22/11/2024 | 14:49 GMT+7, Hà Nội

Hà Nội: Vì sao vẫn có nhiều trường “lạm thu”?

Cập nhật lúc: 25/11/2018, 08:00

Dù đã có nhiều quy định của ngành Giáo dục chấn chỉnh “lạm thu”, song vẫn còn một số trường đặt ra những khoản thu, thực hiện thu xã hội hóa không đúng quy định. Vậy vì sao vẫn còn tình trạng đó xảy ra?

  Tranh minh họa.

Tranh minh họa.

Vẫn “lách” để thu tiền

Ban Văn hóa Xã hội (HĐND TP Hà Nội) vừa công bố Báo cáo số 75/BC-VHXH về kết quả khảo sát công tác triển khai nhiệm vụ năm học 2018 - 2019 tại các cơ sở Giáo dục mầm non, Giáo dục phổ thông công lập trên địa bàn TP Hà Nội. Theo đánh giá của đợt khảo sát, đầu năm học 2018 - 2019, một số trường học trên địa bàn đã tự ý đặt ra những khoản thu không đúng quy định, thực hiện thu xã hội hóa không đúng quy trình như: Thu tiền túi kiểm tra, phô tô tài liệu, tiền vệ sinh, thu tiền để mua bàn ghế, tiền trái tuyến, thu tiền xã hội hóa điều hòa và thiết bị giảng dạy... gây bức xúc trong phụ huynh học sinh.

Cụ thể, Trường Tiểu học Đô thị Việt Hưng (quận Long Biên) có một số lớp thu tiền cơ sở vật chất, sách giáo khoa, kỹ năng sống, đồng phục, mũ, ghế; Trường Mầm non An Khánh A (huyện Hoài Đức) thu tiền học sinh trái tuyến… Ngoài ra, một số nơi phát sinh một số khoản thu ngoài quy định như: Tiền học câu lạc bộ, kỹ năng sống, tiền lắp và tiền điện điều hòa, học Ngoại ngữ chuyên gia, trông giữ trẻ, học ngoài giờ và ngày thứ 7... chưa được quy định và hướng dẫn cụ thể. Vì vậy, các đơn vị “lúng túng” trong triển khai thực hiên.

Cũng theo Ban Văn hóa Xã hội (HĐND TP Hà Nội), tại một số trường, Ban Giám hiệu hợp tác với các nhà may, công ty may để đặt đồng phục cho học sinh. Trung bình mỗi bộ đồng phục có giá từ 150.000 - 270.000 đồng và mỗi học sinh tối thiểu có 3 bộ đồng phục. Không ít trường quy định học sinh mặc đồng phục trong cả tuần, do vậy thực tế phụ huynh phải mua số lượng đồng phục cho học sinh từ 5 - 6 bộ đồng phục gây tốn kém về kinh phí cho phụ huynh học sinh.

Từ kết quả các đợt khảo sát trường học tại Hà Nội nói trên và hàng năm đều chỉ ra thực trạng trong quản lý thu các khoản tiền trường ở một số trường công lập đã bộc lộ bất cập, sai phạm. Năm nay, dù được ngành Giáo dục đẩy mạnh tuyên truyền, ra các quy định cụ thể, song nhiều nơi vẫn vi phạm, thậm chí “sáng tạo” ra một số khoản thu ngoài quy định, khiến phụ huynh bức xúc.

Cần xử lý nghiêm để chấm dứt lạm thu

Trước kết quả công bố của Hà Nội, nhiều chuyên gia giáo dục không mấy ngạc nhiên bởi những năm học gần đây, vẫn còn tình trạng một số trường học tổ chức thu các khoản không đúng quy định. Song trước bức xúc từ phụ huynh, các cơ quan chức năng vào cuộc, các trường đều thoái thác trách nhiệm và lấy lý do, đổ lỗi cho sự nhầm lẫn nào đó. Sau đó, thông báo dừng khoản thu, trả lại tiền đã thu cho phụ huynh. Một số vụ việc xảy ra, ngoài phải trả lại tiền thu sai quy định cho phụ huynh, lãnh đạo nhà trường cũng chỉ bị xử lý cảnh cáo, rút kinh nghiệm… Trong khi đó, cùng tính chất như vậy một số địa phương khác điều chuyển, thậm chí cách chức Hiệu trưởng để xảy ra thu sai.

Chứng kiến câu chuyện “lạm thu” gây nhức nhối nhưng dai dẳng từ nhiều năm nay, PGS.TS Hoàng Văn Cường - Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Kinh tế Quốc dân, Hà Nội chỉ ra nguyên nhân xảy ra tình trạng này đó là do nhiều nơi chưa hiểu đúng và làm đúng pháp luật về xã hội hóa trong giáo dục dẫn tới cách thức triển khai không phù hợp. Đây là lý do dẫn tới tình trạng một số nơi, một số địa phương, đặc biệt là người đứng đầu các cơ sở giáo dục đã thực hiện chưa đúng quy định, để xảy ra tình trạng lợi dụng hội cha mẹ phụ huynh học sinh, tình trạng áp đặt cào bằng để thu. Đơn cử như các khoản thu ở Trường Tiểu học Sơn Đồng (Hoài Đức, Hà Nội) đầu năm học vừa qua.

Về hướng xử lý vi phạm, PGS.TS Hoàng Văn Cường cho rằng: “Việc thu sai mang đúng nghĩa lạm thu, tức là thu những khoản thu không được phép thu, không có trong quy định dù có thể mục đích là tốt. Nếu thu sai như thế, xử lý hành chính, người đứng đầu phải chịu trách nhiệm hành chính với vi phạm quy định của ngành, đồng thời phải trả lại tiền cho phụ huynh. Trường hợp thu có thể đúng theo quy định nhưng việc sử dụng đồng tiền thu ấy là không đúng theo quy định về mặt công khai minh bạch, đó là sai phạm về mặt tài chính, phải xử lý về mặt tài chính. Nếu trầm trọng hơn là dùng tiền đó vào mục đích tư lợi cá nhân thì phải xử lý nặng hơn”.

Để chấm dứt tình trạng lạm thu, theo TS Nguyễn Tùng Lâm, Chủ tịch Hội Khoa học, Tâm lý giáo dục Hà Nội cho rằng, trách nhiệm về các khoản thu trong nhà trường phải thuộc về nhà trường, không thể nói rằng không biết được. “Các khoản thu phải công khai, trường phải giải trình các khoản thu tới các phụ huynh, còn nếu không làm được điều này nên thay thế Hiệu trưởng bằng người khác. Khi xảy ra lạm thu, người đứng đầu cơ sở giáo dục phải chịu trách nhiệm đầu tiên, không thể đổ lỗi cho người khác. Do đó, cần tăng cường công tác giám sát hơn nữa và xử lý thật nghiêm mới có thể dứt điểm được lạm thu trường học”, TS Nguyễn Tùng Lâm chia sẻ.

Theo thống kê của Hà Nội, năm học 2018 - 2019, Hà Nội có 2.689 trường và gần 2 triệu học sinh mầm non và phổ thông. So với năm học 2017 - 2018, tăng 48 trường, gần 110.000 học sinh. Đó là do tốc độ tăng dân số cơ học cao cùng với việc phát triển đô thị, xây dựng nhiều khu chung cư cao tầng trên địa bàn thành phố dẫn đến hiện tượng quá tải trong các trường công lập, tỷ lệ học sinh trên lớp cao. Hiện nay, trên toàn thành phố có 19 trường mầm non công lập có sĩ số từ 50 cháu trở lên/lớp học; có 87 trường tiểu học công lập có sĩ số từ 50 học sinh trở lên/lớp; có 13 trường THCS công lập có sĩ số từ 50 học sinh trở lên/lớp.

Quang Anh