Hàng chục trẻ đối mặt nguy hiểm vì bố mẹ quên điều cơ bản
Cập nhật lúc: 02/05/2019, 07:01
Cập nhật lúc: 02/05/2019, 07:01
Điều trị gần 2 tháng, em bé này vẫn phải được theo dõi sát sao tại Bệnh viện Nhi Trung ương.
Chăm sóc trẻ bị viêm màng não tại Bệnh viện Nhi Trung ương. Ảnh: TL
Bố mẹ quên tiêm phòng, con bị viêm não, viêm màng não
Chăm con nằm điều trị tại Bệnh viện Nhi Trung ương, bố mẹ bé Hà Minh Ngọc (đã đổi tên, 3 tháng tuổi, ở Hải Phòng) vẫn không thôi ân hận. Đầu tháng 3, bé Ngọc lên cơn sốt rất cao và được đưa đến Bệnh viện Sản Nhi Hải Phòng điều trị nhưng không đỡ. 2 ngày sốt cao liên tục không giảm, bé được đưa lên Bệnh viện Nhi Trung ương.
Tại đây, bé được chẩn đoán bị viêm màng não mủ biến chứng thần kinh. Gần 2 tháng điều trị, tình trạng của bé Ngọc đã tốt hơn. Tuy nhiên, bé vẫn tiếp tục được theo dõi.
Cũng bị viêm màng não, em Ngô Văn Đức (12 tuổi, Thanh Hoá) đã bị mất ý thức khi nhập viện. Sau 3 ngày điều trị tích cực, bệnh nhân đã bắt đầu hồi phục ý thức, tuy nhiên, vẫn chưa thể vận động được.
Điều đáng lưu ý, cả hai gia đình bé Đức, bé Ngọc đều nói các bé chưa được tiêm vaccine phòng bệnh. Đây là tình trạng chung của gần 30 bệnh nhi viêm não, viêm màng não đang điều trị tại Khoa Điều trị tích cực, Trung tâm Y học lâm sàng các bệnh nhiệt đới (Bệnh viện Nhi Trung ương).
Thời tiết nắng nóng và chuyển mùa như hiện nay dễ gây các bệnh truyền nhiễm đối với trẻ nhỏ, trong đó có bệnh viêm màng não. PGS.TS Trần Minh Điển, Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi Trung ương cho hay, mỗi năm bệnh viện này tiếp nhận từ 300- 500 ca viêm màng não. Trong đó, có khoảng 50-70 bệnh nhân viêm não Nhật Bản.
30 bệnh nhi mắc viêm não và viêm màng não mà Bệnh viện đang điều trị với nhiều mức độ và lứa tuổi khác nhau, di chứng nặng nề.
“Hầu hết các trẻ này đều được chuyển từ tuyến dưới lên trong tình trạng bệnh đã nặng và biến chứng thần kinh”, PGS.TS Trần Minh Điển nói.
Trong số đó, có bé mức độ tri giác còn tỉnh táo, nhưng cũng có những bé không còn tỉnh táo nữa và bắt đầu có những di chứng về tinh thần. Đáng buồn, có những cháu hạn chế về vận động, thậm chí là tê liệt.
Bệnh nguy hiểm nhưng có thể phòng
Màng não là một thành phần của não bộ, giúp hình thành lá chắn bảo vệ não và tủy sống. Viêm màng não là tình trạng nhiễm trùng của màng não. Bệnh thường do vi khuẩn Hib, mô cầu, phế cầu... gây nên. Ngoài ra còn có thể do virus, nấm, ký sinh... Trung bình mỗi năm Việt Nam có khoảng 650 người viêm màng não mủ do vi khuẩn, trong đó vi khuẩn não mô cầu chiếm khoảng 14%. Bệnh thường để lại di chứng nặng nề như chậm phát triển tinh thần, điếc, liệt với tỷ lệ 10-20%, thậm chí tử vong nếu không điều trị sớm.
Theo Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương, tại các nước đang phát triển ở châu Á, viêm màng não do phế cầu khuẩn có tỷ lệ tử vong trên 50%.
Trẻ mắc bệnh thường sốt cao và đau đầu trong vài giờ, hoặc kéo dài 1-2 ngày. Các triệu chứng khác có thể xuất hiện gồm nôn mửa, nhạy cảm với ánh sáng, cứng cổ, ăn mất ngon, rối loạn ý thức, bứt rứt, ngủ lơ mơ.
Viêm màng não là bệnh lý nguy hiểm, dễ lây lan nhưng có thể chủ động phòng ngừa. Thời điểm từ tháng 5 đến tháng 9 hàng năm là giai đoạn cao điểm của bệnh viêm não - màng não. Theo PGS.TS Trần Minh Điển, trong một số bệnh viêm màng não do vi khuẩn như phế cầu, Haemophilus influenza... hoàn toàn có thể phòng được bằng các loại vaccine. Riêng bệnh viêm não Nhật Bản B đã có vaccine trong Chương trình Tiêm chủng mở rộng, độ phủ khá tốt, tỉ lệ mắc giảm nhiều.
Vị chuyên gia này cảnh báo, hầu hết các bệnh nhi mắc viêm màng não do vi khuẩn chưa được tiêm phòng, hoặc tiêm phòng chưa đầy đủ. Đối với nhóm viêm não do virus cũng vậy. Với viêm não nhật bản B, sau mỗi 3 năm lại tiêm nhắc lại để đảm bảo có kháng thể tốt nhất.
Bên cạnh đó, cha mẹ chủ động tiêm phòng vaccine phòng bệnh cho trẻ, Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) khuyến cáo, người dân thường xuyên rửa tay bằng xà phòng, súc miệng, họng bằng các dung dịch sát khuẩn mũi họng. Mỗi người thực hiện tốt vệ sinh nơi ở, làm việc. Khi thấy người bệnh có biểu hiện sốt cao, đau đầu, buồn nôn và nôn, cổ cứng, cần đến ngay cơ sở y tế để được khám và điều trị kịp thời.
Một điểm đáng chú ý là khi thấy con sốt, ho, bố mẹ đã tự “mua tạm” kháng sinh cho con uống. Cùng với việc đưa con đi khám muộn, tình trạng sử dụng kháng sinh vô tội vạ khiến bệnh tình ngày một phức tạp hơn. Bởi việc dùng kháng sinh theo cách này sẽ che mờ biểu hiện ban đầu của bệnh, hoặc có thêm những triệu chứng phức tạp khó nhận biết, gây khó khăn cho điều trị, dễ chẩn đoán nhầm sang bệnh lý khác.
Theo các bác sĩ, để phát hiện trẻ mắc viêm màng não, đặc biệt ở trẻ sơ sinh, cha mẹ cần để ý các dấu hiệu sốt, chán ăn, bú kém, rối loạn tiêu hóa như tiêu chảy hoặc nôn, ho, chảy nước mũi… Biểu hiện này rất khó phân biệt với bệnh lý khác, do đó cần theo dõi sát sao và cần đưa trẻ đến ngay cơ sở y tế để được khám, làm các xét nghiệm chẩn đoán chính xác và điều trị kịp thời. Tuyệt đối không tự ý sử dụng thuốc nếu không được thầy thuốc chỉ định hoặc cho trẻ uống các loại thuốc lá theo mách bảo hoặc chậm trễ đưa trẻ đến bệnh viện có thể gây nguy hiểm đến tính mạng của trẻ và làm tăng nguy cơ để lại nhiều di chứng thần kinh do điều trị muộn.
Để phòng bệnh viêm màng não cho trẻ, Bộ Y tế khuyến cáo người dân:
- Thực hiện tốt vệ sinh cá nhân: thường xuyên rửa tay bằng xà phòng, súc miệng, họng bằng các dung dịch sát khuẩn mũi họng thông thường.
- Thực hiện tốt vệ sinh nơi ở, thông thoáng nơi ở, nơi làm việc.
- Chủ động tiêm phòng vaccine phòng bệnh cho trẻ tại các cơ sở tiêm chủng dịch vụ.
- Khi có biểu hiện sốt cao, đau đầu, buồn nôn và nôn, cổ cứng, cần đến ngay cơ sở y tế để được khám và điều trị kịp thời.
Quỳnh An
16:00, 21/04/2019
22:06, 03/04/2019
08:12, 13/03/2019