19/01/2025 | 13:40 GMT+7, Hà Nội

Hà Tĩnh: Nguy hiểm rình rập từ những đường dây điện mất an toàn sau công tơ

Cập nhật lúc: 06/06/2019, 21:00

Đường dây từ công tơ về nhà dân không đủ tiêu chuẩn, tự kéo dây giăng chằng chịt từ nhà này sang nhà khác, những cột chống điện tạm bợ vào các hộ dân.

Đường dây từ công tơ về nhà dân không đủ tiêu chuẩn, tự kéo dây giăng chằng chịt từ nhà này sang nhà khác, những cột chống điện tạm bợ vào các hộ dân ở Hà Tĩnh đổ nghiêng ngả dọc hai bên đường khiến người dân lo âu, sợ hãi.

Dây điện được người dân tự dựng bằng trụ tre, gỗ tạm bợ dọc hai bên mép đường ở xóm 10, xã Đức Dũng (huyện Đức Thọ) để kéo điện từ trụ điện hạ thế về nhà dân. Dây điện được người dân tự dựng bằng trụ tre, gỗ tạm bợ dọc hai bên mép đường ở xóm 10, xã Đức Dũng (huyện Đức Thọ) để kéo điện từ trụ điện hạ thế về nhà dân.

Để đưa điện về sử dụng, một số hộ dân tại xã Đức Dũng (huyện Đức Thọ) và xã Gia Hanh (huyện Can Lộc), tỉnh Hà Tĩnh đã tự mua dây điện rồi dựng trụ tre, gỗ không đảm bảo chất lượng để kéo điện từ trụ chính về nhà. Việc làm này vừa khiến cho nguồn điện bị hao phí, lại vừa gây nguy hiểm cho người dân, đặc biệt là vào những ngày mưa bão.

Đi dọc tuyến đường vào xóm 10, xã Đức Dũng (huyện Đức Thọ) có tình trạng các hộ dân tự dựng trụ tre, gỗ tạm bợ dọc hai bên mép đường để kéo điện từ trụ điện hạ thế nơi đặt công tơ chính về để phục vụ sinh hoạt và sản xuất.

Theo ghi nhận tại hiện trường, những đường dây từ công tơ về nhà dân không đủ tiêu chuẩn, có những đường dây tự kéo dây từ nhà này sang nhà khác bằng dây lô, dây tiết diện nhỏ hơn mức cho phép, dễ bị bong tróc khi nắng mưa; sau thời gian dài sử dụng không duy tu, lại chịu ảnh hưởng từ môi trường nên dây dễ hỏng, người dân tự “vá” mà không thay dây mới nên có nhiều mối nối.

Cây cột điện bằng trụ tre, gỗ tạm bợ gãy đổ bên đường. Cây cột điện bằng trụ tre, gỗ tạm bợ gãy đổ bên đường.

Qua tìm hiểu được biết, tại đây hiện có khoảng 24 hộ dân đang dùng lưới điện từ Điện lực huyện Can Lộc. Trước đây, các hộ dân này xin kết nối điện của xí nghiệp Mangan, sau khi xí nghiệp Mangan giải thể thì người dân nơi đây không có điện để dùng. Trước thực trạng lưới điện không kéo đến nơi cho các hộ dân, Công ty điện lực Hà Tĩnh đã đầu tư đường dây điện từ huyện Can Lộc đến vị trí mà trước đây xí nghiệp Mangan cho dân bắt điện. Điện lực huyện Can Lộc tiến hành bán điện cho các hộ dân thông qua 3 đồng hồ tổng, còn các hộ tự kéo dây sau các tổng đó.

“Đường dây điện tại đây chằng chịt, có đoạn dây sà ngang đầu người đi đường. Nhiều cây cột điện bằng trụ tre, gỗ tạm bợ có thể gãy đổ bất cứ lúc nào; đồng hồ điện được che chắn bằng can nhựa, nguy cơ mất an toàn do nhiễm điện rất cao”, chị Hoa, một người dân qua đường nói.

Trao đổi với ông Phạm Trọng Thiện, Chủ tịch UBND xã Đức Dũng cho biết, xã cũng đã nhận được phản ánh về thực trạng này của người dân. Hiện giờ có một số hộ bắt điện từ điện lực Can Lộc, một số khác bắt điện của điện lực huyện Đức Thọ, xã cũng đã có tờ trình, đề xuất lên trên rồi.

Empty Dây điện chằng chịt, sà ngang đầu người đi đường; đồng hồ điện được che chắn bằng can nhựa, nguy cơ mất an toàn do nhiễm điện rất cao. Dây điện chằng chịt, sà ngang đầu người đi đường; đồng hồ điện được che chắn bằng can nhựa, nguy cơ mất an toàn do nhiễm điện rất cao.

Liên quan đến vấn đề này, ông Trần Xuân Sâm, Giám đốc chi nhánh Điện lực huyện Can Lộc cho biết, điện lực chỉ bán tổng cho hộ dân, còn các hộ dân tự kéo dây. “Đây là đồng hồ của hộ dân chia điện cho nhau phía sau công tơ nên không phải trách nhiệm của ngành điện, ngành điện không quản lý”.

Theo Giám đốc chi nhánh Điện lực huyện Can Lộc thì hàng năm, ngành điện cũng có đã kiểm tra, nhắc nhở nhằm đảm bảo an toàn. “Ngành điện cũng cử anh em xuống nhắc nhở và người dân cũng đã khắc phục đảm bảo nhưng sau quá trình sử dụng, thiết bị của dân không được chắc chắn nên vẫn xảy ra thực trạng này. Sau khi nhận được phản ảnh, công ty cũng đã tiến hành khảo sát, đưa vào kế hoạch và đã có dự án đầu tư vào đó rồi”, ông Sâm cho biết thêm.

Cột khô chống dây điện tạm bợ bị ngã, dây điện bò dài xuống dưới đất ở khu vực đồi sim luôn rình rập người đi đường.

Cột khô chống dây điện tạm bợ bị ngã, dây điện bò dài xuống dưới đất ở khu vực đồi sim luôn rình rập người đi đường.

Thực trạng này cũng đang diễn ra tại khu vực thuộc Đồi Sim, ranh giới giữa xã Gia Hanh và xã Vĩnh Lộc (huyện Can Lộc). Tại đây, một đường điện mất an toàn ở đường dây sau công tơ được các cột cây khô làm giá đỡ; có những cột đã khô mục, gãy đổ xuống đất, dây điện không đảm bảo chất lượng nằm ngổn ngang dưới đất rất nguy hiểm vì nguy cơ rò rỉ điện rất cao.

Theo người dân nơi đây, đường dây điện sau công tơ này là của 3 hộ dân ở xã Gia Hanh (huyện Can Lộc) đang sử dụng đã có từ lâu, tiềm ẩn nguy hiểm vì rò rỉ điện nhưng mãi vẫn chưa được khắc phục, tu sửa lại.

“Mỗi lần đi qua đồi sim, chúng tôi đều lo sợ vì đường điện treo lơ lửng trên đầu. Vừa rồi có đợt gió to xô ngã mấy cột khô chống dây điện tạm bợ, dây điện bò dài xuống dưới đất lại càng nguy hiểm hơn”, người dân nơi đây cho biết.

Trao đổi vấn đề này với ông Nguyễn Văn Hùng, Chủ tịch UBND xã Vĩnh Lộc (huyện Can Lộc) cho biết, đường điện này là của 3 hộ dân ở xã Gia Hanh tiếp giáp với xã Vĩnh Lộc. “Đường điện nguy hiểm này là của các hộ dân xã Gia Hanh nhưng lại không kéo từ phía trên của xã Gia Hanh xuống, mà lại đi từ phía dưới ở xã Vĩnh Lộc lên”, ông Hùng nói.

Cũng theo ông Hùng, xã cũng đã yêu cầu mấy hộ dân xã Gia Hanh chuyển đường điện đi trên địa bàn xã mình. “Đường điện của người dân xã Gia Hanh mà đi trên địa bàn xã Vĩnh Lộc nhưng lại không đảm bảo thì chúng tôi sẽ không cho kéo điện đi qua, nếu có gì sơ suất thì xã Vĩnh Lộc lại phải chịu”, ông Hùng cho biết thêm.

Empty Đường dây điện sau công tơ của 3 hộ dân ở xã Gia Hanh nhưng lại đi qua đất xã Vĩnh Lộc mất an toàn, tiềm ẩn nguy hiểm vì rò rỉ điện. Đường dây điện sau công tơ của 3 hộ dân ở xã Gia Hanh nhưng lại đi qua đất xã Vĩnh Lộc mất an toàn, tiềm ẩn nguy hiểm vì rò rỉ điện.

Liên quan đến vấn đề này, ông Trần Xuân Sâm, Giám đốc chi nhánh Điện lực huyện Can Lộc cho biết thêm, sẽ cho anh em kiểm tra lại đường dây điện này, nếu đường dây điện của các hộ dân này không đảm bảo an toàn thì phải nhắc nhở người dân để tu sửa lại cho đảm bảo, nếu không đảm bảo thì chúng tôi sẽ cắt điện.

“Phía sau công tơ không phải tài sản của ngành điện nhưng ngành điện sẽ nhắc nhở, giúp hộ dân sau công tơ về nhân công để cải thiện lại đường dây điện đảm bảo an toàn”, ông Sâm nói.

Theo người dân thì một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng các hộ dân phải tự kéo lưới điện về sử dụng là do hệ thống điện chưa kịp thời phát triển đáp ứng đúng với nhu cầu của người dân. Ngoài ra, các hộ dân trong quá trình sử dụng cũng không kịp thời sửa chữa dẫn đến việc đường dây bị xuống cấp nên thiết nghĩ ngành điện cần phải khẩn trương đầu tư xây dựng lưới điện hạ thế thay cho những lưới điện đã xuống cấp. Ngành điện lực cũng nên thường xuyên kiểm tra, nhắc nhở và phối hợp cùng với các hộ dân gia cố hệ thống đường dây, cột trụ, tránh tình trạng tự kéo điện không an toàn, đặc biệt là vào những mùa mưa bão.

Nguồn: https://congluan.vn/ha-tinh-nguy-hiem-rinh-rap-tu-nhung-duong-day-dien-mat-an-toan-sau-cong-to-post63052.html