Hành trình của sự đọc (1): Tuổi mẫu giáo và đọc suốt đời - phần 2
Cập nhật lúc: 18/03/2018, 06:00
Cập nhật lúc: 18/03/2018, 06:00
>> Hành trình của sự đọc (1): Tuổi mẫu giáo và đọc suốt đời - phần 1
- Ở các thành phố lớn thì dễ dàng rồi, cứ ra đường sách, phố sách, nhà sách là có hết, như Đinh Lễ chẳng hạn. Ở nơi không dễ mua, các phụ huynh hãy tận dụng mạng online đi, tiki chẳng hạn.
- Nếu dư dả thời gian, cuối tuần bố mẹ có thể dẫn các bé đi chơi, lúc về tạt qua nhà sách một tí, mua MỘT cuốn. Nhớ là chỉ mua MỘT cuốn thôi nhé, kể cả có là sách bộ thì cũng chỉ mua từng cuốn một, nếu đi cùng các bạn nhỏ. Đồ nhiều thì dễ chán, cái gì dễ có thì cũng sẽ dễ mất, với trẻ mẫu giáo, sách cũng chỉ là một thứ đồ chơi mà thôi. Vả lại, đó cũng là lúc bọn chíp này được rèn giũa về giá trị của tiền và sức lao động của bố mẹ chúng.
- Nếu không có thời gian, ta có thể order (internet trong tay, một cái inbox là đủ. Hoặc các bậc phụ huynh có thể tranh thủ tí buổi trưa chạy vèo ra làm 1 rổ, rồi về cất đi, đưa nhỏ giọt TỪNG CUỐN MỘT thôi (Nhớ là từng cuốn một). Nhiều nhà bạn tôi kết hợp đưa sách vào một lí do nào đó, phần thưởng khi các bạn làm được việc tốt, hoặc nhân ngày gì đó của bé chẳng hạn. Tôi thấy cũng hay, bởi khi món quà được gắn vào một kỉ niệm nào đó, đứa trẻ hẳn sẽ thấy mình được trân trọng hơn rất nhiều.
Cái này "khoai" lắm, vì nó cần thời gian, mà chúng ta làm gì có nhiều thời gian? (nhưng vẫn có thời gian chơi với facebook???)
- Đầu tiên và quan trọng nhất, là một tâm thế đọc sách cùng trẻ.
ĐỌC SÁCH ĐƯỢC LỢI GÌ?
TUỔI NÀY CHƠI THÔI, HIỂU GÌ ĐÂU, 10 CÂU, HỎI 9?
Chính vì vậy, tốt nhất đừng đặt lợi lộc vào việc này, mà lợi lộc sẽ tự đến khi ta hình thành được thói quen đọc sách cho trẻ. Trên tất cả, đọc sách sẽ giúp trẻ hình thành nhân cách một cách bền vững nhất. Chỉ cần chọn đúng sách, đồng hành cùng con, thì con chúng ta sẽ được lớn lên trong yêu thương, sẽ trở thành người nhân hậu và biết ngưỡng dừng trong cuộc sống.
Còn cái lợi trước mắt thì sao? Thì chỉ cần 3-6 tháng đồng hành cùng con, con bạn sẽ BIẾT ĐỌC CHỮ, có THÓI QUEN ĐỌC SÁCH, thích sách, và bạn sẽ chấm dứt được nỗi ám ảnh smartphone với trẻ của mình. Đôi khi bận quá mà các nhóc cứ léo nhéo 1 tỉ câu hỏi vì sao mẹ ơi mẹ hỡi, bạn có thể nịnh nọt chỉ hướng cho bé tự tìm hiểu trong sách, một công đôi việc luôn.
- Xác định tâm thế rồi, thì đến việc sắp xếp thời gian. Thời gian tốt nhất là buổi tối trước khi đi ngủ; 10-20 phút tuỳ độ tuổi, thể trạng, tâm trạng, hứng thú của trẻ và mẹ. Đứa trẻ sẽ mang vào giấc ngủ những câu chuyện, những mặt chữ, sự thanh bình của một tối ấm áp, niềm tin cậy về một siêu nhân cái gì cũng biết là mẹ nó, và tất nhiên là rất nhiều yêu thương của bạn. Đừng đọc lúc ăn cơm xong hoặc giữa tối, những hoạt động hoặc trò chơi khác sau đọc sách sẽ làm bé nhanh quên.
- Độ thường xuyên: Lí tưởng nhất là tối nào cũng đọc. Việc này rất dễ, nhưng lại khó bền. Có cả tỉ lí do khiến bạn buông sách một tối. Theo tôi thì thế này, không nhất nhất tối nào cũng phải cầm sách. Tối nào mệt quá hoặc chẳng có hứng, hoặc bé hu hi sụt sịt, bạn bỏ qua sách đi, nằm ôm chúng và kể lại cho chúng nghe vài chuyện trong sách. Nên chọn những chuyện bé đã biết, để có thể chơi trò nhắc vở với chúng. Bé sẽ thấy mình thật thông minh và mạnh mẽ, khi giúp mẹ nhớ lại vài chi tiết mà mẹ (giả vờ) quên.
- Không gian đọc: Tất nhiên là trên giường, nhưng cần giữ im lặng càng nhiều càng tốt. Ti vi tất nhiên không nên mở, hoạt động của người trong nhà nên nhẹ nhàng, không gây tiếng động mạnh. Đồ chơi dọn sạch không để mắt bé nhìn thấy. Bạn cần để bé không bị phân tán khi đọc sách, vả lại, càng không có chỗ đặt mắt, bé sẽ càng tưởng tượng theo câu chuyện được sâu hơn.
- Tương tác: đây là một quá trình tương tác tay ba, giữa bạn, bé và sách. Nghe thì có vẻ phức tạp, nhưng thực hiện cũng không quá khó khăn:
+ 2 mẹ con/bố con ngồi là tốt nhất. Giữ sách cách mắt bé một khoảng 20-30cm, để bé dễ thấy và không tạo thói quen đọc gần, hại mắt.
+ Một tay cầm sách, một tay chỉ vào từng chữ, đọc rành rọt từng chữ theo chỉ tay. Nhớ là đọc chậm nhé, và đọc lại nếu bạn muốn. Đọc lại cũng cần chỉ tay theo từng chữ. Hoạt động này sẽ khiến bé tập trung vào câu chuyện, và cũng tạo cơ hội cho bé ghi nhớ luôn mặt chữ. Bé không thể nhớ ngay được, nhưng sự lặp lại mỗi tối sẽ dần hình thành khả năng đọc sớm. Trong thời đại smartphone như hiện nay, tôi vẫn cho rằng bé biết đọc sách sớm tốt hơn là bé biết chơi điện thoại sớm.
+ Sau đó bạn chỉ vào hình vẽ, và giải thích cho bé rất ngắn gọn, chậm rãi, bằng các mẫu câu giải thích hoặc nhận định, tự bạn nghĩ ra, ví dụ: Đây là bạn Mèo. Bạn mèo màu vàng. Bạn mèo đang bắt chuột. Bạn mèo xinh quá. Bé sẽ nhận biết sự vật và sử dụng đúng mẫu câu qua hoạt động này.
+ Nhịp đọc và sự lặp lại cũng rất quan trọng đấy. Bạn cứ biểu cảm tuyệt đối vào, như nói như kể với trẻ ấy. Và bạn nên lặp lại nguyên xi lời trong sách, trong những lần kể lại không dùng sách lần sau. Điều này sẽ giúp bé của bạn ghi nhớ cốt truyện, và cũng hình thành mẫu câu cơ bản cho bé. Bí quyết là bạn chỉ nên thuộc lời trong sách tranh, còn sách truyện dài dòng thì đừng dại dột mà thử thách với trí nhớ của trẻ. Bọn nhóc sẽ HÉT LÊN PHẢN ĐỐI khi thấy tối hôm nay bố mẹ kể khác với tối hôm trước... dù chỉ một từ!
+ Bố mẹ sẽ thấy có lúc bé tập trung và nhắc lại lời bạn. Nếu bé nhắc lại lời bạn đọc thì tốt quá, nhưng đừng ép bé phải nhắc. Có lúc bé không nhắc theo bạn, nhưng mắt bé vào não bé đã chụp ảnh chữ đó rồi, đã lưu thông tin câu chuyện đó rồi, theo tay bạn chỉ, theo lời ta đọc. Còn phần nhiều thời gian đầu đọc sách, bé sẽ ngọ ngoạy không nhìn vào sách, không nhìn theo tay bạn chỉ, nhất là bé dưới 3 tuổi. Không sao, bạn cứ đọc chậm rãi, giọng nên biểu cảm theo nhân vật trong truyện, để thu hút bé trở lại câu chuyện. Kể cả khi bé không trở lại câu chuyện, không nhìn vào sách, thì bé vẫn được nghe bạn kể chuyện cơ mà! Vài tuần là bé sẽ quen nếp, sẽ đòi mẹ đọc sách ngay.
+ Bé không giữ sách, xé sách: không sao, cần cho bé thấy rằng sách cũng là một đồ chơi của bé, và thú vị không kém gì búp bê hay ô tô. Có chơi sách, bé mới có thể làm quen và thích được sách. Hạn chế việc bé xé sách bằng cách mua những sách gặm, sách bìa dầy, sách vải. Nhất thiết không mắng bé khi bé làm hỏng sách nhé. Tuyệt đối KHÔNG.
ĐỪNG TIẾC LỜI KHEN, VÀ HÃY BIẾT CHỜ ĐỢI! Những đứa trẻ của chúng ta xứng đáng được như thế! Tình thương yêu nào cũng đáng trân trọng, chỉ khác nhau là cách chúng ta trút yêu thương vào con cái như thế nào mà thôi!
Tiếp theo: Hành trình của sự đọc (2): Tuổi đọc phổ thông
06:31, 11/03/2018
22:01, 21/02/2018
23:50, 29/08/2017
13:00, 08/05/2017
13:44, 26/06/2016