Nam, thời điểm trước khi bùng phát dịch Covid-19, mỗi ngày có khoảng 350 - 400 tấn rác thải y tế, trong đó có tới 42 tấn chất thải y tế độc hại cần được xử lý.

Tuy nhiên, khi dịch bùng phát, số lượng rác thải y tế, khẩu trang y tế lớn gấp nhiều lần. Nguy hiểm hơn, chỉ tại các cơ sở y tế mới phân loại và xử lý khẩu trang theo quy chuẩn, còn lại đa số chưa được phân loại, vẫn lẫn trong rác thải sinh hoạt, tiềm ẩn lớn về việc ô nhiễm môi trường cũng như dịch bệnh trong giai đoạn dịch Covid-19 đang lây lan.

Chia sẻ với báo Kinh tế & Đô thị về vấn nạn rác thải từ khẩu trang y tế, PGS.TS Phùng Chí Sỹ - Phó Chủ tịch Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt Nam cho rằng, khẩu trang y tế chính là một mối lo lớn của thiên nhiên, bởi có thành phần nhựa nên rất khó phân hủy. Khẩu trang y tế dùng một lớp vải nhựa, không dệt nên khi vứt ra môi trường sẽ làm gia tăng khối lượng nhựa trong môi trường. Nếu cứ vứt ra môi trường mà không được xử lý triệt để bằng các phương pháp như đốt thì có thể đến vài trăm năm chúng mới phân hủy.

Còn theo PGS.TS Bùi Thị An cho rằng: “Xử lý rác thải khẩu trang y tế là vấn đề tuy nhỏ nhưng rất khó, bởi ngoài việc tuyên truyền, khuyến khích người dân tự xử lý trước khi thải bỏ thì cơ quan chuyên môn nên có sự nghiên cứu kỹ lưỡng, có giải pháp hữu hiệu để thuận lợi cho người dân trước trong và sau khi sử dụng khẩu trang y tế. Hơn nữa, cần có sự phân loại và xử lý theo quy trình, quy chuẩn nhất định".

Sự sống của động vật hoang dã bị đe dọa

Theo ước tính của Liên hợp quốc, năm 2018 có tới 13 triệu tấn nhựa trôi xuống đại dương mỗi năm. Biển Địa Trung Hải có 570.000 tấn nhựa chảy xuống hàng năm, tương đương với việc đổ 33.800 chai nhựa mỗi phút xuống biển theo Tổ chức Quốc tế về Bảo tồn thiên nhiên.

Theo thống kê của nhóm môi trường OceansAsia, hơn 1,5 tỉ chiếc khẩu trang y tế đã đổ vào các đại dương trên thế giới vào năm 2020, tạo thêm khoảng 6.200 tấn rác thải nhựa trên biển.

Bà Ashley Fruno thuộc nhóm bảo vệ quyền động vật (PETA) cho biết: “Khẩu trang sẽ không sớm biến mất. Khi chúng ta vứt chúng đi, những vật dụng này có thể gây hại cho môi trường và các loài động vật trên hành tinh”.

Các nhà hoạt động môi trường cũng đưa ra cảnh báo về hiểm họa môi trường từ những chiếc khẩu trang dùng một lần trong cuộc sống hoang dã ở nhiều nơi trên thế giới.

Nhiều hiểm họa từ rác thải khẩu trang y tế
Nhiều hiểm họa từ rác thải khẩu trang y tế

Trên những ngọn đồi bên ngoài thủ đô Kuala Lumpur của Malaysia, người ta đã phát hiện những con khỉ đuôi ngắn đang nhai dây đeo của những chiếc khẩu trang, điều này có nguy cơ khiến những con khỉ con bị ngạt thở. Tại thành phố Chelmsford của Anh, một con chim mòng biển bị vướng chân vào dây đeo của khẩu trang dùng một lần và một tuần sau đó mới được giải cứu.

Tác động lớn nhất của rác thải khẩu trang có lẽ là ở môi trường dưới nước, khi các tổ chức bảo vệ môi trường cảnh báo "làn sóng" rác thải khẩu trang, găng tay cao su và đồ bảo hộ khác đang "mon men tìm đường" vào những bãi biển và con sông vốn đã ô nhiễm.

Theo nhóm môi trường OceansAsia, cuối năm 2020, ước tính hơn 1,5 tỉ chiếc khẩu trang đã đổ vào các đại dương trên thế giới, chiếm khoảng 6.200 tấn ô nhiễm rác thải trên biển. Điều này rất nguy hiểm đối với các loài sinh vật biển như cá heo, rùa biển... vì chúng có thể nuốt phải khẩu trang vì ngỡ là thức ăn. Khẩu trang sẽ làm tắc đường hô hấp hoặc tiêu hóa và làm chúng chết vì ngạt thở hoặc đói.

Trên thực tế, các nhà bảo tồn ở Brazil đã tìm thấy một chiếc khẩu trang trong dạ dày của một con chim cánh cụt sau khi xác của nó trôi dạt vào một bãi biển. Tương tự, người ta cũng phát hiện một chiếc khẩu trang trong bụng một con cá nóc chết ở ngoài khơi bờ biển Miami. Các nhà hoạt động người Pháp cũng đã phát hiện một con cua chết do bị mắc kẹt trong một chiếc khẩu trang trong một đầm phá nước mặn gần Địa Trung Hải hồi tháng 9 năm ngoái.

Ông George Leonard, nhà khoa học thuộc tổ chức phi chính phủ Ocean Conservancy có trụ sở tại Mỹ, cho biết khi rác thải nhựa phân hủy trong môi trường sẽ hình thành các hạt nhỏ li ti. Những hạt nhỏ này sau đó xâm nhập vào chuỗi thức ăn và tác động đến toàn bộ hệ sinh thái.

Nguồn: https://kinhtemoitruong.vn/hiem-hoa-tu-rac-thai-khau-trang-y-te-53095.html