Hà Nội \"xanh\" qua lăng kính của những họa sĩ đặc biệt tại phòng tranh Picas Sơn
Cập nhật lúc: 29/08/2023, 14:25
Cập nhật lúc: 29/08/2023, 14:25
Được biết, Thầy giáo, Hoạ sĩ Nguyễn Tuấn Sơn hay còn gọi là Picas Sơn là người đồng hành cùng Bảo Châu, Trọng Việt và Hoàng Hoa trong hành trình vẽ lại Hà Nội trong tâm tưởng của mình.
Trò chuyện với PV, anh chia sẻ, tranh vẽ của các em lấy chủ đề “Lặng ❤️ Hà Nội”. Đó sẽ là một thành phố xanh, vừa truyền thống vừa hiện đại, tấp nập với những tòa nhà cao tầng.
Thông qua mỗi bức tranh Bảo Châu, Trọng Việt hay Hoàng Hoa mong muốn môi trường của chúng ta thêm xanh, trở lại dáng vẻ vốn có của mình.
Theo hoạ sĩ Tuấn Sơn, những bức tranh vẽ của các em sẽ được tổ chức triển lãm vào tháng 12 sắp tới, trong một sự kiện sắp được hé lộ. Với anh, đây là cơ hội giúp mọi người nhận thức rõ hơn về các vấn đề của môi trường.
Khi chúng ta, những con người bình thường, đầy đủ chân tay đang vô tình hoặc cố ý làm tổn hại môi trường thì với những bạn kém may mắn như các em lại luôn khát khao được góp sức mình vào “cuộc chiến” bảo vệ môi trường.
Bảo Châu (SN 2005, Láng Thượng, Hà Nội) là cô gái hoạt bát, năng động nên các bức tranh của em luôn tràn ngập màu sắc.
Chia sẻ từ hoạ sỹ Tuấn Sơn, tranh vẽ của Bảo Châu chịu ảnh hưởng của trường phái ấn tượng. Các họa sĩ thuộc trường phái ấn tượng luôn lấy thiên nhiên làm cảm hứng chủ đạo nên màu sắc sử dụng trong tranh đều rất tự nhiên, như màu đỏ tươi, đen thuần…. Đó cũng là lý do tranh vẽ của cả ba bạn đều có sự tương đồng trong phác hoạ, pha màu.
Trên tay của Bảo Châu là bức tranh “Phở Hà Nội”. Thế nhưng bát phở trong tay Bảo Châu lại rất khác, đó phải là bát phở sạch, với đầy đủ gia vị của một bát phở truyền thống. Đặc biệt là hương vị đã để lại dấu ấn cho Châu ngay từ những ngày còn bé.
“Đôi Bạn Trong Rừng” được lấy cảm hứng từ một thành phố trong xanh, nơi mà con người và động vật có thể chung sống hòa bình. Điều mà Bảo Châu và nhiều bạn trẻ khác không cảm nhận được khi sống giữ Thủ đô.
“Ngõ Trong Phố” lại là quang cảnh bình yên của những ngôi nhà cổ, nơi đang dần bị thay thế bằng những toà nhà cao tầng.
“Phố Hiện Đại và Hồ Nước” phản ánh thực trạng sông hồ tại Hà Nội đang ngày càng bị thu hẹp, nhường chỗ cho những khu đô thị mới. Khung cảnh nhà cao tầng phản chiếu trên mặt nước là điều làm cho Bảo Châu ấn tượng sâu sắc.
Khác với Bảo Châu, Trọng Việt (SN 2006, Đan Phượng, Hà Nội) là người ưa chuộng các chi tiết trừu tượng, bên cạnh đó các bức tranh của Việt còn gây ấn tượng bởi kỹ năng chôn màu độc đáo chẳng kém bất cứ hoạ sĩ nào.
“Tô Lịch - Dòng Sông Lịch Sử” có lẽ là bức tranh thể hiện rõ mong ước của Việt về một Hà Nội không ô nhiễm. Đã bao lâu rồi ta chưa thấy sông Tô Lịch trong và sạch đến thế, đến mức ta có thể thong dong chèo thuyền qua?
Có lẽ xuất phát từ điều đó, Việt đã tưởng tượng ra một dòng sông Tô Lịch rất khác, không ô nhiễm, không rác thải.
“Mùa Thu Hà Nội” hiện lên trong Việt là những dãy phố với các căn nhà nhỏ lô xô nằm nép mình vào nhau gợi lên cảm giác xa xưa, pha lẫn sự hối hả của cuộc sống hiện đại. Màu sắc trầm lắng, nhã nhặn cũng đã nói hết tâm tư đó.
“Gia Đình Xanh” là bức tranh vô cùng độc đáo của Việt khi liên tưởng gia đình mình là gia đình của những loại hoa. Một ước mơ đẹp ẩn chứa thông điệp nhân văn, mong muốn con người và thiên nhiên có thể chung sống hoà bình, vui vẻ.
“Hiện Đại Và Truyền Thống” là sự tương phản giữa một đô thị phát triển và Hà Nội cổ kính. Tuy nhiên điều đặc biệt là cả hai phát triển đồng đều, không lấn chiếm lẫn nhau.
Theo chia sẻ của hoạ sĩ Tuấn Sơn, bức tranh này còn được Việt gửi gắm sự giao thoa văn hoá Đông Tây, là cầu nối với bạn bè quốc tế.
“Trầm Mặc - Nét Đẹp Hà Thành” lấy cảm hứng về các di sản tiêu biểu của Hà Nội, trong đó có Chùa Một Cột. Vẻ đẹp tĩnh lặng, mang dấu ấn của thời đại ẩn mình dưới tán cây cổ thụ.
Tranh vẽ của Hoàng Hoa (2006, Mỹ Đức, Hà Nội) theo chia sẻ từ hoạ sĩ Tuấn Sơn đều có 3 đặc điểm chính là ấn tượng, biểu tượng và siêu thực. Điều này ta cũng có thể nhận rõ qua tranh của Bảo Châu hay Việt, nhưng có lẽ ở Hoa là rõ nét nhất.
Giống như “Trầm Mặc - Nét Đẹp Hà Thành”, “Trái Tim Thủ Đô” là bức tranh tôn vinh di sản của Thủ đô, chỉ khác ở đây nó được đặt dưới sự “nâng niu” của một cô gái Việt với tà áo dài đặc trưng.
Qua đó truyền tải thông điệp, dù có đô thị hoá đến mức độ nào những giá trị văn hoá, lịch sử đều nên được gìn giữ, trân trọng.
“Nhà Cổ Hà Nội” mang đến sự bình yên lạ thường, gợi nhớ đến mùa thu trong trẻo, lưu luyến của Hà Nội. Những chiếc xe đầy hoa cùng hàng cây xanh đã trở thành biểu tượng mà chỉ cần nhắc tới mùa thu Hà Nội là ta sẽ nhớ tới ngay.
“Sắc Màu Phố” và "Hoa trên phố" có thể coi là những bức tranh phá cách với hình ảnh những chú bướm bay lượn trong thành phố. Điều mà lâu lắm rồi ta không được nhìn thấy, nếu một ngày điều đó xảy ra chắc chắn không khí chúng ta sống, cảnh vật quanh ta phải trong mát, xanh tươi đến nhường nào.
Và đây chỉ là số ít trong những bức tranh về Hà Nội mà Bảo Châu, Trọng Việt và Hoàng Hoa đã thực hiện. Dù dùng trường phái nghệ thuật nào, màu sắc ra sao thì với các em đều mong muốn thể hiện một Hà Nội “xanh”, truyền thống nhưng cũng rất hiện đại. Từ đó lan tỏa tình yêu môi trường, kêu gọi mọi người cùng đứng lên và bảo vệ cuộc sống tốt đẹp của chúng ta.
"Thầy phù thủy" của những trẻ em có máu hội họa
Họa sĩ Nguyễn Tuấn Sơn sinh năm 1978 tại Hưng Nhân (Hưng Hà - Thái Bình). Anh tốt nghiệp Trường Cao đẳng Sư phạm Nhạc Họa Trung ương và Trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam.
Thầy giáo Nguyễn Tuấn Sơn, chủ nhân của xưởng họa Picas Sơn đang là giáo viên dạy mỹ thuật của Trường THCS-THPT Nguyễn Tất Thành. Anh là người từ nhiều năm nay đã truyền cảm hứng hội họa cho nhiều thế hệ học sinh, không chỉ của trường Nguyễn Tất Thành. Cách đây hai năm, Nguyễn Tuấn Sơn quyết định mở xưởng dạy vẽ cho các em nhỏ.
Họa sĩ Nguyễn Tuấn Sơn người được các học trò yêu quí của mình gọi với cái tên ngộ nghĩnh là Picas Sơn, là một họa sĩ tâm huyết với nghề vẽ, đã có bề dày 15 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực nghiên cứu và giảng dạy bộ môn nghệ thuật và hội họa cho các lớp thanh thiếu niên và nhi đồng ở nhiều nơi như Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, trường THCS-THPT Nguyễn Tất Thành Hà Nội, Trung tâm nhạc hoạ Sun Music và nhiều trung tâm nhạc họa khác ở Hà Nội.
Anh từng được nhận Bằng khen của Bộ trưởng bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch, vì đã có thành tích xuất sắc trong các hoạt động mỹ thuật thanh thiếu niên giai đoạn 2007 - 2010. Giấy khen của Bảo tàng Mỹ thuật Việt nam vì đã tham gia tích cực, góp phần thành công vào hoạt động Giáo dục nghệ thuật của Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam trong năm 2011 - 2012...
Học trò của họa sỹ Tuấn Sơn đã đạt nhiều giải thưởng vẽ tranh trong nước và quốc tế: 1 giải Vàng Liên hoan Mỹ thuật Quốc tế tại Kyoto Nhật Bản; 2 giải xuất sắc Ennkki - Nhật Bản; 1 giải Ba Sankar, Ấn Độ... và nhiều giải thưởng xuất sắc trong nước.
Nguồn: https://kinhtemoitruong.vn/ha-noi-qua-lang-kinh-cua-nhung-ban-tre-dac-biet-80122.html
13:55, 17/08/2023
09:45, 03/08/2023
13:10, 08/02/2019