18/01/2025 | 17:49 GMT+7, Hà Nội

Hàng Việt chưa tăng được doanh thu tại thị trường Đông Âu tiềm năng

Cập nhật lúc: 10/05/2019, 09:00

Đông Âu là thị trường truyền thống, quan trọng của Việt Nam tuy nhiên hoạt động xuất khẩu (XK) hàng hoá của Việt Nam sang thị trường này còn rất khiêm tốn.

Theo đánh giá của các chuyên gia, hiệp hội và doanh nghiệp (DN) tại Diễn đàn thương mại Việt Nam- Đông Âu do Bộ Công Thương tổ chức mới đây tại TPHCM, thị trường Đông Âu có nhiều tiềm năng vì đây từng là thị trường truyền thống của Việt Nam.

Đông Âu là thị trường xuất khẩu truyền thống của hàng hóa Việt Nam như dệt may, da giày...(Ảnh TL) Đông Âu là thị trường xuất khẩu truyền thống của hàng hóa Việt Nam như dệt may, da giày

Đông Âu là thị trường truyền thống, quan trọng của Việt Nam tuy nhiên hoạt động xuất khẩu (XK) hàng hoá của Việt Nam sang thị trường này còn rất khiêm tốn. Khu vực này cũng có nhiều người Việt sinh sống nên có các kênh đáng tin cậy để đưa hàng hóa vào thị trường này.

Theo số liệu của Hải quan Việt Nam năm 2018, tổng kim ngạch thương mại hai chiều giữa Việt Nam với các nước khu vực Đông Âu đạt 10,1 tỷ USD, tăng 30,53% so với năm 2017, trong đó xuất khẩu đạt 6,5 tỷ USD (tăng 28,67%) và nhập khẩu đạt 3,6 tỷ USD (tăng gần 33,97%).

Một số mặt hàng Việt Nam đang XK tương đối thuận lợi sang thị trường này như cà phê, sản phẩm mây tre, cói thảm…XK cà phê sang Nga chiếm tới 5,25% tổng kim ngạch XK cà phê của Việt Nam, đây cũng là mức tỷ trọng cao nhất mà một mặt hàng đạt được ở thị trường Đông Âu.

Thứ trưởng Bộ Công Thương, Hoàng Quốc Vượng kỳ vọng, các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới với Liên minh Châu Âu và Liên minh kinh tế Á-Âu sẽ góp phần quan trọng trong việc gỡ bỏ các hàng rào thương mại giữa Việt Nam với các nước trong các quốc gia Châu Âu nói chung, khu vực Đông Âu nói riêng và tăng cường hơn nữa cơ hội xuất khẩu hàng hóa, mở rộng thị trường tiêu thụ giữa Việt Nam và các nước khu vực Đông Âu.

Cũng theo ông Hoàng Quốc Vượng, nếu có các hoạt động xúc tiến thương mại tốt trong thời gian tới, những mặt hàng xuất khẩu chủ lực như thủy sản, rau hoa quả, nông sản chế biến, hàng điện tử và linh kiện điện tử, dệt may và da giày...của Việt Nam sẽ có sự cải thiện đáng kể về kim ngạch xuất khẩu sang thị trường khu vực này.

Tuy nhiên theo đánh giá của các chuyên gia vẫn còn nhiều những khó khăn, thách thức, các DN Việt Nam vẫn chưa thông suốt được về một số quy định về nhập khẩu vào nước bạn, dẫn đến khó khăn trong quá trình giao thương. Hệ thống logistics phục vụ giao thương với Đông Âu chưa tốt; Hệ thống kênh phân phối cho hàng hóa Việt Nam vào Đông Âu chưa hiệu quả, cần được đổi mới…

Do đó, nhiều mặt hàng XK của Việt Nam chưa tăng được doanh thu XK vào thị trường này. Một số mặt hàng thậm chí đã có kim ngạch giảm như XK gạo sang Nga, Ukraina giảm mạnh, XK thủy sản sang Séc và Nga giảm, XK cao su sang Séc giảm cả lượng và trị giá…

Đề xuất biện pháp để khai thác tốt thị trường này, đại diện các Hiệp hội cho rằng, cần có những cuộc kết nối hai bên để DN Việt biết thị trường này cần những sản phẩm gì, cụ thể ra sao và qua đó đưa ra kế hoạch sản xuất phù hợp…Ngoài ra, Bộ Công Thương cần hỗ trợ xây dựng các trung tâm giới thiệu sản phẩm, theo từng nhóm lĩnh vực ngành hàng để DN hiểu rõ.

Theo ý kiến của Hiệp hội Da giày – Túi xách Việt Nam, hiện nay, trong bối cảnh Việt Nam và Liên minh Châu Âu đã kết thúc đàm phán Hiệp định thương mại tự do EVFTA và đang trong quá trình hoàn tất các thủ tục để tiến tới ký kết và phê chuẩn, 8 nước trong khu vực Đông Âu đã gia nhập Liên minh Châu Âu (Ba Lan, Séc, Rumani, Bungary, Hungary, Slovakia, Slovenia và Croatia) đang và sẽ tiếp tục đóng góp phần quan trọng trong tổng kim ngạch thương mại của Việt Nam với khối EU.

Tuy nhiên, riêng đối với các nước Đông Âu, cần lựa chọn những ngành hàng XK phù hợp, tránh những mặt hàng có sản xuất và được bảo hộ tại các nước Đông Âu. Khuyến khích sử dụng mạng lưới các DN người Việt đang hoạt động tại các nước Đông Âu. Hỗ trợ hoạt động xúc tiến thương mại và phát triển thị trường khác ở mức cao hơn so với các nước Tây Âu phát triển…